Kiên cường nơi đảo chìm

03:04, 10/04/2013

Nhìn từ xa, đảo chìm được bao bọc bởi những vòng tròn màu sắc được tạo bởi bãi san hô và bãi cát. Ngày nắng đẹp, đảo như một “thiên đường” giữa đại dương xanh thẳm, dưới mây trời xanh ngắt. Những hôm biển động, đảo nhỏ bé lọt thỏm giữa những cơn sóng dữ. Nơi đảo chìm ấy, luôn có những người lính kiên cường, sẵn sàng đương đầu với thiên nhiên hà khắc và nhiều trở ngại trong cuộc sống thường nhật để giữ yên chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Nhìn từ xa, đảo chìm được bao bọc bởi những vòng tròn màu sắc được tạo bởi bãi san hô và bãi cát. Ngày nắng đẹp, đảo như một “thiên đường” giữa đại dương xanh thẳm, dưới mây trời xanh ngắt. Những hôm biển động, đảo nhỏ bé lọt thỏm giữa những cơn sóng dữ. Nơi đảo chìm ấy, luôn có những người lính kiên cường, sẵn sàng đương đầu với thiên nhiên hà khắc và nhiều trở ngại trong cuộc sống thường nhật để giữ yên chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Đảo Tốc Tan C sừng sững giữa biển, trời xanh ngắt
Đảo Tốc Tan C sừng sững giữa biển, trời xanh ngắt


Khi có dịp trở lại đảo Tốc Tan A trong chuyến công tác cuối năm 2012, thượng tá Bùi Đình Dương, Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, như được sống lại những ngày gian khó mà đầy quật cường khi anh còn làm Chỉ huy trưởng tại đây vào những năm 1999 - 2000. Bản thân anh đã từng nhận nhiệm vụ tại rất nhiều hòn đảo, cả đảo chìm lẫn đảo nổi, như An Bang, Thuyền Chài, Tốc Tan… Nhưng với anh, đảo chìm mới là nơi để lại nhiều kỷ niệm, kỷ niệm về một thời còn nhiều gian khó và thiếu thốn nhưng tất cả anh em trên đảo đều đồng cam cộng khổ, quyết tâm vượt qua gian khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mà có lẽ, đó không còn là nhiệm vụ mà là một nghĩa vụ thiêng liêng, một trách nhiệm không thể gọi thành tên mà tự thân mỗi người đều ý thức rất rõ. Hồi đó, chưa có điện, chưa có tivi và hệ thống thông tin liên lạc nên thiếu thốn nhất là những thông tin từ đất liền, từ người thân trong gia đình. Với anh Dương, kỷ niệm ở đảo gắn liền với gia đình của anh ở đất liền và đó cũng là động lực lớn giúp anh có thêm nghị lực bám đảo, bám biển. Vào đúng Tết Dương lịch năm 2000, vợ anh sinh đứa con thứ 2 khi anh đang ngoài đảo. Linh tính như mách bảo, anh nửa muốn gọi điện thoại về nhà nửa không dám vì lúc đó mọi thứ đều phải thông qua hệ thống thông tin liên lạc chung. Thế nhưng, tình cảm của người chồng và người cha đã hối thúc anh phải liên lạc về nhà. Và, hạnh phúc vỡ oà khi giây phút anh liên lạc về nhà cũng là lúc vợ anh sinh thêm thằng con trai khoẻ mạnh. Còn đối với đứa con trai đầu, sau bao năm cứ biền biệt ngoài đảo, điều làm anh lo nhất là con sẽ quên mặt bố và nó đã quên thật. Anh chia sẻ: Khi được về phép, mình cùng vợ lên trường tiểu học để đón con. Thấy mình nó lấm lét nhìn chứ không cho bế. Suốt đường về nó cứ im lặng nhưng khi vừa về đến nhà, thấy ba lô của mình được bọc trong túi bảo quản thì nó mới hét lên: A, đúng bố rồi!

