Hỏi: Việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc nào?
Hỏi: Việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc nào?
Trả lời: Việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín (Điều 1 Luật Bầu cử đại biểu HĐND 2003).
Hỏi: Điều kiện thực hiện quyền bầu cử và ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của công dân được Luật quy định như thế nào?
Trả lời: Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật (Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 2003).
Hỏi: Đại biểu Hội đồng nhân dân phải đảm bảo những tiêu chuẩn nào?
Trả lời: Đại biểu Hội đồng nhân dân có những tiêu chuẩn sau đây:
- Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và xây dựng, phát triển địa phương;
- Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành pháp luật, tích cực đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và các hành vi vi phạm pháp luật khác, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân;
- Có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân, có khả năng tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật; am hiểu tình hình kinh tế - xã hội để tham gia quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương;
- Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm;
- Có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân.
(Điều 3 Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 2003).
Hỏi: Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn được Luật quy định như thế nào?
Trả lời: Số đại biểu Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn:
- Xã, thị trấn miền xuôi có từ bốn nghìn người trở xuống được bầu hai mươi lăm đại biểu, có trên bốn nghìn người thì cứ thêm hai nghìn người được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi lăm đại biểu;
- Xã, thị trấn miền núi và hải đảo có từ ba nghìn người trở xuống đến hai nghìn người được bầu hai mươi lăm đại biểu, có trên ba nghìn người thì cứ thêm một nghìn người được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi lăm đại biểu; xã, thị trấn có dưới hai nghìn người trở xuống đến một nghìn người được bầu mười chín đại biểu; xã, thị trấn có dưới một nghìn người được bầu mười lăm đại biểu;
- Phường có từ tám nghìn người trở xuống được bầu hai mươi lăm đại biểu, có trên tám nghìn người thì cứ thêm bốn nghìn người được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi lăm đại biểu.
(Khoản 1 Điều 9 Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 2003).
Hỏi: Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, thị xã, thành phố được Luật quy định như thế nào?
Trả lời: Số đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, thị xã, thành phố:
- Huyện miền xuôi và quận có từ tám mươi nghìn người trở xuống được bầu ba mươi đại biểu, có trên tám mươi nghìn người thì cứ thêm mười nghìn người được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá bốn mươi đại biểu;
- Huyện miền núi và hải đảo có từ bốn mươi nghìn người trở xuống được bầu ba mươi đại biểu, có trên bốn mươi nghìn người thì cứ thêm năm nghìn người được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá bốn mươi đại biểu;
- Thị xã có từ bảy mươi nghìn người trở xuống được bầu ba mươi đại biểu, có trên bảy mươi nghìn người thì cứ thêm mười nghìn người được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá bốn mươi đại biểu;
- Thành phố thuộc tỉnh có từ một trăm nghìn người trở xuống được bầu ba mươi đại biểu, có trên một trăm nghìn người thì cứ thêm mười nghìn người được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá bốn mươi đại biểu;
- Đối với các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quy định tại các điểm a, b, c và d nếu có từ ba mươi đơn vị hành chính trực thuộc trở lên được bầu trên bốn mươi đại biểu; số lượng cụ thể do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
(Khoản 2 Điều 9 Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 2003).
Hỏi: Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh được Luật quy định như thế nào?
Trả lời: Số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh:
- Tỉnh miền xuôi và thành phố trực thuộc trung ương có từ một triệu người trở xuống được bầu năm mươi đại biểu, có trên một triệu người thì cứ thêm năm mươi nghìn người được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá tám mươi lăm đại biểu;
- Tỉnh miền núi có từ năm trăm nghìn người trở xuống được bầu năm mươi đại biểu, có trên năm trăm nghìn người thì cứ thêm ba mươi nghìn người được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá tám mươi lăm đại biểu.
(Khoản 3 Điều 9 Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 2003).
Hỏi: Việc phân chia khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành như thế nào?
Trả lời: - Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân mỗi cấp chia thành một hoặc nhiều khu vực bỏ phiếu. Khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân đồng thời là khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội (Điểm 1 khoản 1 Điều 2 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 2010).
- Việc thành lập khu vực bỏ phiếu được thực hiện theo quy định sau:
Mỗi khu vực bỏ phiếu có từ ba trăm đến bốn nghìn cử tri. Ở miền núi, hải đảo và những nơi dân cư không tập trung thì dù chưa có tới ba trăm cử tri cũng được thành lập một khu vực bỏ phiếu.
Việc chia khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quyết định và do Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn. Đối với những nơi không có đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn thì việc chia khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định.
Đơn vị vũ trang nhân dân thành lập khu vực bỏ phiếu riêng, trừ trường hợp đơn vị vũ trang nhân dân và địa phương có chung một khu vực bỏ phiếu.
Bệnh viện, nhà hộ sinh, nhà an dưỡng, cơ sở chăm sóc người khuyết tật, cơ sở chăm sóc người cao tuổi có từ năm mươi cử tri trở lên có thể thành lập khu vực bỏ phiếu riêng.
Cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh đối với những người đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính có thể thành lập khu vực bỏ phiếu riêng.
(Điểm 2 khoản 1 Điều 2 và điểm 2 khoản 1 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 2010).