Hoàng Sa, Trường Sa không có trong bản đồ của Trung Quốc trước thế kỷ XX

09:06, 02/06/2013

(LĐ online) - Để tiếp tục duy trì bảo vệ chủ quyền vùng biển Việt Nam trên Biển Đông và hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, Nhà nước ta đã có nhiều văn bản pháp lý tuyên bố chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình...

(LĐ online) - Để tiếp tục duy trì bảo vệ chủ quyền vùng biển Việt Nam trên Biển Đông và hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, Nhà nước ta đã có nhiều văn bản pháp lý tuyên bố chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình. Các văn kiện đều phù hợp với hệ thống Luật Quốc tế và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 mà Việt Nam là thành viên. Về “Chiến lược biển Việt Nam đến 2020” đã được Nghị quyết Trung ương 4 (khoá X) của Đảng xác định tổng quát: “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm cho đất nước giàu mạnh”… Qua khảo sát một số bản đồ của Trung Quốc về quá trình quy thuộc Nam Hải (Biển Đông) trước thế kỷ XX đã minh chứng rõ ràng Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

- Thanh Đại Nhất Thống Địa Đồ (năm 1760) thuyết minh về cương vực thời kỳ Đại Thanh, theo hiển thị trên bản đồ thì cương giới phía nam Trung Quốc kết thúc ở đảo Hải Nam.

- Đại Thanh Nhất Thống Thiên Hạ Toàn Đồ (1818) do Chu Tích Linh vẽ (từ “Địa Đồ Trung Quốc”, Thư viện Đại học HongKong, năm 2003) là tấm bản đồ về cương giới quốc gia đối với đường biên giới của Trung Quốc được viền màu đỏ. Kim Môn, Hạ Môn và đảo Hải Nam đều dùng màu đỏ vẽ liền với đại lục, còn Đài Loan và quần đảo Đan Sơn thì được khoanh tròn riêng bằng màu đỏ để chứng tỏ là một phần của Trung Quốc. Trên bản đồ có xuất hiện hai cái tên Vạn Lý Trường Sa (Trường Sa) và Thiên Lý Thạch Đường (Hoàng Sa), nhưng những địa danh này cùng với Johor, Mãn Thích Gia và Srivijaya… đều nằm ngoài cương giới lãnh thổ Trung Quốc.

- Hải Quốc Đồ Chí (1852) là cuốn thư tịch về địa lý thế giới do Nguỵ Nguyên biên soạn. Trong Duyên cách đồ cách quốc Đông Nam Dương (biển Đông Nam) ở sách này có xuất hiện các địa danh Vạn Lý Trường Sa và Thiên Lý Thạch Đường. Một số sách của Trung Quốc đã dẫn tấm bản đồ này làm chứng cứ cho chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) song không hề có căn cứ, vì tên bản đồ chỉ chính xác đây là bản đồ Đông Nam Á và trên bản đồ không có bất cứ ký hiệu gì thể hiện Vạn Lý Trường Sa, Thiên Lý Thạch Đường thuộc Trung Quốc.

- Quảng Đông Đồ (1866) là tập bản đồ chi tiết về khu vực Quảng Đông. Chính phủ Dân quốc luôn tuyên bố xét về lịch sử, các quần đảo Nam Hải là một phần của Quảng Đông. Tập bản đồ này hiển thị đất thuộc Quảng Đông chỉ bao gồm Hải Nam và các đảo ngoài khơi Quảng Đông, thậm chí còn không bao gồm cả Đông Sa.

- Đại Thanh Đế Quốc Toàn Đồ (1905): Nguồn từ “Trung Quốc Cổ Địa Đồ Trân Tập”, NXB bản đồ Tây An, năm 1995, cương giới phía nam của Trung Quốc trên bản đồ chỉ tới đảo Hải Nam.

- Trung Quốc Cận Thế Dư Địa Đồ Thuyết (1908) do La Nhữ Nam biên soạn, đây là một bộ trước tác địa lý học đồ sộ của Trung Quốc gồm 8 tập 23 quyển. Trong sách ghi rõ cương giới phía Nam của Trung Quốc là cực nam đảo Hải Nam và đều không thấy các đảo Nam Hải ở Trung Quốc Toàn Đồ hay Quảng Đông Địa Đồ trong bộ sách này.

