Việt Nam - quốc gia biển

02:08, 02/08/2013

LTS: Thế kỷ XXI được các nhà chiến lược đánh giá là "thế kỷ của đại dương", các nước có biển, đặc biệt là các quốc gia lớn đều vươn ra biển, xây dựng chiến lược biển nhằm mục đích khai thác tối đa nguồn lợi từ biển. Việt Nam là một nước ven biển có những ưu thế và vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với khu vực và thế giới.

LTS: Thế kỷ XXI được các nhà chiến lược đánh giá là “thế kỷ của đại dương”, các nước có biển, đặc biệt là các quốc gia lớn đều vươn ra biển, xây dựng chiến lược biển nhằm mục đích khai thác tối đa nguồn lợi từ biển. Việt Nam là một nước ven biển có những ưu thế và vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với khu vực và thế giới. Vì vậy, việc giữ gìn toàn vẹn chủ quyền quốc gia, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, đảo nói riêng và của cả nước nói chung trong thời kỳ hội nhập quốc tế là vấn đề có ý nghĩa không chỉ trước mắt mà cả lâu dài. Từ số báo này, theo “Việt Nam, quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển” (Ban Tuyên giáo Trung ương), Báo Lâm Đồng xin lược trích một số vấn đề liên quan đến biển Việt Nam.

Biển Lý Sơn (Quảng Ngãi) - từ thời nhà Nguyễn, ngư dân trên đảo đã tham gia đội Bắc Hải ra canh giữ Hoàng Sa, Trường Sa… đang là biển du lịch hấp dẫn. Ảnh: TĐ
Biển Lý Sơn (Quảng Ngãi) - từ thời nhà Nguyễn, ngư dân trên đảo đã tham gia đội Bắc Hải ra canh giữ Hoàng Sa, Trường Sa… đang là biển du lịch hấp dẫn. Ảnh: TĐ


Vị trí địa lý - kinh tế biển, những thuận lợi

Việt Nam có diện tích hơn 330.000 km2 bao gồm khoảng 327.480 km2 đất liền và hơn 4.200 km2 biển nội thủy, với hơn 3.000 hòn đảo, bãi đá ngầm lớn nhỏ, gần và xa bờ. Biển nước ta có diện tích trên 1 triệu km2; 28 trong số 63 tỉnh, thành phố nằm ven biển, diện tích các huyện ven biển chiếm 17% tổng diện tích cả nước và là nơi sinh sống của hơn 1/5 dân số cả nước.

Nước ta có ba mặt giáp biển, đặc biệt trong đó có Biển Đông đóng vai trò sống còn. Đây là một trong sáu biển lớn nhất thế giới, nối hai đại dương là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, có chín quốc gia bao bọc: Việt Nam, Trung Quốc, Philippin, Inđônêxia, Brunây, Malaixia, Xingapo, Thái Lan và Campuchia. Đây cũng là con đường chiến lược của giao thương quốc tế, có 5/10 tuyến đường hàng hải lớn nhất hành tinh đi qua. Hằng năm, vận chuyển qua Biển Đông khoảng 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Trung Đông và Đông Nam Á, khoảng 45% khối lượng hàng xuất của Nhật Bản, 60% khối lượng hàng xuất và nhập khẩu của Trung Quốc. Theo những nghiên cứu của Sở Môi trường và các nguồn lợi tự nhiên Philippin, vùng biển này chiếm 1/3 toàn bộ đa dạng sinh học biển thế giới, vì vậy là vùng rất quan trọng đối với hệ sinh thái. Biển Việt Nam có hơn 2.000 loài cá, trong đó có gần 130 loài có giá trị kinh tế cao và hàng trăm loài được đưa vào Sách đỏ Việt Nam cũng như thế giới; 1.600 loài giáp xác, 2.500 loài thân mềm, cho khai thác 45.000 – 50.000 tấn rong biển… Bên cạnh ý nghĩa địa lý và sinh thái, Biển Đông còn có ý nghĩa kinh tế cực kỳ quan trọng. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (MARD): Năm 2010 đánh dấu sự được mùa toàn diện của ngành thủy sản, với tổng sản lượng đạt 5,2 triệu tấn. Giá trị sản xuất đạt 56.900 tỷ đồng, tăng 6,1% so với năm 2009, giá trị xuất khẩu đạt trên 5 tỷ USD, tăng 18% so với năm trước. Năm 2011, sản lượng khai thác xa bờ chiếm trên 40%; tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,1 tỷ USD. Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 của Đảng nêu mục tiêu phấn đấu đến 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53-55% GDP, 55-60% kim ngạch xuất khẩu cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của hàng triệu nhân dân, ngư dân vùng biển và ven biển… Trong khai thác tài nguyên biển còn phải kể đến khai thác dầu và khí tự nhiên thuộc thềm lục địa lãnh thổ.

