Tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa

05:04, 28/04/2013

Quần đảo Hoàng Sa gồm trên 30 đảo đá, cồn san hô và bãi cạn, nằm ở khu vực biển  có diện tích 30.000 km2, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khoảng 120 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 140 hải lý...

Quần đảo Hoàng Sa gồm trên 30 đảo đá, cồn san hô và bãi cạn, nằm ở khu vực biển  có diện tích 30.000 km2, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khoảng 120 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 140 hải lý. Diện tích toàn bộ phần đất nổi khoảng 8 km2, quần đảo chia thành hai nhóm An Vĩnh (còn gọi nhóm Đông -  Bắc) và Trăng Khuyết (nhóm Tây).

Biển đảo Lý Sơn
Biển đảo Lý Sơn


Theo sách Đại Nam thực lục tiền biên quyển 10 ghi chép về xã An Vĩnh: “Ngoài biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 100 cồn cát… chiều dài kéo dài không biết tới mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn Lý Hoàng Sa châu. Hồi quốc sơ đầu triều Nguyễn đặt đội Hoàng Sa gồm 70 người dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm cứ đến tháng 3 cưỡi thuyền ra đảo, 3 đêm thì tới nơi…”. Nhóm Trăng Khuyết có hình cánh cung hay lưỡi liềm, trong đó đảo Hoàng Sa dài 950 m, rộng khoảng 650 m, diện tích 0,32 km2. Nhiều nhà quân sự cho rằng đảo này có vị trí quan trọng nhất trong việc phòng thủ bờ biển Việt Nam. Thời gian chính quyền Việt Nam Cộng hoà quản lý, trên đảo có nhà cửa, căn cứ quân sự, đài khí tượng, hải đăng, miếu Bà, cầu tàu và bia chủ quyền. Bia chủ quyền do người Pháp dựng năm 1938, ghi lại chủ quyền chính thức của Việt Nam từ năm 1816. Cơ sở quân sự được thiết lập đầu thập niên 1930. Sang thập niên 1950, 1960, nhà cửa được xây cất thêm, tạm đủ cho sự trú phòng của một tiểu đoàn Thuỷ quân Lục chiến. Bia chủ quyền Việt Nam được đặt gần giữa đảo. Nhà Nguyễn chính thức đặt chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa từ năm 1816.

Quần đảo Hoàng Sa tuy chỉ gồm một số đảo nhỏ giữa Biển Đông, có một thời không được các nước trong khu vực chú ý, không có cư dân sinh sống thường xuyên, chỉ có người Việt Nam ra khai thác theo mùa các tài nguyên (phân chim, tổ yến, san hô, đánh cá…) trong hàng thế kỷ. Với sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, sự xuất hiện các khái niệm về chủ quyền, lãnh hải, sự ra đời của luật biển, khả năng khai thác tài nguyên biển, nhất là dầu khí… thì các quốc gia có tiềm lực và tầm nhìn xa bắt đầu nhòm ngó quần đảo Hoàng Sa như một cơ sở khí tượng thuỷ văn, quan trọng hơn là một cơ sở hậu cần, căn cứ quân sự chiến lược có khả năng khống chế Biển Đông, đường giao thông trên biển và cả trên không trung khu vực, một cơ sở pháp luật để bành trướng chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải trên phần lớn Biển Đông.

“Toàn tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư” là tập bản đồ Việt Nam do Đỗ Bá, tên chữ là Công Đạo soạn vẽ vào thế kỷ XVII, ghi rõ trong lời giải chú bản đồ vùng phủ Quảng Ngãi, xứ Quảng Nam: “Giữa biển có một bãi cát dài gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển, từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh mỗi lần có gió Tây Nam thì thương thuyền các nước đi ở phía ngoài cũng trôi dạt ở đây, đều cùng chết đói tất cả, hàng hoá thì đều để lại ở nơi đó”. “Phủ biên tạp lục” của nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 – 1784) biên soạn năm 1776, viết về lịch sử, địa lý, hành chính xứ Đàng Trong dưới thời Chúa Nguyễn (1558 - 1775) khi ông được triều đình bổ nhiệm phục vụ tại miền Nam, chép rõ đảo Đại Trường Sa (quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) thuộc phủ Quảng Ngãi.