- Nhị Thập Thế Kỷ Trung Ngoại Đại Địa Đồ (1908), trong tập bản đồ này, cương giới phía Nam của Trung Quốc cũng chỉ tới cực nam đảo Hải Nam. Bản đồ Châu Á trong tập bản đồ này hoàn toàn không có đánh dấu các đảo ở Nam Hải trong khi phần lớn các bản đồ trên thế giới cùng thời kỳ đều thể hiện các đảo ở Nam Hải. Trái lại, quần đảo Andaman của Ấn Độ và quần đảo Natuna của Nam Hải lại đều có xuất hiện trên các bản đồ này.

- Quảng Đông Dư Địa Toàn Đồ (1909) là tấm bản đồ vẽ Tây Sa và Đông Sa vào trong lãnh thổ Trung Quốc sớm nhất trong số những bản đồ vào cuối triều Thanh. Tuy nhiên, việc bản đồ không thể hiện hai quần đảo Trung Sa và Nam Sa cho thấy hai quần đảo này khi ấy vẫn chưa nằm trong tầm ngắm của đế quốc Đại Thanh.

 Đến năm 1911, Trung Hoa Dân Quốc thành lập, công tác bản đồ thời kỳ này cơ bản vẫn vẽ theo hệ bản đồ thời cuối nhà Thanh.

- Trung Quốc Tân Hưng Đồ (1915) xuất bản ở Thượng Hải, trong đó cực nam của Trung Quốc vẫn chỉ đến đảo Hải Nam, giống như tình hình năm 1908. Bản đồ này là tái bản, có thể nghĩ rằng bản đầu tiên của nó cũng như vậy. Qua đó có thể thấy mặc dù năm 1909 Lý Chuẩn đã tuyên bố chủ quyền khi đến Tây Sa (Hoàng Sa) nhưng khá nhiều người biên vẽ bản đồ, nhất là những người không phải dân Quảng Đông vẫn không hề coi Tây Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Nên cái gọi “Tây Sa là một bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc” chưa hề trở thành nhận thức chung của xã hội.

- Trung Quốc Tân Hưng Đồ (1917): Trong tấm bản đồ Trung Quốc Tân Hưng năm thứ 3 năm 1917, cực nam Trung Quốc vẫn chỉ là đảo Hải Nam.

- Trung Hoa Dân Quốc Tân Khu Vực Đồ (1917) chỉ có quần đảo Tây Sa bị quy nạp vào cương vực của Trung Quốc.

 Đến năm 1934, Thân báo kỷ niệm 60 năm ra đời đã tổ chức biên chọn bản đồ có tính chính thống trong thời kỳ Dân quốc. Trong tập “Trung Hoa Dân Quốc Tân Địa Đồ”, bản đồ Trung Quốc vẫn chỉ bao gồm “Tây Sa” và “Đông Sa”. Từ năm 1935, chính phủ Dân quốc bắt đầu tiến trình mở cương giới bản đồ đối với Nam Hải.

- Trung Quốc Phân Tỉnh Tân Đồn (Thân báo) là bản tái bản tập bản đồ do Thân báo biên tập đã được nói ở trên. Trên bản đồ đã thấy xuất hiện các dòng chữ quần đảo Nam Sa và quần đảo Đoàn Sa. Quần đảo Nam Sa khi ấy là quần đảo Trung Sa hiện nay, còn quần đảo Đoàn Sa khi ấy chỉ là quần đảo Nam Sa hiện giờ.

- Trung Hoa Phân Tỉnh Đồ (1936), trong bản đồ này cũng có quần đảo Trung Sa (Nam Sa) và quần đảo Nam Sa (Đoàn Sa). Nhưng đảo Hoàng Nham không nằm trong phạm vi quần đảo Trung Sa (Nam Sa). Có thể thấy, vào năm đầu tiên chính phủ Dân quốc mở rộng cương giới bản đồ, đảo Hoàng Nham có phải là một phần của Trung Quốc hay không, điều này vẫn chưa có sự đồng quan điểm trong đội ngũ biên tập bản đồ.