Từ chỗ sống nhờ vào biển, Việt Nam đã vươn mình lên làm chủ tài nguyên, biết phát huy lợi thế về thủy sản để phát triển đất nước… Sự kết hợp của vị trí địa lý - kinh tế rất thuận lợi với đường lối phát triển biển hợp lý trong những năm qua, Việt Nam đã và đang phát huy vị thế một quốc gia biển, đảm bảo một nền kinh tế ổn định và thịnh vượng.

Vị trí địa - chính trị giữ vai trò quan trọng

Biển, đảo của Việt Nam có vị trí hết sức quan trọng. Quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) với nhóm khoảng 30 đảo, bãi san hô và mỏm đá ngầm nhỏ ở Biển Đông; Trường Sa (Spratly Islands) là nhóm gần 100 đảo đá ngầm, đảo nhỏ… và thềm lục địa phía nam có vị trí tiền tiêu, tạo thành vòng cung án ngữ bảo vệ Tổ quốc ở phía đông. Trong lịch sử 14 cuộc chiến tranh với nước ngoài thì có đến 10 cuộc xâm lược bằng đường biển.

Đất nước ổn định, kinh tế phát triển thì chúng ta có điều kiện tăng cường sức mạnh phòng thủ của đất nước từ hướng biển. Muốn vậy cần sự phối hợp một cách toàn diện, thống nhất giữa các ban, bộ, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị, thực hiện có hiệu quả các chương trình liên quan đến biển, đặc biệt sự gắn kết giữa phát triển kinh tế với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Có quốc phòng, an ninh vững mạnh, ngư dân mới ra biển đánh bắt hải sản. Ngược lại, kinh tế phát triển thì mới có điều kiện tăng cường quốc phòng, an ninh. Trong quá trình này, kinh tế và quốc phòng kết hợp chặt chẽ. Quốc phòng trên biển mạnh sẽ là chỗ dựa cho ngư dân, các lực lượng ra biển khai thác hải sản.

Định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội

Theo tinh thần Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, chúng ta cần đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về tài nguyên biển và bảo vệ môi trường biển; phát triển khoa học – công nghệ biển; xây dựng kết cấu hạ tầng biển gắn với phát triển mạnh các ngành dịch vụ; xây dựng tuyến đường ven biển, trong đó, có một số đoạn cao tốc và các tuyến vận tải cao tốc trên biển, hình thành một số lĩnh vực kinh tế mạnh gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế để ra biển, làm động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Tăng cường khả năng quốc phòng, an ninh trên biển, khả năng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và phòng, chống thiên tai. Nâng cao đời sống dân cư vùng ven biển, trên các đảo và những người hoạt động trên biển. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước và quan hệ quốc tế về biển, đảo.

Đến năm 2020, phát triển thành công, có bước đột phá về kinh tế biển, ven biển như sau: (1) khai thác, chế biến dầu, khí; (2) kinh tế hàng hải; (3) khai thác và chế biến hải sản; (4) du lịch biển và kinh tế hải đảo; (5) xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển.

Sau năm 2020, thứ tự phát triển kinh tế biển có sự thay đổi: (1) kinh tế hàng hải; (2) khai thác chế biến dầu, khí và các loại khoáng sản; (3) khai thác và chế biến hải sản; (4) du lịch biển và kinh tế hải đảo; (5) các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển. Trước mắt, tập trung đầu tư phát triển du lịch biển, xây dựng cảng biển, phát triển công nghiệp đóng tàu, xây dựng đội tàu mạnh, phát triển những ngành dịch vụ mũi nhọn như vận tải biển, các khu kinh tế ven biển; tạo điều kiện cần thiết bảo đảm an ninh, an toàn cho những người dân hoạt động trên biển, đảo, người dân sinh sống ở những vùng thường bị thiên tai, đồng thời, xây dựng các cơ sở bảo vệ môi trường biển.