Trong suốt chuyến hải trình trên tàu HQ 561 đến với quần đảo Trường Sa, chúng tôi đã may mắn được đặt chân lên nhiều đảo chìm như Tốc Tan, Cô Lin, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le… Đặt chân lên đảo, anh em phóng viên thường hỏi về những khó khăn, thiếu thốn của cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Và, câu trả lời vẫn là rau xanh và nước sạch. Bởi lẽ, trồng được một “luống” rau xanh trên đảo, có khi còn cực hơn canh tác cả ha trong đất liền và lính đảo phải tắm kiểu em bé vì định mức nước ngọt cho mỗi chiến sỹ hàng ngày rất hạn chế. Nhưng, với những chiến sỹ trên đảo, khó khăn đó không thể quật ngã họ bởi giữa biển đảo, tình đồng chí, đồng đội và sự quan tâm đùm bọc lẫn nhau là điều đáng trân quý nhất, giúp họ trụ vững giữa thiên nhiên khắc nghiệt. Thượng uý Nguyễn Huy Hoàng, Chỉ huy trưởng đảo Len Đao, chia sẻ: Trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên anh em phải tìm cách để vượt qua mọi khó khăn. Từng thùng xốp trồng ra đều được che chắn cẩn thận. Những ngày mưa bảo anh em sẵn sàng đội mưa để di dời và bảo quản nguồn rau xanh cho đảo. Mưa cũng là lúc anh em chuẩn bị xô chậu để hứng và dự trữ nước ngọt dùng cho cả năm. Mỗi ngày, với lượng nước ngọt ít ỏi nên anh em phải sử dụng chi ly và hết sức tiết tiệm. Nước tắm xong dùng để giặt và lắng lại để tưới rau tăng gia sản xuất. Khó khăn là thế nhưng cán bộ, chiến sỹ luôn quan tâm, hiệp đồng với nhau để vượt qua mọi trở ngại.

Nhớ đất liền, nhớ nhà có lẽ là tâm trạng của bất cứ cán bộ, chiến sỹ nào khi làm nhiệm vụ ngoài đảo. Nhưng không vì thế mà họ lung lay ý chí hay quên nhiệm vụ. Bằng chứng là có rất nhiều chiến sỹ, sau khi hết thời gian công tác tại đảo chìm vẫn có ý muốn và xin ở lại tiếp tục công tác. Có nhiều chiến sỹ khi đang làm nhiệm vụ ở đảo nhận được tin buồn từ gia đình, bố mẹ hoặc người thân mất, nhưng vẫn không suy sụp tinh thần, vẫn kiên cường để giữ vững niềm tin cho những anh em khác. Và, niềm vui đến với những chiến sỹ trên đảo cũng rất giản đơn, chỉ cần có đoàn công tác ghé thăm, có đoàn văn công đến phục vụ hoặc được xem một trận bóng đá hay qua tivi là các anh lại vơi đi nỗi nhớ nhà. Thiếu uý Nguyễn Hữu Nên, nhân viên cơ yếu đảo Tốc Tan C, chia sẻ: Không gian sinh hoạt chật hẹp nên khi có đoàn công tác, đoàn văn công đến thì rất ít ở lại đêm, muốn giữ đoàn ở lại cũng không được. Lắm khi sóng to quá, đoàn không thể lên đảo để phục vụ thì nhiều văn công đã bắc loa để hát cho chúng tôi nghe. Những lúc như thế anh em rất xúc động và làm dậy thêm ý thức về việc giữ bình yên và chủ quyền biển đảo. Còn với trung uý Nguyễn Thanh Tuấn, chiến sỹ đảo Len Đao, người có thâm niên 8 năm ăn tết ở các đảo, tâm sự: Không ở đâu đẹp bằng biển đảo Việt Nam. Nơi đây, mỗi ngày chúng tôi được đón bình minh sớm nhất, được tiễn hoàng hôn muộn nhất, được thấy sự “chuyển động” của sắc trời, sắc nước. Đó là niềm tự hào của những chiến sỹ được làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Ngày đêm canh gác bảo vệ chủ quyền biển đảo
Ngày đêm canh gác bảo vệ chủ quyền biển đảo


Đảo chìm như ngọn hải đăng sừng sững trên những bãi san hô giữa sóng gió biển Đông. Ngày ngày, lá cờ đỏ sao vàng vẫn phần phật tung bay trên nóc những toà nhà kiên cố, khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam là bất khả xâm phạm. Ngày chia tay đảo chìm Tốc Tan A, đảo cuối cùng trong chuyến hải trình, ai trong chúng tôi cũng dâng lên niềm xúc cảm bùi ngùi. Rồi đây, sẽ khó có dịp trở lại và cũng còn lâu nữa mới có đoàn trở lại thăm đảo. Nhưng trong ánh mắt nhìn, trong cái vẫy tay tiễn biệt của những người lính ở lại là một niềm tin mãnh liệt, một ý chí kiên cường: Chủ quyền biển đảo Việt Nam sẽ được giữ vững.

Hữu Sang - Văn Báu