Từ lâu, rất nhiều tài liệu minh chứng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Từ khi ký với triều đình nhà Nguyễn Hiệp ước 6-6-1884, Pháp đại diện quyền lợi của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại và việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Liên quan đến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam – Trung Quốc, Pháp ký hiệp ước với nhà Thanh năm 1887; năm 1895, Pháp ký tiếp với nhà Thanh hiệp ước bổ sung. Trong khuôn khổ cam kết chung, Pháp tiếp tục thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Vào ngày 29 - 3 - 1938, vua Bảo Đại ký dụ tách quần đảo Hoàng Sa khỏi địa hạt tỉnh Nam Nghĩa đặt vào tỉnh Thừa Thiên với nội dung: “Chiếu chỉ các cù lao Hoàng Sa (Archipel dé iles Paracels) thuộc chủ quyền nước Nam đã lâu đời và dưới các tiền triều, các cù lao ấy vẫn thuộc về hạt tỉnh Nam Ngãi: đến thời Đức thế Cao Hoàng Đế vẫn để y như cũ là vì nguyên trước sự giao thông với các cù lao ấy đều do các cửa bể tỉnh Nam Nghĩa”. Suốt trong thời gian đại diện Việt Nam về mặt đối ngoại, Pháp luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và phản kháng những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo này. Sau này, chính quyền Sài Gòn và cả chính quyền Sài Gòn cùng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam cũng đều thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Tháng 8 – 1973, với sự hợp tác của Công ty Nhật Maruben Corporation, Bộ Kế hoạch và Phát triển Sài Gòn từng tiến hành khảo sát phốt – phát ở quần đảo Hoàng Sa… Thế nhưng ngày 19 – 1 – 1974, lực lượng quân sự của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã chiếm đóng nhóm Tây Nam của đảo Hoàng Sa. Cũng chính trong ngày này, chính quyền Sài Gòn tuyên bố lên án Cộng hoà nhân dân Trung Hoa xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Ngày 26 – 1- 1974 , Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tuyên bố lập trường ba quan điểm về việc giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ; ngày 14 – 2 – 1974 tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một bộ phận của Việt Nam. Năm 1982, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng.

Tuy quần đảo Hoàng Sa thuộc về lãnh hải Việt Nam nhưng thời gian gần đây Trung Quốc vẫn ngang nhiên xâm phạm. Ngày 26 – 3 – 2013, ông Phùng Đình Toán – Phó Chủ tịch Hội nghề cá Quảng Ngãi khẳng định tàu Trung Quốc bắn tàu cá của ngư dân địa phương vào ngày 20 – 3 không phải là lần đầu tiên. Trước đây, nhiều ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn và huyện đảo Lý Sơn cũng bị tàu Trung Quốc bắn, rượt đuổi. Từ đầu năm 2013 đến nay, gần 20 trường hợp tàu cá Quảng Ngãi hành nghề ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa bị tàu Trung Quốc quấy rối, dùng vòi rồng gây vỡ kính, hỏng máy, bắn đạn lửa làm cháy tàu… gây thiệt hại lớn cho bà con ngư dân.

Để giải quyết vấn đề quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, quan điểm của Việt Nam sẽ kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, đồng thời giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước nhanh, bền vững; tránh xảy ra đụng độ, không để đổ vỡ quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam – Trung Hoa.

Nhộn nhịp trên cảng Lý Sơn
Nhộn nhịp trên cảng Lý Sơn

 

Tham quan nhà bảo tàng ở đảo Lý Sơn
Tham quan nhà bảo tàng ở đảo Lý Sơn

 

Bên Tượng đài Hồ Chí Minh trước UBND Tp.HCM
Bên Tượng đài Hồ Chí Minh trước UBND Tp.HCM

BÌNH NGUYÊN