- Trung Quốc Tỉnh Thị Địa Phương Tân Đồ (1939): Đến năm 1939, việc mở rộng cương giới bản đồ đã được sự thừa nhận phổ biến trong các nhà bản đồ học Trung Quốc, những địa điểm không được đánh dấu tên trên bản đồ năm 1936 đã được đánh dấu tên ở đây. Trong tập bản đồ này có riêng một bản đồ về các quần đảo Nam Hải. Đảo Hoàng Nham được gọi là Ska Barlow Reef. Điều thú vị là trên bản đồ này, đảo Hoàng Nham lại không phải là một phần của đảo Trung Sa, cả nó và Trudeau reef (Trudeau Road reef) đều được đánh dấu riêng ra, rồi có thêm dòng chữ “thuộc Trung Quốc”.

- Trung Quốc Phân Tỉnh Minh Tế Đồ (năm 1940): Cuốn bản đồ này có đường phân giới liền nhau ở Nam Hải vẽ chiều đường bờ biển của các quốc gia Nam Hải khác. Có thể nói, đường 9 đoạn (đường 11 đoạn) sau này về cơ bản là tiếp tục dùng những bản đồ này. Xem xét từ cuối đời Thanh tới năm 1940 (tạm chưa nói đến thời kỳ cổ hơn), Trung Quốc chưa từng thừa hành, mang tính thực tế, bất cứ một lần chủ quyền nào ở quần đảo Nam Sa, ngoài việc mở cương giới trên bản đồ.

- Trung Quốc Phân Tỉnh Tân Địa Đồ (1947): Trung Quốc đã vẽ đường 11 đoạn trên bản đồ Nam Hải (về sau nước Cộng hòa sửa lại thành đường 9 đoạn) đồng thời đặt tên lại cho các đảo ở Nam Hải. Chưa có lý giải về việc vì sao chính phủ Dân quốc lại vẽ đường ranh giới trên bản đồ Nam Hải thành đường đứt khúc. Các tên gọi quần đảo Trường Sa và quần đảo Nam Sa bắt đầu có từ đó. Trên tập bản đồ này, còn có một điểm đáng chú ý là đường hải giới ở mé đông Đài Loan khi ấy không hề bao gồm đảo Điếu Ngư trong đó.

- Trung Quốc Phân Tỉnh Tân Đồ (Thân báo, 1948) là bản tái bản lần thứ 5 tập Trung Hoa Dân Quốc Tân Địa Đồ của Thân báo. Khác với bản đồ trên, đường phân giới Nam Hải vẫn tiếp tục dùng đường liền từ trước chiến tranh và rất khó xác nhận được những đường liền này có trùng với đường đứt đoạn ở bản đồ trên hay không.

Như vậy qua khảo sát một số bản đồ  từ cuối đời Thanh đến năm 1948 có thể rút ra một số kết luận: Trước năm 1908, tất cả các bản đồ Trung Quốc đều không xếp Nam Hải (Biển Đông) vào phạm vi lãnh thổ Trung Quốc. Từ năm 1909 đến giữa năm 1917, bản đồ Trung Quốc dần dần đưa Tây Sa (Hoàng Sa) và Đông Sa vào lãnh thổ Trung Quốc. Từ năm 1917 đến năm 1934, tất cả bản đồ Trung Quốc đều đưa Tây Sa và Đông Sa vào lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng Trung Sa và Nam Sa (Trường Sa) thì không phải là một phần của Trung Quốc trên bản đồ. Sau khi mở rộng cương giới bản đồ vào năm 1935, tất cả các bản đồ Trung Quốc đều xếp Trung Sa và Nam Sa là một phần của Trung Quốc, phần lớn các bản đồ cũng xếp đảo Hoàng Nham vào lãnh thổ Trung Quốc. Đường phân giới Nam Hải xuất hiện sớm nhất vào năm 1904 trong một số bản đồ. Sau năm 1947, chính phủ Dân quốc cố định đường phân giới Nam Hải dưới hình thức đường đứt đoạn. Kể từ đó, Nam Hải trên bản đồ Trung Quốc liền có hình dạng tương tự như ngày nay (trừ việc nước Cộng hòa đổi Đường 11 đoạn thành 9 đoạn).

