Một số nội dung cơ bản của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội

05:03, 10/03/2011

Tuổi để thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của công dân được tính từ ngày, tháng, năm sinh ghi trong Giấy khai sinh đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (gọi là ngày bầu cử) đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội ấn định (ngày 22/5/2011).

Hỏi: Điều kiện để được bầu cử và ứng cử đại biểu Quốc hội được Luật quy định như thế nào?

Trả lời: Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam nữ thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật (Điều 2 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997).

Hỏi: Cách tính tuổi để thực hiện quyền bầu cử và ứng cử được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Cách tính tuổi để thực hiện quyền bầu cử, ứng cử được thực hiện như sau:

Tuổi để thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của công dân được tính từ ngày, tháng, năm sinh ghi trong Giấy khai sinh đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (gọi là ngày bầu cử) đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội ấn định (ngày 22/5/2011). Trường hợp không có Giấy khai sinh thì căn cứ vào Sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng minh nhân dân để tính tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử. Mỗi tuổi tròn được tính từ ngày, tháng, năm sinh dương lịch của năm trước đến ngày, tháng, năm sinh dương lịch của năm sau.Trường hợp không xác định được ngày sinh thì lấy ngày 01 của tháng sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử. Trường hợp không xác định được ngày và tháng sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử.

(Điều 1 Nghị quyết 1020/2011/UBTVQH12 hướng dẫn một số điểm về việc tổ chức cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016).

Hỏi: Đại biểu Quốc hội phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn nào?

Trả lời: Đại biểu Quốc hội có những tiêu chuẩn sau đây:

- Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh (Điểm 1 khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 2001);

- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật;

- Có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước;

- Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm;

- Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

(Khoản 2, 3, 4, 5 Điều 3 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997).

Hỏi: Số lượng đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, phụ nữ được quy định như thế nào?

Trả lời: Số đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến theo đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, bảo đảm để các thành phần dân tộc thiểu số có số đại biểu thích đáng (Điều 10 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997).

Số đại biểu Quốc hội là phụ nữ do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bảo đảm để phụ nữ có số đại biểu thích đáng (Điểm 4 khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 2001).

Hỏi: Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng bầu cử đối với bầu cử đại biểu Quốc hội được quy định như thế nào?

Trả lời: Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng bầu cử có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây

- Lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức bầu cử trong cả nước; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành quy định của pháp luật về bầu cử;

- Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử;

- Chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử;

- Nhận và xem xét hồ sơ của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội; gửi tiểu sử tóm tắt của những người ứng cử đến Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Nhận hồ sơ và danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh gửi đến;

- Quy định mẫu thẻ cử tri và phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội;

- Lập và công bố danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước;

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội của Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ban bầu cử và Tổ bầu cử; giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoặc Ban bầu cử chuyển đến; giải quyết khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội; giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội;

- Nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử do Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ban bầu cử gửi đến; làm biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội trong cả nước;

- Quyết định việc bầu cử lại, bầu cử thêm đại biểu Quốc hội hoặc hủy bỏ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử;

- Công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội trong cả nước;

- Cấp giấy chứng nhận cho người trúng cử đại biểu Quốc hội;

- Trình Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội khóa mới biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội trong cả nước và những hồ sơ, tài liệu về bầu cử đại biểu Quốc hội.

(Điểm 2 khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND năm 2010).

TS (biên soạn)