HĐND tỉnh khoá VII đã phát huy tốt vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương

02:03, 21/03/2011

LTS: Nhân kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ HĐND tỉnh khoá VII, Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh về những nét mới trong kết quả và bài học kinh nghiệm qua hoạt động của nhiệm kỳ VII.

PV: - Xin đồng chí đánh giá về những đổi mới quan trọng trong phương thức hoạt động và những nét nổi bật về kết quả hoạt động của HĐND tỉnh Khoá VII nhiệm kỳ 2004-2011.

 
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến: -
Trong nhiệm kỳ 2004-2011, HĐND tỉnh khoá VII đã phát huy tốt vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định các chủ trương, biện pháp quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; thực hiện được mục tiêu đưa Lâm Đồng thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện của tỉnh trong những năm tiếp theo. 

Với 162 nghị quyết HĐND tỉnh đã ban hành trong nhiệm kỳ về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và về các chuyên đề, lĩnh vực khác, HĐND tỉnh đã thể chế hoá và triển khai thực hiện đúng đắn các quy định của pháp luật, hướng dẫn của các cơ quan thẩm quyền cấp trên, các Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ tỉnh, đồng thời nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với tình hình và nhiệm vụ của địa phương trong từng thời điểm, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương trong những năm qua.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức 19 kỳ họp trong đó có 4 kỳ họp bất thường. Các kỳ họp của HĐND tỉnh được Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ, từ khâu chuẩn bị nội dung đến tổ chức kỳ họp; công tác chuẩn bị các đề án, báo cáo và dự thảo nghị quyết cơ bản thực hiện đúng quy trình, đảm bảo thời gian và chất lượng; việc điều hành các kỳ họp thường xuyên được cải tiến và đổi mới, chương trình làm việc của kỳ họp được bố trí hợp lý hơn theo hướng giảm thời gian nghe đọc các báo cáo, tăng thời gian dành cho đại biểu thảo luận, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, nên chất lượng các kỳ họp nâng lên, được cử tri quan tâm và đồng tình.

Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đã từng bước được đổi mới, chất lượng hiệu quả ngày càng tốt hơn. Cả nhiệm kỳ, HĐND tỉnh đã tổ chức thực hiện 57 cuộc giám sát chuyên đề. Nội dung và phạm vi giám sát được xác định theo từng chuyên đề cụ thể và có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương trong từng giai đoạn. Phương pháp giám sát từng bước được cải tiến, chú trọng giám sát tại cơ sở, từ đó giúp cơ sở tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đồng thời, chú trọng bố trí thời gian, địa bàn, địa điểm giám sát phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của cơ quan, đơn vị, địa phương được giám sát.

Thông qua hoạt động giám sát, HĐND tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh và UBND các địa phương, các cơ quan, đơn vị được giám sát kịp thời khắc phục những mặt thiếu sót trong quản lý, điều hành. Kết quả giám sát của HĐND đã cung cấp thêm thông tin để phục vụ công tác lãnh, chỉ đạo của Tỉnh uỷ. Nhiều cuộc giám sát đã được các cấp, các ngành và dư luận xã hội quan tâm, đồng tình ủng hộ.

Trong công tác tiếp xúc cử tri HĐND tỉnh cũng đã có một số đổi mới. Hoạt động tiếp xúc cử tri được duy trì, tập trung hướng về cơ sở và từng bước cải tiến các hình thức thực hiện. Cả nhiệm kỳ có trên 43.883 lượt cử tri dự các buổi tiếp xúc với đại biểu HĐND tỉnh và có 1.364 ý kiến, kiến nghị. Tại các buổi tiếp xúc, đại biểu HĐND tỉnh luôn lắng nghe ý kiến của đông đảo cử tri, nhất là cử tri ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào dân tộc thiểu số... để trực tiếp giải đáp những băn khoăn, kịp thời kiến nghị chính quyền địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc. Trong nhiệm kỳ công tác đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri được chú trọng; hầu hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri được các cơ quan cấp tỉnh tiếp thu, giải trình và giải quyết.

Công tác tiếp công dân, kiểm tra, đôn đốc và giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo và kiến nghị của công dân được Thường trực HĐND và các Ban HĐND tỉnh quan tâm thực hiện, phân loại và chuyển đơn đến cơ quan chức năng kịp thời, đúng quy định. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài đều được nghiên cứu, theo dõi, đôn đốc và một số vụ việc đã được tiến hành giám sát việc giải quyết, trên cơ sở đó kiến nghị với các UBND các cấp xem xét, chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Trong quan hệ phối hợp giữa HĐND tỉnh với UBND tỉnh và UBMTTQVN tỉnh nhiệm kỳ 2004-2011, điểm nổi bật là 3 cơ quan đã ký kết quy chế phối hợp hoạt động, thường xuyên trao đổi công việc sáu tháng, một năm, luân phiên chủ trì tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện quy chế phối hợp, nên mối quan hệ phối hợp được duy trì thường xuyên và đạt hiệu quả thiết thực.

Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh cũng duy trì quan hệ phối hợp chặt chẽ và tham gia có hiệu quả các cuộc giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh và các cơ quan của Quốc hội trong quá trình giám sát tại địa phương; tổ chức tốt quan hệ phối hợp với Thường trực và các Ban HĐND các huyện, thành phố trong công tác giám sát và hoạt động tiếp xúc cử tri; duy trì giao ban định kỳ giữa Thường trực và các Ban HĐND cấp tỉnh với cấp huyện để trao đổi rút kinh nghiệm hoạt động, góp phần tạo sự thống nhất trong các hoạt động của HĐND các cấp trong tỉnh.