Không chỉ những chứng cứ trên bản đồ cổ của Trung Quốc đã phủ nhận về cái quyền “đường lưỡi bò” trên Biển Đông mà trên thực tế sự thật lịch sử năm 1909, Trung Quốc bắt đầu tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, chính quyền Quảng Đông đưa ra luận điểm Paracel là “đất vô chủ”, bắt đầu tổ chức chiếm hữu theo cách của phương Tây như cho tàu chiến bắn 21 phát súng, cắm cờ, cắm cột mốc chủ quyền tại các đảo ở Paracel và đặt tên là Tây Sa. Hay tập trung vào sự kiện năm 1898 khi Công ty bảo hiểm Anh nhờ quan chức Tổng lãnh sự Anh yêu cầu chính quyền Hải Nam bồi thường vụ dân Hải Nam hôi của lấy đồng thau của tàu Bellona (của Đức) bị đắm năm 1895 và tàu Nhật Unofi Maru bị đắm năm 1896 tại Paracel, thì chính quyền Hải Nam bác bỏ Paracel không thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Khi ấy Việt Nam đã có quá nhiều chứng cứ minh chứng Paracel là của Việt Nam, từ văn bản nhà nước như Châu bản của triều đình Nguyễn, các văn bản chính quyền địa phương cũng như chính sử, địa chí, bản đồ, cho đến các tài liệu, bản đồ của phương Tây cũng như chính tài liệu, bản đồ của Trung Quốc. Các tài liệu của phương Tây như Gutzlaff năm 1849 hay bản đồ An Nam đại quốc họa đồ ghi rất rõ Paracel chính là Cát Vàng, tức Hoàng Sa.

Việt Nam đã chiếm hữu thật sự mang tính nhà nước liên tục và hòa bình qua các thời đại từ đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải đi khai thác sản vật tại Hoàng Sa và Trường Sa từ đầu thế kỷ 17, đến khi thủy quân đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền từ năm 1816-1836 trở thành lệ hằng năm.

Đã tuyên bố Paracel vô chủ hay Paracel không thuộc chủ quyền của Trung Quốc thì có đưa bất cứ bằng chứng nào sau này cũng chỉ là ngụy tạo hay suy diễn không có giá trị, trái với sự thật lịch sử.

Sau đó, ngày 30-1-1980, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã công bố văn kiện ngoại giao, chính thức hóa những luận điểm đã đưa ra trong bài báo nói trên và năm 1988 đã xuất bản bộ tư liệu đồ sộ của nhóm Hàn Chấn Hoa. Song những tư liệu này lại hết sức vu vơ không có gì là xác thực, hầu hết những tài liệu cổ mà Trung Quốc dẫn chứng lại đều là sách viết về nước ngoài “chư phiên”, tức không phải chép việc của Trung Quốc, như Nam châu dị vật chí của Dương Phù, Chư phiên chí của Triệu Nhữ Quát.

Hiện nay ở Trung Quốc người ta hầu như lờ đi sự kiện năm 1909 chính quyền Quảng Đông cho Paracel là “đất vô chủ”, hầu như ai cũng nói giáo đầu kiểu như: “Các hòn đảo ở Nam Hải từ xưa đến nay là lãnh thổ của Trung Quốc, nếu đi sâu nghiên cứu các sách cổ Trung Quốc thì đây là điều hiển nhiên, không có gì phải nghi ngờ”... Cứ như thế mà tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân khiến người dân ai nấy đều tin như vậy! Còn đi sâu nghiên cứu sách cổ thì chẳng có gì cả, chỉ là cố suy diễn hàm hồ.

Nhiều bản đồ do chính người Trung Quốc vẽ đều cho thấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. (Nguồn ảnh: Báo Đà Nẵng, Tuổi Trẻ, Infonet)

"Dư địa đồ" đời Nguyên
 

"Dư địa chí đồ" đời Nguyên của Chu Tư Bản.
"Dư địa chí đồ" đời Nguyên của Chu Tư Bản.


Dư địa chí đồ đời Nguyên của Chu Tư Bản được vẽ thu nhỏ lại trong sách Quản Như Đồ của La Hồng Tiên quyển 1, thực hiện năm 1561, phần cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam, không có Hoàng Sa và Trường Sa.

