Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam

02:05, 05/05/2013

Báo Lâm Đồng số 3850-3851 phát hành thứ Hai, ngày 29 – 4 – 2013 có đăng bài “Tiếp tục khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa”. Sau khi báo phát hành, nhiều độc giả có nhu cầu thông tin thêm về chủ quyền quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Do vậy, Toà soạn tiếp tục tổng hợp, biên soạn và giới thiệu với bạn đọc về quá trình khẳng định chủ quyền, diễn biến đấu tranh bảo vệ biên hải của Tổ quốc và âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

[links()]LTS: Báo Lâm Đồng số 3850-3851 phát hành thứ Hai, ngày 29 – 4 – 2013 có đăng bài “Tiếp tục khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa”. Sau khi báo phát hành, nhiều độc giả có nhu cầu thông tin thêm về chủ quyền quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Do vậy, từ số báo này, Toà soạn tiếp tục tổng hợp, biên soạn và giới thiệu với bạn đọc về quá trình khẳng định chủ quyền, diễn biến đấu tranh bảo vệ biên hải của Tổ quốc và âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.  

Trường Sa bảo vệ bờ biển thân yêu của Tổ quốc. Ảnh: Văn Báu
Trường Sa bảo vệ bờ biển thân yêu của Tổ quốc. Ảnh: Văn Báu


Khái lược về quần đảo Trường Sa

Quần đảo Trường Sa nằm giữa Biển Đông về phía Đông Nam nước ta, phía bắc là quần đảo Hoàng Sa, phía Đông giáp biển Philippin, phía Nam giáp biển Malaixia, Brunây và Inđônêxia. Quần đảo Trường Sa  cách đảo Hải Nam khoảng 585 hải lý (1 hải lý: 1.852m), cách đảo Đài Loan khoảng 810 hải lý, cách Cam Ranh khoảng 243 hải lý, cách Vũng Tàu 440 hải lý. Quần đảo Trường Sa gồm trên 100 hòn đảo nhỏ và bãi san hô với diện tích vùng biển rộng khoảng 410.000 km2. Diện tích toàn bộ phần đất nổi của quần đảo khoảng 3 km2, được chia làm 8 cụm: Song Tử, Loại Ta, Thị Tứ, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên; đảo cao nhất là Song Tử Tây (khoảng 4 – 6 m); đảo lớn nhất là Ba Bình (0,44 km2), sau đó đến đảo Nam Yết (0,06 km2). Khoảng cách giữa các đảo cũng khác nhau, gần nhất là từ đảo Song Tử Đông đến Song Tử Tây khoảng 1,5 hải lý, xa nhất là Song Tử Tây (phía Bắc) đến An Bang (phía Nam) khoảng 280 hải lý.

Quần đảo Trường Sa án ngữ đường hàng hải quốc tế nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, giữa châu Âu, châu Phi, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản với các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á. Đây là một tuyến đường huyết mạch có lưu lượng tàu thuyền tấp nập vào hàng thứ 2 trên thế giới (sau Địa Trung Hải). Hiện các đảo và bãi san hô đã có một số công trình kiên cố và nhà ở, một số đảo có  đèn biển, có luồng vào, trên luồng có thiết bị phao dẫn luồng và phao buộc tàu tạo thuận lợi cho tàu thuyền tránh giông bão. Tuy nhiên, việc điều động tàu vẫn rất khó khăn vì luồng hẹp, độ sâu hay thay đổi nên tàu thuyền ra vào phải nhằm thời tiết tốt và vào ban ngày.

Trên thềm san hô quần đảo Trường Sa có nhiều loại hải sản quý như: hải sâm, rùa biển, cá ngừ, tôm hùm, rong biển và các loại ốc có giá trị dinh dưỡng cao, nếu được khai thác, chế biến tốt sẽ mang lại thu nhập lớn cho nhân dân và làm hàng hoá xuất khẩu thu lợi nhuận cao cho Nhà nước… Với vị trí ở giữa Biển Đông, quần đảo Trường Sa có thế mạnh về dịch vụ hàng hải, nghề cá đối với tàu thuyền đi lại và đánh bắt hải sản trong khu vực. Đồng thời là địa điểm du lịch hấp dẫn trong và ngoài nước. Trong một vài thập kỷ tới, tốc độ phát triển kinh tế cao của các nước trong khu vực (dự báo khoảng 7% năm), khối lượng hàng hoá vận chuyển qua Biển Đông sẽ tăng gấp 2 - 3 lần hiện nay. Khi đó Biển Đông nói chung, vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa nói riêng có vai trò lớn trong thương mại quốc tế. Đặc biệt, ngay sau khi xây dựng xong kênh KRA (Thái Lan) sẽ thu hút thêm một lượng tàu biển quốc tế lớn qua đây, tạo cơ hội cho Việt Nam chia sẻ thị phần vận tải quốc tế. Khi đó vùng biển Việt Nam và quần đảo Trường Sa sẽ trở thành chiếc “cầu nối” cực kỳ quan trọng để phát triển thương mại quốc tế và mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Sự liên kết giữa các đảo, cụm đảo, tuyến đảo của quần đảo Trường Sa tạo thành lá chắn quan trọng phía trước vùng biển và dải bờ biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ, bảo vệ sườn phía Đông của đất nước, tạo thành một hệ thống cứ điểm tiền tiêu để ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động lấn chiếm của tàu thuyền nước ngoài. Vì thế từ lâu quần đảo Trường Sa luôn được các nhà quân sự, khoa học, chính trị đánh giá cao. Sau khi xâm lược nước ta và đánh giá cao vị trí chiến lược của quần đảo Trường Sa, người Pháp đã tổ chức khảo sát, đo đạc, biên vẽ bản đồ vùng Biển Đông trong đó có quần đảo Trường Sa. Trước khi tiến hành chiến tranh ở Thái Bình Dương, Nhật Bản đã chiếm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa làm bàn đạp đánh chiếm Đông Dương, Xingapo, Inđônêxia. Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1945, Mỹ can thiệp, đưa quân vào miền Nam Việt Nam đã ủng hộ và tạo điều kiện cho chính quyền Sài Gòn đóng giữ đảo Trường Sa, ép Chính phủ Philippin cho Mỹ lập căn cứ hải quân và không quân trên lãnh thổ Philippin để khống chế lực lượng quân sự của các nước trong khu vực và đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông. Bàn về Biển Đông, nhiều nhà quân sự thế giới cho rằng ai làm chủ Trường Sa sẽ làm chủ Biển Đông.                                     

Kỳ sau: Từ thế kỷ XVII, Việt Nam đã khẳng định chủ quyền