Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam (Tiếp theo)

03:05, 12/05/2013

… Trước khi Nhà nước Trung Quốc xác định quy chế pháp lý của “đường lưỡi bò”, tại nhiều hội thảo quốc tế về Biển Đông, các học giả Trung Quốc lại có những giải thích khác nhau, thậm chí mâu thuẫn với nhau về giá trị pháp lý quốc tế của đường đứt đoạn.

[links()]… Trước khi Nhà nước Trung Quốc xác định quy chế pháp lý của “đường lưỡi bò”, tại nhiều hội thảo quốc tế về Biển Đông, các học giả Trung Quốc lại có những giải thích khác nhau, thậm chí mâu thuẫn với nhau về giá trị pháp lý quốc tế của đường đứt đoạn. Có một điều rất quan trọng mà tất cả các học giả và kể cả Nhà nước Trung Quốc cho đến nay không thể trả lời được là: Làm sao xác định được toạ độ cũng như vị trí chính xác của từng đoạn cũng như của toàn bộ 9 đoạn của đường yêu sách này. Chẳng hề có một văn bản nào dù là chính thức hay không chính thức quy định hoặc giải thích về việc đó. Trong khi đó tại Hội nghị Hoà bình San Francisco 1951, đại diện Chính phủ Việt Nam đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và không có nước nào tham gia Hội nghị phản đối.

Lên tàu đến với Trường Sa thân yêu
Lên tàu đến với Trường Sa thân yêu


Lập luận đầu tiên và được sử dụng nhiều nhất của các học giả Trung Quốc khi giải thích về đường đứt đoạn được vẽ trên bản đồ Biển Đông là yêu sách này phải được xem xét dưới góc độ của “luật pháp quốc tế đương đại”, tức là luật pháp quốc tế vào thời điểm 1947 khi nó được vẽ ra, chứ không thể sử dụng Công ước Luật biển 1982 để xem xét giá trị pháp lý của nó. Tuy nhiên, thời điểm mà đường đứt đoạn được vẽ ra (1947) những quy định của luật biển quốc tế còn tồn tại dưới dạng những quy phạm, tập quán, theo đó lãnh hải của quốc gia ven biển chỉ có chiều rộng 3 hải lý tính từ ngấn nước thuỷ triều thấp nhất. Ngoài phạm vi lãnh hải là biển cả hay còn gọi là vùng biển quốc tế, nơi mà các quốc gia đều có thể thực hiện quyền tự do biển cả.

Cho đến năm 1958, các chính quyền khác nhau của Trung Quốc (Triều đình nhà Thanh, Cộng hoà Trung Hoa và cả Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa) đều công nhận hoặc không công khai phản đối chiều rộng của lãnh hải là 3 hải lý. Như vậy, ngay cả theo luật pháp quốc tế đương đại thì một đường đòi hỏi không rõ ràng đối với một vùng biển rộng lớn là không thể nào được coi là hợp pháp.

Lập luận thứ hai được các học giả Trung Quốc sử dụng để giải thích về đường đứt đoạn là do đường này được vẽ từ 1947 nên Trung Quốc có thể đòi hỏi đối với vùng biển nằm trong đường này một “danh nghĩa lịch sử” nào đó hoặc như yêu sách của chính quyền Đài Loan coi đây là “vùng nước lịch sử”. Trong khi đó, tại Hội nghị Luật biển của Liên Hiệp Quốc lần thứ 3 các quốc gia đã không nhất trí được việc đưa vào Công ước Luật biển 1982 những quy định cũng như những định nghĩa về vùng nước lịch sử.

Dù luật pháp cũng như thực tiễn quốc tế từ xưa đến nay chưa bao giờ công nhận “danh nghĩa lịch sử” hoặc quy chế “vùng nước lịch sử” đối với vùng biển rộng lớn như yêu sách của Trung Quốc nhưng thử phân tích một cách khách quan liệu Trung Quốc có đáp ứng được những tiêu chí trên hay không? Thứ nhất, rất dễ thấy là tất cả các hoạt động hàng hải, dầu khí và nghề cá… của các quốc gia trong và ngoài khu vực Biển Đông đều không hề vấp phải bất kỳ sự ngăn cản nào từ phía Trung Quốc ít nhất cho mãi đến tận những năm 1990 của thế kỷ XX. Do vậy, Trung Quốc không thể đáp ứng được tiêu chí thực hiện chủ quyền thực sự một cách liên tục và hoà bình trong một khoảng thời gian dài từ sau năm 1947. Thứ hai, các quốc gia trong khu vực đều không thừa nhận cái gọi là “các quyền lịch sử của Trung Quốc”. Trái lại, họ đều đã đưa ra những quy định của mình về các vùng biển và cùng nhau ký kết các hiệp định phân định các vùng biển chồng lấn, cũng như các thoả thuận hợp tác khác trong Biển Đông bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Đó là chưa nói đến những tranh chấp về chủ quyền đối với các quần đảo trên Biển Đông.

Đường 9 khúc đứt đoạn được Trung Quốc thể hiện trong sơ đồ đính kèm công hàm ngày 7 - 5 - 2009 cũng không thể mang lại cho Trung Quốc quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển nằm phía trong đường này theo quy chế của Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Công ước Luật biển 1982.

TS