Đón tết giữa Trường Sa

02:01, 23/01/2013

Không chỉ có mai vàng và bánh chưng, Tết giữa biển đảo Trường Sa còn có sự ấm áp của tình người, có vị mặn của gió biển và cả nỗi nhớ nhà da diết.

[links()]Không chỉ có mai vàng và bánh chưng, Tết giữa biển đảo Trường Sa còn có sự ấm áp của tình người, có vị mặn của gió biển và cả nỗi nhớ nhà da diết.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn gói bánh chưng đón tết
Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn gói bánh chưng đón tết


GỞI TẾT RA ĐẢO:

Đầu tháng 1, Trường Sa đón cơn bão đầu tiên của năm. Sóng ầm ào vỗ vào mạn thuyền không thể cản bước những người mang tết ra Trường Sa. Một nhành mai cắt vội, những bó lá dong tươi rói và cả heo, gà cũng được mang lên thuyền đưa ra đảo làm quà tết cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo. Tiếng còi hụ dài, những dòng nước mắt lăn dài trên gương mặt những người ở lại mờ dần sau lớp sóng khơi xa.

Mỗi lần Tết đến, xuân về, nỗi nhớ quê hương, đất liền càng nhân lên nhưng không vì thế mà cán bộ, chiến sĩ trên đảo lơ là nhiệm vụ. Ngược lại, anh em càng nêu cao cảnh giác, tổ chức lực lượng sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, cho mùa xuân đất liền thêm yên bình và ấm áp  - Trung úy Nguyễn Kiên Cường, Phó chỉ huy trưởng đảo Cô Lin, tâm sự.

Với thiếu uý Nguyễn Mạnh Tường (28 tuổi, phụ trách thông tin tại đảo Sinh Tồn Đông), Tết này thật đặc biệt. Bỡi lẽ, đây là lần đầu tiên anh ra biên chế chính thức tại đảo và càng đặc biệt hơn khi trước đi 2 ngày anh đã đính hôn với một cô giáo tiểu học. Anh tâm sự: Hai đứa yêu nhau và đã nghĩ đến chuyện thành vợ thành chồng, nhưng mình đi nhận nhiệm vụ nên đành đính hồn trước rồi sau này mới cưới. Mình yêu thật lòng chứ không nghĩ đến chuyện này khác nên mình tin cô ấy sẽ hiểu và thông cảm cho công việc của mình. Vợ tương lai của Tường cũng đã chuẩn bị thật nhiều quà để anh đón Tết trên đảo, nhưng Tết ở Trường Sa sẽ ấm áp hơn khi lúc nào bên anh cũng có tình cảm dạt dào mà người yêu dành tặng.

Bốn năm lấy vợ thì đã 2 năm Thiếu uý Lê Quốc Đạt (30 tuổi, lái xe tăng trên đảo Sinh Tồn) ăn Tết xa vợ con. Anh không ngại cuộc sống gian khó trên đảo, cũng chẳng buồn khi đón tết ở đảo xa. Điều khiến anh lo lắng nhất là vợ phải tảo tần để lo cho con gái 3 tuổi bị bệnh rò trực tràng. Sau một năm lấy vợ, năm 2009, anh Đạt ra Trường Sa Lớn công tác. Khi hay tin con gái bi bệnh, anh từ đảo trở về để cùng vợ đưa con chữa trị khắp nơi. Khi con chưa kịp khỏi bệnh, anh lại tiếp tục nhận nhiệm vụ ở đảo mới. Anh Đạt chia sẻ: Đã theo nghiệp quân đội thì nhiệm vụ lúc nào cũng trên hết, không thể vì bận bịu gia đình, vợ con mà bỏ được. Vợ mình cũng rất hiểu và cảm thông với công việc của chồng. Những năm đón tết ngoài đảo, mình chỉ mong sao con được khoẻ mạnh để vợ đỡ vất vả phần nào. Vợ cũng thường gọi điện thoại để “gởi không khí tết” ra ngoài này cho mình đỡ nhớ nhà. Năm nay được về nhà ăn tết cùng vợ con rồi, niềm vui thật không thể tả siết.

