“Anh nuôi” giữa biển Trường Sa

03:05, 02/05/2013

Những con sóng to phủ trùm lên boong tàu khiến tàu chòng chành dữ dội. Thế nhưng, trong gian bếp của “nhà ăn 48 người” trên tàu HQ 561, các “anh nuôi” vẫn cần mẫn với công việc của mình. Người thì nhặt rau củ, người thì nấu cơm, cắt thịt. Mọi việc vẫn đều đặn tiếp diễn ngày này qua ngày khác, bất chấp những cơn sóng dữ, bất chấp cả những trận say sóng luôn trực chờ.

Những con sóng to phủ trùm lên boong tàu khiến tàu chòng chành dữ dội. Thế nhưng, trong gian bếp của “nhà ăn 48 người” trên tàu HQ 561, các “anh nuôi” vẫn cần mẫn với công việc của mình. Người thì nhặt rau củ, người thì nấu cơm, cắt thịt. Mọi việc vẫn đều đặn tiếp diễn ngày này qua ngày khác, bất chấp những cơn sóng dữ, bất chấp cả những trận say sóng luôn trực chờ.

Các anh nuôi chuẩn bị bữa ăn để phục vụ đoàn công tác và chiến sỹ trên tàu
Các anh nuôi chuẩn bị bữa ăn để phục vụ đoàn công tác và chiến sỹ trên tàu


Trong những ngày đầu lên tàu ra Trường Sa, nỗi lo lớn nhất của tất cả các thành viên trong đoàn là làm sao để ăn được mà không bị say sóng. Có lẽ với nhiều người, mỗi khi nghe “bếp trưởng” thông báo mời đoàn công tác xuống “nhà ăn 48 người” ăn cơm là cảm giác nôn nao lại trực trào. Thế nên, ai cũng xuống lùa vội chén cơm rồi lại trở lên phòng nằm “án binh bất động”, ít ai để ý xem bữa ăn hàng ngày của mình do ai nấu và được nấu ra sao trong tình trạng tàu cứ chòng chành, lắc lư.

Nhà ăn 48 người được đặt tại tầng C trên tàu HQ 561. Trong phòng ăn được bố trí 8 bàn ăn (mỗi bàn ngồi 6 người) được đính chặt xuống sàn tàu. Tất cả thành bàn đều có gờ cao để chặn giữ tránh cho thức ăn bị đổ mỗi khi có sóng tàu chao nghiêng. Các anh nuôi trên tàu thường ví von bữa cơm do mình phục vụ là “bữa ăn 3 nồi”, gồm nồi cơm, nồi canh và nồi thức ăn mặn. Để phục vụ bữa cơm tưởng chừng đơn giản như vậy cho đoàn công tác gần 250 người giữa sóng biển Trường Sa không hề là chuyện đơn giản. Bếp trưởng Nguyễn Xuân Thịnh, người có 13 năm kinh nghiệm “giữ lửa” trên các con tàu đi Trường Sa, chia sẻ: Trước đây, việc nấu ăn trên tàu vất vả hơn nhiều vì thường thì các tàu không có khu bếp riêng, anh em phải che bạt trên boong tàu, thổi bếp than tổ ong để nấu nướng. Thức ăn cũng khó bảo quản hơn vì không có kho đông lạnh. Lênh đênh trên biển cả tháng trời, nhiều khi bắp cải to nhưng đến khi sử dụng thì chỉ ăn được phần lõi. Do đó, việc tính toán các loại rau củ mang theo để đảm bảo lượng rau xanh phục vụ cũng phải rất kỹ lưỡng. Nếu đi công tác dài ngày thì anh em còn phải mang theo cả thùng xốp và đất để trồng rau, cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sỹ trên tàu trong suốt chuyến hải trình. Giờ tàu ngày càng hiện đại, nhà ăn và kho lạnh được xây dựng bài bản hơn, nhưng để nấu được một bữa ăn thì không hề đơn giản. Mỗi khi có sóng to, nhất là những ngày gặp bão, đầu bếp vừa phải lo né người để tránh nồi nước sôi, vừa phải “chìu” theo con sóng để cắt thịt, đảo thức ăn, chia mâm”. Ấy vậy mà, dù là người có nhiều kinh nghiệm như anh Thịnh cũng không tránh khỏi việc phỏng tay, phỏng chân do thức ăn nóng nghiêng đổ vào người.

Mỗi ngày, các anh nuôi thường dậy từ 3 giờ sáng để chuẩn bị bữa ăn. Mọi việc phải chuẩn bị thật chu đáo để đến 6 giờ là bữa ăn phải sẵn sàng. Sau đó, các anh lại phải rửa chén, lau dọn và chuẩn bị cho bữa tiếp theo. Việc tuyển chọn các anh nuôi phục vụ trên tàu được tiến hành rất kỹ lưỡng. Từ 600 chiến sỹ hậu cần trên đất liền mới chọn được 12 người lên tàu phục vụ. Ngoài nấu ăn ngon thì anh nuôi phải là người có sức khoẻ tốt và không bị say sóng. Tuyển chọn là vậy nhưng  khi tàu nhổ neo thì cũng chỉ có 3 người “trụ” được với sóng. Chiến sỹ Nguyễn Xuân Hóa chia sẻ: “Đây là chuyến đầu đi biển phục vụ nên em cũng bị say sóng dữ dội. Mấy ngày đầu, nhiều khi vừa chạy ra ngoài nôn xong lại phải vào nhặt rau, cắt thịt để đảm bảo bữa ăn cho mọi người. Nấu xong rồi thì hầu hết anh em đều không ăn cơm nổi mà chủ yếu nằm để đỡ say sóng”. Vậy mà, hễ bất cứ thành viên trong đoàn công tác mà bị say sóng không thể xuống nhà ăn, các anh lại ân cần nấu cháo, cấp sữa mang lên tận phòng để phục vụ. Thượng úy Vũ Quốc Hải, Trợ lý hậu cần, Đại đội trưởng C3 (Lữ đoàn 146), tâm sự: “Nấu ăn giữa sóng to gió lớn chúng tôi không sợ mà sợ nhất là mỗi khi mọi người mệt ăn uống không được. Bữa nào cơm, canh hết thì anh em chúng tôi vui, bữa nào còn thì lo lắm. Ngoài tài nấu nướng, hầu hết các anh nuôi còn có tài câu cá. Mỗi lần câu được cá to để cải thiện bữa ăn cho đoàn là chúng tôi rất vui!”.

Với những người đầu tiên ra Trường Sa như chúng tôi, đâu đâu cũng hiển hiện những nỗi khó khăn, vất vả. Nhưng, với tinh thần thép của tất cả cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên tàu hay trên hàng chục hòn đảo lớn nhỏ của Việt Nam, nỗi vất vả ấy như “hạt muối bỏ biển”. Bởi lẽ, với họ chủ quyền biển đảo là thiêng liêng, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ thiêng liêng. Và, chủ quyền ấy đang ngày đêm được giữ vững có phần từ những phần việc rất đơn giản như của những anh nuôi trên các chuyến tàu.

HỮU SANG - VĂN BÁU