Định hướng chiến lược quốc phòng, an ninh và đối ngoại

Nhiệm vụ cơ bản, lâu dài và xuyên suốt là xác lập chủ quyền đầy đủ, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán vùng biển, thềm lục địa, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các quần đảo, đảo khác thuộc chủ quyền của nước ta. Nhiệm vụ trước mắt là phải bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và lợi ích quốc gia trên vùng biển, đảo, duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển.

Phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, vùng trời của Tổ quốc.

Kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.

Phát triển kinh tế biển gắn liền với quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.

Xây dựng lực lượng vũ trang, nòng cốt là Hải quân, Không quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Dân quân tự vệ biển mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất và khai thác tài nguyên biển. Sớm xây dựng chính sách đặc biệt để thu hút và khuyến khích mạnh mẽ nhân dân ra đảo định cư lâu dài và làm ăn dài ngày trên biển, vừa phát triển kinh tế vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.

Các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông

Trên cơ sở Công ước Luật biển năm 1982, Việt Nam đã quy định phạm vi và chế độ pháp lý của các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam thông qua các Tuyên bố của Chính phủ ngày 12 – 5 – 1977 về lãnh hải, vùng biển tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, và ngày 12 – 11 - 1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Ngoài ra, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc, Nhà nước ta đã ban hành một loạt các văn bản pháp quy liên quan như Bộ luật hàng hải (1990), Luật dầu khí (1993), Luật tài nguyên nước (1998), Luật bảo vệ môi trường (1993), Luật biên giới quốc gia (2003), Luật thủy sản và nhiều pháp lệnh, nghị định khác.

a, Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam gồm 10 đoạn thẳng nối các vị trí như sau:

Điểm số 0 nằm trên ranh giới phía tây nam của vùng nước lịch sử của Việt Nam và Campuchia;

Điểm A1 tại Hòn Nhạn, quần đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang;

Điểm A2 tại Hòn Đá Lẻ ở đông nam Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau;

Điểm A3 tại Hòn Tài Lớn, Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu;

Điểm A4 tại Hòn Bông Lang, Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu;

Điểm A5 tại Hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu;

Điểm A6 tại Hòn Hải (nhóm đảo Phú Quý), tỉnh Bình Thuận;

Điểm A7 tại Hòn Đôi, tỉnh Khánh Hòa;

Điểm A8 tại Mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên;

Điểm A9 tại Hòn Ông Căn, tỉnh Bình Định;

Điểm A10 tại Hòn Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi;

Điểm A11 tại đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị.

b, Đường nội thủy của Việt Nam là vùng biển nằm bên trong đường cơ sở của Việt Nam. Ở đó, Nhà nước Việt Nam thực hiện chủ quyền tuyệt đối như ở các vùng nước nằm trong đất liền của ta. Tàu bay và tàu thuyền nước ngoài chỉ được phép bay vào vùng trời và đi vào nội thủy nước ta khi được Chính phủ Việt Nam cho phép. Nhà nước Việt Nam thực hiện chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối với mọi loại tài nguyên thiên nhiên ở vùng nước nội thủy Việt Nam.

c, Lãnh hải của Việt Nam là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý ở phía ngoài đường cơ sở của ta. Nhà nước Việt Nam có chủ quyền đối với vùng lãnh hải của mình, trong đó chủ quyền đối với vùng trời trên lãnh hải mang tính tuyệt đối (máy bay nước ngoài chỉ được phép bay vào vùng trời khi được phép của Chính phủ Việt Nam), chủ quyền đối với đáy biển và tài nguyên thiên nhiên ở vùng lãnh hải cũng tuyệt đối, còn chủ quyền đối với vùng nước lãnh hải là tương đối (tàu thuyền nước ngoài được quyền qua lại không gây hại ở vùng lãnh hải).

d, Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vùng biển tiếp liền lãnh hải Việt Nam và có chiều rộng 188 hải lý (lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của ta tạo thành vùng biển 200 hải lý kể từ đường cơ sở). Nhà nướcViệt Nam có quyền chủ quyền hoàn toàn đối với việc thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, chủ yếu là tài nguyên cá ở vùng đặc quyền kinh tế của nình. Tổ chức và cá nhân nước ngoài chỉ được phép đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam khi được phép của Chính phủ Việt Nam.

