Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam (Tiếp theo)

02:05, 07/05/2013

Ngày xưa người Việt Nam gọi hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Vạn Lý Hoàng Sa, Đại Trường Sa hay Vạn Lý Trường Sa như các sách và bản đồ cố đã chứng tỏ...

Từ thế kỷ XVII, Việt Nam đã khẳng định chủ quyền

[links(right)]Ngày xưa người Việt Nam gọi hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Vạn Lý Hoàng Sa, Đại Trường Sa hay Vạn Lý Trường Sa như các sách và bản đồ cố đã chứng tỏ. Hầu hết tất cả các bản đồ của các nhà hàng hải phương Tây từ thế kỷ XVI đến XVIII đều vẽ chung quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa làm một với cái tên Pracel, Parcel hay Paracels. Về sau, với những tiến bộ của khoa học và hàng hải, người ta đã phân biệt có hai quần đảo: quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Cho đến năm 1787 - 1788, đoàn khảo sát Kergariou-Locmaria mới xác định được rõ ràng và chính xác vị trí của quần đảo Hoàng Sa như hiện nay, từ đó phân biệt quần đảo này đối với quần đảo Trường Sa ở phía Nam.

Tượng đài ghi nhớ công lao các bậc tiền hiền Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải dựng trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: NGUYỄN THANH
Tượng đài ghi nhớ công lao các bậc tiền hiền Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải dựng trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: NGUYỄN THANH


Từ lâu, nhân dân Việt Nam đã phát hiện ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nhà nước Việt Nam thực hiện chủ quyền của mình đối với hai quần đảo đó một cách thực sự độc lập, liên tục và hoà bình. Tư liệu cổ minh chứng từ lâu nhiều sách địa lý và bản đồ cổ của Việt Nam ghi chép rõ Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Vạn Lý Hoàng Sa, Đại Trường Sa hoặc Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Trong “Toàn Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư”, tập bản đồ Việt Nam do Đỗ Bá, tên chữ là Công Đạo soạn vẽ vào thế kỷ XVII ghi rõ lời chú giải bản đồ vùng phủ Quảng Ngãi, xứ Quảng Nam: “Giữa biển có một bãi cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển, từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh mỗi lần có gió Tây Nam thì thương thuyền các nước đi ở phía ngoài cũng trôi dạt ở đấy…”. Với tư cách là người làm chủ, trong nhiều thế kỷ, nhà nước phong kiến Việt Nam đã nhiều lần tiến hành điều tra khảo sát địa hình và tài nguyên hai quần đảo. Thời nhà Nguyễn đã đặt các đội Hoàng Sa, Bắc Hải ra tìm kiếm hải sản quý, vàng bạc do tàu qua lại bị bão đánh đắm…ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Kế tiếp các chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn phải liên tiếp đối phó với sự xâm lược của nhà Thanh và của Xiêm nhưng vẫn luôn luôn quan tâm đến việc duy trì và sử dụng các đội Hoàng Sa. Từ khi nắm chính quyền năm 1802 đến khi Pháp ký Hiệp ước 1884, các vua nhà Nguyễn ra sức củng cố chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Đội Hoàng Sa, sau tăng cường thêm đội Bắc Hải được duy trì hoạt động liên tục từ thời các chúa Nguyễn (1558 - 1783) đến nhà Tây Sơn (1786 - 1802) và nhà Nguyễn (1802 - 1945).

Từ khi ký với triều đình nhà Nguyễn Hiệp ước 6-6-1884, Pháp đại diện quyền lợi của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Liên quan đến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc, Pháp ký hiệp ước với nhà Thanh năm 1887; năm 1895, Pháp ký tiếp với nhà Thanh hiệp ước bổ sung. Trong khuôn khổ sự cam kết chung đó, Pháp tiếp tục thực hiện chủ quyền, khẳng định của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… Ngày 24-7-1933, Pháp thông báo cho Nhật Bản việc Pháp đưa quân ra đóng các đảo chính ở quần đảo Trường Sa. Ngày 4 - 4-1939, Pháp phản kháng Nhật Bản đặt một số đảo trong quần đảo Trường Sa thuộc quyền tài phán của Nhật Bản. Ngày 7-9-1951, Trưởng Đoàn đại biểu của Chính phủ Bảo Đại Trần Văn Hữu tuyên bố tại Hội nghị San Francisco về việc ký hoà ước với Nhật Bản rằng từ lâu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam: “… và cũng vì cần phải dứt khoát lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi khẳng định chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”. Tuyên bố đó không gặp sự chống đối hoặc bảo lưu nào của đại diện 51 quốc gia tham dự Hội nghị…

Thời Chính quyền Sài Gòn, sau đó cả Chính quyền Sài Gòn và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam cũng đều thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa. Ngày 16-6-1956, Bộ Ngoại giao Chính quyền Sài Gòn tuyên bố một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Đồng thời cũng trong năm này, Chính quyền Sài Gòn kịch liệt phản đối Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa chiếm nhóm đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 1956, lực lượng hải quân của chính quyền Sài Gòn tiếp quản các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa khi Pháp rút quân về nước. Ngày 22-10-1956, Chính quyền Sài Gòn đặt quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Từ năm 1961 đến 1963, lần lượt cho xây bia chủ quyền ở các đảo chính của quần đảo Trường Sa như: An Bang, Song Tử Tây… Ngày 6-9-1973, sát nhập các đảo Trường Sa, An Bang, Itu Aba, Song Tử Đông, Song Tử Tây, Loại Ta, Thị Tứ, Nam Ai, Sinh Tồn và các đảo phụ cận vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy. Năm 1982, Chính phủ Việt Nam quyết định thành lập huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai và hiện nay huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hoà. Nhà nước Việt Nam nhiều lần công bố “Sách Trắng” (1979, 1981, 1988) về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Ngày 14 – 3 – 1988, Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố lên án Trung Quốc gây xung đột vũ trang tại Trường Sa. Tháng 4 – 2007, Chính phủ Việt Nam quyết định thành lập thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn thuộc huyện Trường Sa.

Từ những tư liệu lịch sử rõ ràng và căn cứ những nguyên tắc của luật pháp quốc tế, cho thấy: Từ thế kỷ XVII đến nay, Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thực sự hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa khi mà các quần đảo này chưa thuộc chủ quyền bất cứ quốc gia nào. Trong suốt mấy thế kỷ, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện một cách thật sự, liên tục và hoà bình chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo. Nhà nước ta luôn bảo vệ tích cực các quyền và danh nghĩa của mình trước mọi mưu đồ và hành động xâm phạm tới chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Kỳ sau: Không ai chấp nhận yêu sách "đường lưỡi bò"

TS