Làm thế nào để cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2011-2016) diễn ra thực sự dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và trở thành ngày hội của toàn dân? Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban bầu cử (UBBC) của tỉnh Lâm Đồng đã tập trung triển khai công tác này.
Theo đồng chí Đặng Văn An - Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBBC tỉnh cho biết tiến độ triển khai cuộc bầu cử đến nay như sau: Tính theo tỉ lệ dân số Lâm Đồng, dự kiến sơ bộ có 773.652 cử tri đi bầu, ở đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 10 huyện và 2 thành phố, thuộc cấp xã có: 118 xã, 18 phường và 12 thị trấn. Trong tháng 2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị chủ chốt toàn tỉnh với 200 cán bộ chủ chốt tham dự để triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XIII và HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2011-2016). Thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) bầu cử của Tỉnh ủy gồm 16 thành viên do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, đã ban hành kế hoạch triển khai, phân công nhiệm vụ cho các thành viên BCĐ trực tiếp triển khai công tác chỉ đạo về bầu cử đến các địa phương, cơ sở trong toàn tỉnh.
UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 03 (ngày 14/2/2011) về tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIII và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016, chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai công tác bầu cử trên phạm vi toàn tỉnh thật sự dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự trở thành ngày hội của toàn dân. UBND tỉnh quyết định thành lập UBBC ĐBQH khóa XIII và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016 của tỉnh gồm 26 thành viên, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVT.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh là Chủ tịch UBBC. Để theo dõi và chỉ đạo bầu cử kịp thời gian, đúng kế hoạch, UBBC tỉnh đã thành lập 5 tổ công tác, bao gồm: Tổ theo dõi, chỉ đạo về công tác tuyên truyền, cổ động, đảm bảo các điều kiện, kinh phí phục vụ cho công tác bầu cử ; Tổ theo dõi, chỉ đạo về công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn kê khai tài sản cho ứng cử viên; Tổ theo dõi, chỉ đạo về công tác hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử, vận động bầu cử ; Tổ thường trực, tiếp nhận hồ sơ, tài liệu do Trung ương, các ban bầu cử, hồ sơ các cá nhân ứng cử viên và người tự ứng cử gởi đến, hướng dẫn hồ sơ, các biểu mẫu và tổng hợp báo cáo; Tổ theo dõi, chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Tại 12 UBBC cấp huyện - thành phố và 148 UBBC cấp xã - phường - thị trấn đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác bầu cử và đi vào hoạt động theo đúng quy trình bầu cử. Để phục vụ cho bầu cử kịp thời, UBBC đã cho khắc 161 con dấu, in 3.650 cuốn tài liệu hướng dẫn công tác bầu cử, 11.500 các biểu mẫu (đơn xin ứng cử, sơ yếu lý lịch, tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản của người xin ứng cử) cấp xuống các địa phương. UBMTTQVN tỉnh đã in 3.500 cuốn hướng dẫn quy trình hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp để phát cho cấp huyện và cấp xã trong tỉnh. Sở Văn hóa - Thể thao - Du Lịch đã in 2.000 đĩa CD cấp cho các thôn, buôn, khu phố, tổ dân phố về nội dung tuyên truyền bầu cử.
UBBC tỉnh đã có văn bản báo cáo và đề nghị UB Thường vụ Quốc hội phê chuẩn tỉnh Lâm Đồng có 3 đơn vị bầu cử ĐBQH khóa XIII, bao gồm: Đơn vị số 1 (Tp Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương) được bầu 3 đại biểu; Đơn vị số 2 (Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh) được bầu 2 đại biểu; Đơn vị số 3 (Tp Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên) được bầu 2 đại biểu. Theo thông báo của UB Thường vụ Quốc hội, tỉnh Lâm Đồng được bầu 7 đại biểu, trong đó: Trung ương giới thiệu về 3 đại biểu và địa phương giới thiệu 4 đại biểu gồm 1 lãnh đạo chủ chốt, 1 chuyên trách và 2 đại biểu còn lại. Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng những người ứng cử ĐBQH khóa XIII, thống nhất giới thiệu 16 người để ứng cử (chưa tính số đại biểu do Trung ương giới thiệu về). Theo đó, các ứng cử viên ĐBQH đảm bảo về cơ cấu kết hợp như: dân tộc (Cơ ho, Chu Ru, Mạ) 6 đại biểu (chiếm 31%), phụ nữ khoảng 9 đại biểu (47%), ngoài Đảng có 5 đại biểu (26%), trẻ tuổi có 7 đại biểu (36%) và đại biểu tái cử khoảng 2-3 đại biểu (13%).
UBND tỉnh đã có tờ trình Chính phủ xin phê chuẩn tỉnh Lâm Đồng có 17 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2011-2016). Trong đó, số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh được bầu theo tỉ lệ dân số là 73 đại biểu, được phân bổ như sau: Đại diện các cơ quan, đơn vị, tổ chức cấp tỉnh giới thiệu 27 đại biểu, gồm 5 đại biểu thuộc khối Đảng, 16 đại biểu thuộc khối Nhà nước, 6 đại biểu khối MTTQVN tỉnh và đoàn thể; các huyện -thành phố giới thiệu 46 đại biểu. Về cơ cấu theo hướng: nữ có 22 đại biểu (30%), 7 đại biểu không phải là Đảng viên (10%), 11 đại biểu trẻ dưới 35 tuổi (15%), 11 đại biểu dân tộc thiểu số (15%). Qua hiệp thương lần thứ nhất của UBMTTQVN tỉnh đã thống nhất giới thiệu 146 người ra ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016), trong đó cấp huyện giới thiệu 114 người. Số đại biểu giới thiệu về cơ cấu kết hợp theo hướng: 33 nữ (28,9%), ngoài Đảng 15 đại biểu (13%), 24 đại biểu trẻ (21%), 20 đại biểu dân tộc thiểu số (17%). Đến nay, Thường trực HĐND tỉnh có văn bản thống nhất về điều chỉnh cơ cấu thành phần đại biểu HĐND tỉnh lần thứ nhất để Ban thường trực UBMTTQVN tỉnh thông báo cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương tiến hành hội nghị giới thiệu người ra ứng cử theo quy định.