Vùng tiếp giáp lãnh hải của nước ta có chiều rộng 12 hải lý. Ở vùng này, Chính phủ Việt Nam có quyền thực hiện sự kiểm soát cần thiết nhằm bảo vệ an ninh, các quyền lợi về hải quan, thuế khóa, bảo đảm sự tôn trọng các quy định về y tế, di cư, nhập cư trong lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam.
 
đ, Thềm lục địa của Việt Nam là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ở phía ngoài đường cơ sở của ta và có chiều rộng tối thiểu là 200 hải lý kể từ đường cơ sở của Việt Nam. Thực hiện quyền của một quốc gia ven biển được quy định trong Công ước Luật biển năm 1982, tháng 3 – 2009 Nhà nước ta đã trình Liên hiệp quốc hai báo cáo quốc gia xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa quá 200 hải lý (khu vực ở nam Biển Đông nước ta phối hợp với Malaixia). Trong vùng thềm lục địa, Nhà nước Việt Nam có quyền chủ quyền hoàn toàn và mang tímh đặc quyền đối với việc thăm dò khai thác, bảo vệ và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Chủ trương của Việt Nam

Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, trong vấn đề Biển Đông, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là:

a, Khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình nhằm tạo môi trường quốc tế thuận lợi nhất cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì chủ trương giải quyết các tranh chấp liên quan đến Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Chủ trương này hoàn toàn phù hợp các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc, Tuyên bố năm 1970 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc về quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, trên cơ sở Công ước của Liên hiệp quốc vê Luật biển năm 1982 và cam kết theo Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC) năm 2002.

b, Trong vấn đề liên quan Biển Đông, chúng ta quyết tâm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích chính đáng trên biển. Với tinh thần đó, tiếp tục tiến hành các hoạt động bình thường tại các vùng biển thuộc chủ quyền theo đúng các quy định của Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982. Việt Nam kiên quyết đấu tranh với các vụ việc nước ngoài vi phạm chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa. Việt Nam nghiêm ngặt tuân thủ Công ước Luật biển năm 1982, các cam kết nêu trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và yêu cầu các bên tuân thủ các cam kết trong văn kiện này. Đồng thời, sẵn sàng cùng Trung Quốc và các nước liên quan khác tìm kiếm và triển khai các hoạt động hợp tác ở Biển Đông trong các lĩnh vực ít nhạy cảm như an toàn hàng hải; cứu nạn, cứu trợ trên biển; nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển; chống tội phạm trên biển…

c, Chủ trương nhất quán của Việt Nam là hết sức coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc cũng như quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng khác. Giữa Việt Nam và một số nước láng giềng còn có những bất đồng liên quan biên giới, lãnh thổ; liên quan các vùng biển và chủ quyền. Chúng ta chủ trương thông qua thương lượng hòa bình, giải quyết thỏa đáng những vấn đề nảy sinh trên biển, kể cả các tranh chấp về chủ quyền đối với các đảo, không để các tranh chấp ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước liên quan. Trên tinh thần đó, trong thời gian tới Việt Nam tiếp tục tiến hành đàm phán với Trung Quốc và các nước liên quan để giải quyết các bất đồng và phân định ranh giới biển còn tồn tại.

d, Nhằm phát triển kinh tế biển phục vụ yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta cần nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước, tăng cường tiềm lực an ninh, quốc phòng, nghiên cứu khoa học, thăm dò, khai thác, nuôi trồng và bảo vệ tài nguyên biển, phát triển hệ thống giao thông biển. Mặt khác, cần nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực cơ hội, cực đoan, thù địch lợi dụng bất đồng về chủ quyền lãnh thổ giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước liên quan để kích động chia rẽ quan hệ quốc tế của Việt Nam, nhất là quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; công kích, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.

TS