PV: - Từ thực tiễn hoạt động nhiệm kỳ 2004-2011, xin đồng chí cho biết ý kiến của mình về những nội dung chủ yếu để hoàn thiện cơ chế, pháp luật nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến: - Cùng với những kết quả đã đạt được, hoạt động của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2004-2011 cũng gặp một số khó khăn do một số quy định hiện hành còn bất cập hoặc chưa được quy định, hướng dẫn cụ thể. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng và hiệu quả một số mặt hoạt động chưa đáp ứng kịp yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Do đó trong thời gian tới cần nghiên cứu để tiếp tục kiến nghị Trung ương hoàn thiện cơ chế, pháp luật về hoạt động của HĐND đối với những vấn đề như:

+ Về tổ chức: Cần quy định rõ chức danh Uỷ viên Thường trực HĐND và quy định thống nhất về tổ chức bộ máy các Ban HĐND tỉnh; cần nghiên cứu tăng tỷ lệ đại biểu HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách.

+ Về hoạt động: Cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri và bổ sung quy định về hoạt động tham vấn ý kiến nhân dân trước khi HĐND quyết định những chủ trương, chính sách liên quan đến nhân dân; bổ sung các quy định về giám sát của HĐND để nâng cao hiệu quả giám sát.

+ Về các mối quan hệ: cần bổ sung, cụ thể hoá mối quan hệ phối hợp giữa HĐND các cấp để phát huy vai trò hướng dẫn, điều chỉnh của HĐND cấp trên đối với hoạt động của HĐND cấp dưới.

+ Về điều kiện đảm bảo hoạt động của HĐND: cần bổ sung các quy định, hướng dẫn để nâng cao chất lượng, hiệu quả Văn phòng tham mưu phục vụ hoạt động của HĐND tỉnh, nhất là quy định thống nhất trong cả nước đối với quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, kinh phí của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

PV: - Xin đồng chí cho biết, thông qua kết quả hoạt động nhiệm kỳ 2004-2011, HĐND tỉnh khoá VII rút ra những kinh nghiệm gì?

Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến: - Qua tổng kết 7 năm hoạt động của HĐND tỉnh khoá VII - nhiệm kỳ 2004-2011, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

1. Cần bám sát các Nghị quyết của Tỉnh uỷ, tranh thủ sự lãnh đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Đảng đoàn HĐND tỉnh trong việc xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách về kinh tế - xã hội thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh. Tăng cường mối quan hệ giữa HĐND với UBND, UBMTTQVN, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các Sở, ban, ngành của tỉnh. Đây là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.

2. Nâng cao chất lượng của đại biểu HĐND vì chính họ là người biểu quyết thông qua Nghị quyết, quyết định những chủ trương, giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương và cũng là người theo dõi, giám sát thực hiện các Nghị quyết đó. Vì vậy, việc bố trí đại biểu HĐND vừa đảm bảo cơ cấu hợp lý, đồng thời cần coi trọng yêu cầu về tiêu chuẩn và năng lực hoạt động của đại biểu nhằm bảo đảm điều kiện hoàn thành nhiệm vụ đại biểu theo luật định.

3. Thường xuyên và mạnh dạn đổi mới hoạt động của HĐND, nhất là đổi mới phương pháp hoạt động và tăng cường phối hợp giữa Thường trực HĐND, các Ban và thành viên chuyên trách của các Ban trong việc xây dựng chương trình, nội dung các kỳ họp HĐND; nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp; nội dung, phạm vi, đối tượng và phương pháp giám sát; công tác tiếp xúc cử tri. Chủ động xây dựng chương trình công tác của Thường trực và các Ban của HĐND để tạo điều kiện cho các thành viên không chuyên trách và các đại biểu HĐND tỉnh ở các ngành và địa phương tham gia. 

4. Nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND, ngoài việc chuẩn bị nội dung chu đáo, chương trình kỳ họp hợp lý, cần tạo điều kiện để cử tri của địa phương tham gia một cách dân chủ, tiếp cận thông tin kịp thời về nội dung kỳ họp để tham gia góp ý, nhất là đối với việc quyết định các chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến nhân dân; cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu liên quan đến kỳ họp để đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu góp ý và chuẩn bị ý kiến chất vấn.

5. Việc ban hành chương trình giám sát hàng năm phải xác định rõ ràng về nội dung và phù hợp với yêu cầu của địa phương. Các cuộc giám sát phải xác định rõ phạm vi, nội dung, đối tượng và phương pháp giám sát; kết luận giám sát phải rõ ràng, kiến nghị cụ thể nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của giám sát. Đồng thời, cần xác định rõ và nâng cao trách nhiệm của các ngành các cấp trong việc thực hiện công tác giám sát và các kiến nghị của đoàn giám sát

6. Tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong HĐND, trước hết là trong Thường trực và các Ban HĐND. Duy trì mối quan hệ chặt chẽ giữa Thường trực HĐND, các Ban của HĐND với các Tổ đại biểu và các đại biểu HĐND tỉnh, từ đó thu thập được nhiều thông tin và khích lệ sự tham gia hoạt động của các đại biểu HĐND ở các ngành và các địa phương.
ĐẶNG ĐÌNH MÙI (Thực hiện)