Thiên hạ thống nhất, Chi Đồ
 

"Thiên hạ thống nhất, Chi Đồ" đời Minh
"Thiên hạ thống nhất, Chi Đồ" đời Minh


"Thiên hạ thống nhất, Chi Đồ" đời Minh, trong Đại Minh nhất thống chí, năm 1461, quyển đầu đã vẽ cực Nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không có Hoàng Sa và Trường Sa.

Hoàng Minh đại thống nhất tổng đồ
 

"Hoàng Minh đại thống nhất tổng đồ" của Trần Tố Thụ
"Hoàng Minh đại thống nhất tổng đồ" của Trần Tố Thụ


Hoàng Minh đại thống nhất tổng đồ đời Minh, trong Hoàng Minh chức phương địa đồ của Trần Tố Thụ (1635) đã vẽ phần cực Nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không có Hoàng Sa và Trường Sa.

Hoàng triều phủ sảnh châu huyện toàn đồ
 

"Hoàng triều phủ sảnh châu huyện toàn đồ" đời Thanh.
"Hoàng triều phủ sảnh châu huyện toàn đồ" đời Thanh.


Hoàng triều phủ sảnh châu huyện toàn đồ đời Thanh, năm 1862, vẽ theo “Nội phủ địa đồ” gồm 26 mảnh mang tên “Đại Thanh kịch tỉnh toàn đồ" trong bản đồ phần cực Nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không có Hoàng Sa và Trường Sa.

Quảng Đông tỉnh đồ
 

"Quảng Đông tỉnh đồ" năm 1897.
"Quảng Đông tỉnh đồ" năm 1897.


"Quảng Đông tỉnh đồ" trong “Quảng Đông dư địa toàn đồ” do quan chức tỉnh Quảng Đông vẽ năm 1897, có lời tựa của Tổng đốc Trương Nhân Tuấn, không có bất kỳ quần đảo nào ở biển Đông.

Đại Thanh đế quốc vị trí quy hoạch đồ
 

"Đại Thanh đế quốc vị trí khu hoạch đồ" năm 1909
"Đại Thanh đế quốc vị trí khu hoạch đồ" năm 1909


"Đại Thanh đế quốc vị trí khu hoạch đồ" năm 1909 đã vẽ phần cực Nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không có Hoàng Sa và Trường Sa.

Bản đồ Trung Quốc 1904 không có Hoàng Sa, Trường Sa
 

 Bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”.
Bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”.


Bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của Trung Quốc được thực hiện dưới thời nhà Thanh) xuất bản năm 1904 ghi rõ cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa.

Bản đồ năm 1919 của TQ không có Hoàng Sa, Trường Sa
 

 Bản đồ lãnh địa Trung Quốc không có Hoàng Sa và Trường Sa trong atlas “Trung Hoa bưu chính dư đồ” do Trung Hoa Dân Quốc xuất bản năm 1919 tại Nam Kinh.
Bản đồ lãnh địa Trung Quốc không có Hoàng Sa và Trường Sa trong atlas “Trung Hoa bưu chính dư đồ” do Trung Hoa Dân Quốc xuất bản năm 1919 tại Nam Kinh.

 

Bản đồ tỉnh Quảng Đông trong atlas “Trung Hoa bưu chính dư đồ” do Trung Hoa Dân Quốc xuất bản năm 1919 tại Nam Kinh, vẽ đảo Hải Nam là điểm cực nam của lãnh thổ Trung Hoa.
Bản đồ tỉnh Quảng Đông trong atlas “Trung Hoa bưu chính dư đồ” do Trung Hoa Dân Quốc xuất bản năm 1919 tại Nam Kinh, vẽ đảo Hải Nam là điểm cực nam của lãnh thổ Trung Hoa.


Cuốn atlas "Trung Hoa bưu chính dư đồ" (kích thước 61 x 71cm) do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa Dân Quốc xuất bản lần đầu năm 1919 ở Nam Kinh bằng 3 thứ tiếng Trung - Anh - Pháp. Trong đó gồm 1 Index map và 46 bản đồ các tỉnh của Trung Quốc lúc bấy giờ. Đây là bản đồ đầu tiên của Trung Quốc được nhà Thanh in theo kiểu Phương Tây. Trong đó hoàn toàn không thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

BÌNH NGUYÊN