Điều đáng nói ở đây là sự hy sinh của những người thầy này cho sự phát triển giáo dục vùng sâu là quá lớn. Họ hầu như không nghĩ đến tết. Bởi vậy, tự tâm can, tôi muốn nói với những cô giáo ấy một câu: Tết này, các cô giáo vui nhé!
Cô gai1o Nguyễn Thị Thân Thương ở phân trường làng H'Mông, xã Rô men, Đam Rông. |
Từ Đà Lạt, vào đến Bằng Lăng (trung tâm huyện Đam Rông) đã xa ngút ngàn. Từ thị trấn Bằng Lăng vào đến làng H’Mông thuộc thôn 5 của xã Rô Men hẳn cũng không gần mấy. Ấy vậy mà, ở thâm sơn cùng cốc đó, các cô giáo tên là Tấn, Tuyết, Thương… vẫn không ngán ngại sự cách trở và bao nhiêu là chuyện khó khăn khác để ngày đêm “đèn sách” cùng học trò. Tấn cười thật tươi khi nói về bạn đồng nghiệp: “Quê em ở ngoài Bắc thì không nói, còn bạn Nông Thị Tuyết có nhà ở Đắc Nông nhưng tết này vẫn ở lại với bà con người H’Mông ở đây đấy!”. Nông Thị Tuyết là người Tày, nhà ở Đắc Nông. Còn Hoàng Thị Tấn quê ở Bắc, sinh viên Đại học Đà Lạt mới ra trường. “Ra trường, em xin vào dạy ở đây luôn. Tết này, ở lại với bà con!” – Tấn nói với niềm tự hào chứ không là sự ca thán.
Anh Sùng A Sáng – Phó thôn 5 (làng H’Mông), xã Rô Men – tự hào: “Định cư ở đây rồi, bà con mình rất lo chuyện học cho lũ trẻ. Ở điểm trường này, có đến 126 em là con em người H’Mông được huy động đến lớp. Các cô giáo chăm các em kỹ lắm!”. Có thể hình dung như thế này: Ở Lâm Đồng, Đam Rông là huyện vùng sâu vùng xa; còn ở Đam Rông, Rô Men là xã vùng sâu; và tại Rô Men, thôn 5 của người H’Mông là thôn vùng sâu nhất của xã. “Nhưng so với trước đây, khi bà con còn sống rải rác trong rừng sâu thì nơi vùng sâu thôn 5 này đã là “vua” rồi đấy!” – Trưởng thôn người H’Mông, anh Yàng Seo Long, khẳng định với tôi như vậy. Thôn 5 bây giờ đã có đến 117 hộ người H’Mông sinh sống. Điều đáng nói, đến nơi ở mới, bà con được cấp đất làm nhà, được tổ chức lại nơi ăn chốn ở, và cả việc tạo điều kiện để bà con gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của mình. Phó thôn 5 Sùng A Sáng khoe: “Được chính quyền tạo điều kiện, không chỉ trường lớp được xây dựng, điện sinh hoạt được thắp sáng mà bà con còn được hòa chung vào đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số bản địa người M’Nông, người Cill, người Cơho… và cả người Việt đa số nữa”. Anh Yàng Seo Long nói: “Làng H’Mông của mình ở đây mấy năm nay tổ chức tết rất vui. Làng về định canh định cư tập trung ở đây từ năm 2003. Bây giờ, đời sống kinh tế đã khá hơn nên bà con cũng có điều kiện hơn trong việc tổ chức vui tết với các dân tộc anh em khác”. Hơn thế, nếu tết này có mấy cô giáo người Kinh, người Tày ở lại làng, chắc là vui lắm! Cứ theo lời anh Yàng Seo Long và Sùng A Sáng thì mấy năm gần đây, làng H’Mông thôn 5 đã tổ chức đón tết hệt như hồi còn ở ngoài quê miền núi Lào Cai, Yên Bái. Tuy không có hoa ban nở trắng rừng như miền Tây Bắc nhưng rẻo cao của đất Nam Tây Nguyên này cũng có nhiều loài hoa đặc trưng để người H’Mông vui xuân và tổ chức các lễ hội đặc trưng của dân tộc mình. Và, đây cũng là dịp để các cô giáo mới ra trường Tấn, Tuyết, Thương… hiểu thêm những nét văn hóa của người H’Mông.
Lại nhớ đến dạo gần tết của hai mươi năm trước: Tôi và một bạn đồng nghiệp đến với vùng sâu Klong Klan. Klong Klan hồi đó là vùng sâu vùng xa của xã Đạ Chair, huyện Lạc Dương. Để đến được đây, tôi và bạn đồng nghiệp đã mất đến gần một ngày trời đánh vật với chiếc xe máy “nồi đồng cối đá”. Đến nơi, giữa một vùng rừng núi hoang vu với nếp nhà sàn ẩn hiện, bỗng chợt “rực” lên trong mắt chúng tôi một ngôi trường ngói đỏ như là điểm nhấn không lẫn vào đâu được. Vào làng, hỏi thưa chuyện với bà con, càng ngạc nghiên hơn khi biết rằng phụ trách phân trường Klong Klan là hai cô giáo còn rất trẻ tên là Chung và Liên. Dạo đó, tôi cũng nghe hai cô giáo trẻ Chung và Liên bảo rằng “Tết này, chúng em không về quê đâu ạ! Quyết định rồi: Chúng em ở lại ăn tết với bà con!”. Đêm ấy, tôi và bạn đồng nghiệp đã phải đánh vật với sự giá rét của đêm cuối đông và cả hậu quả của một cơn bão muộn. Sáng ra, nước lênh láng cả một thung lũng. Mấy khung cửa sổ của ngôi trường bị gió giật tung. “Chúng em sẽ sửa lại ngay thôi mà!” – Chung nói với giọng hết sức tự tin.
Đến giờ, câu chuyện của hai mươi năm trước vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Và luôn như vậy: Cảm phục lắm, những cô giáo vùng sâu! “Tết này, các cô giáo hãy thật vui nhé!” – tôi muốn lặp lại điều này một lần nữa.