Trẻ em trên đảo Sinh Tồn biểu diễn văn nghệ nhân dịp xuân về
Trẻ em trên đảo Sinh Tồn biểu diễn văn nghệ nhân dịp xuân về


ĐẢO XA, TẾT GẦN:

Đảo Tiên Nữ là đảo chìm nằm ở cực đông của Tổ quốc. Bãi đá quanh đảo là một vành đai san hô khép kín. Mực nước biển xung quanh đảo rất sâu nên ít tàu ghé đảo hoặc có ghé cũng chỉ vài giờ rồi đi vì không thể thả neo. Có lẽ vì vậy mà trước khi ra đảo, trung uý Nguyễn Huy Khanh ( 33 tuổi, chạy thuyền CQ đảo Tiên Nữ), đã gói ghém và mang nhiều kỷ vật của gia đình ra đảo. Anh kể: Lần trước mang rất nhiều hình vợ, con theo để lúc rảnh rỗi xem cho đỡ nhớ. Vậy mà, khi đi trên xuồng chuyển tải bị sóng đánh nên ướt và hư hết. Lần này, vợ anh gom hết những hình ảnh còn lại gởi ra để làm quà Tết. Anh cẩn thận lồng vào khung, trìu mến đặt chúng ngay ở đầu giường. Lần sờ lên từng tấm ảnh của vợ con, nỗi nhớ nhà không vì thế vơi đi mà như thêm da diết trong tâm hồn người lính đảo. Đây là ảnh sinh nhật con lúc 3 tuổi. Đây là ảnh sinh nhật con lúc 4 tuổi tổ chức tại trường mầm non. Anh bảo: Con gái năm nay đã 6 tuổi rồi nhưng ở đây mình chỉ có hình của cháu đến 4 tuổi. Không biết bây giờ con đã lớn đến chừng nào. Ngoài nỗi nhớ vợ con, anh không lúc nào vơi đi nỗi lo lắng. Bố mẹ đã già yếu nên trước khi ra đảo anh đã đưa ông bà vào Vũng Tàu để cho anh trai tiện chăm sóc, không biết tình hình sức khoẻ thế nào. Vợ đã đi làm nhưng chưa có hợp đồng chính thức, không biết có ổn định và đủ lo cho cuộc sống gia đình trong những lúc anh đi xa.

Thâm niên ăn Tết ở đảo nhất có lẽ là trung uý Nguyễn Thanh Tuấn (33 tuổi, đảo Len Đao). Đã 8 năm anh đón Tết trên 6 đảo ở Trường Sa: 2 lần ở đảo Đá Đông, 2 lần ở đảo Đá Lát, còn lại là các đảo Tóc Tan, Đá Thị, Đá Lớn, Len Đao. Tết ở đảo có lẽ đã quá đỗi thân thuộc với anh, nên giờ đây, anh như trở thành người gốc ở đảo, khi rời xa bỗng dưng thấy thiếu thiếu. Bởi thế, anh đã tự nguyện ở lại công tác tại các đảo nhiều năm nay và chưa có ý định sẽ trở về đất liền. Anh Tuấn lấy vợ từ năm 2008, nhưng đến nay anh cũng chỉ ở nhà 2 Tết với vợ. Chuyện tình của anh và vợ cũng được nảy nở từ những cánh thư gởi từ biển, đảo. Lúc đó chưa có điện thoại như bây giờ nên thư từ thường viết thành từng quyển, đợi khi nào có tàu ra vào thì mới gởi được về đất liền. Anh Tuấn tâm sự: Bất cứ cái Tết nào ở Trường Sa cũng để lại nhiều ấn tượng. Đêm giao thừa, anh em quây quần xem bắn pháo hoa qua ti vi và nghe thư chúc Tết của Chủ tịch nước. Những thứ tưởng chừng như đơn giản và dễ kiếm trong đất liền thì đối với anh em ở đảo lại rất trân quý.

Chiều giáp Tết trên đảo, các chiến sỹ tụ họp cùng gói bánh chưng. Cũng lá dong, gạo nếp, thịt heo, đậu xanh nhưng bánh chưng ở đảo còn có hương vị đặc trưng của lá bàng vuông gói kèm. Ngay lúc này đây, Tết ở Trường Sa đã rất gần. Tết mang hương vị của yêu thương, của tình cảm mà người đất liền gởi tặng. Tết nơi đầu sóng ngọn gió mà  các chiến sỹ vẫn kiên cường bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

HỮU SANG - VĂN BÁU