Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa (tiếp theo)

06:05, 18/05/2014

Trong lịch sử Việt Nam cho thấy từ năm 1427 Lê Lợi đã đánh thắng quân Minh (Trung Quốc) để giành lại chủ quyền cho nước Đại Việt bị vua Minh Thành Tổ (Trung Quốc) chiếm đoạt gần 20 năm trước đó (1407)...

[links()] Trong lịch sử Việt Nam cho thấy từ năm 1427 Lê Lợi đã đánh thắng quân Minh (Trung Quốc) để giành lại chủ quyền cho nước Đại Việt bị vua Minh Thành Tổ (Trung Quốc) chiếm đoạt gần 20 năm trước đó (1407). Còn trong cuốn Đại Thanh Nhất Thống Toàn Đồ, của Trung Quốc thời ấy còn ghi rõ: “… đảo nhỏ ở phía dưới là Hải Nam, gần đó bên trái là Giao Chỉ, đảo lớn hơn bên phải là Đài Loan…”.
 
Âm Linh tự trên đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi, nơi thờ mộ lính thời Nguyễn ra canh giữ Hoàng Sa. Ảnh: Thanh Đạm
Âm Linh tự trên đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi, nơi thờ mộ lính thời Nguyễn ra canh giữ Hoàng Sa.
Ảnh: Thanh Đạm
 
Theo bản đồ Hoàng Thanh Nhất Thống Dư Địa Bản Đồ do triều đình nhà Thanh ấn hành năm 1894 thì đến cuối thế kỷ XIX “lãnh thổ biên giới của Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam là chấm hết”. Bước qua thế kỷ XX, sự kiện này còn được xác nhận lại trong cuốn Trung Quốc Địa Lý Học Giáo Khoa Thư, xuất bản năm 1906 có đoạn viết như sau: “Điểm cực nam của Trung Quốc là bờ biển Châu Nhai thuộc quận Quỳnh Châu (Hải Nam - Trung Quốc), tại vĩ tuyến 18”. Các quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ thuộc đảo Hải Nam kéo dài tới vĩ tuyến 18. Trong khi quần đảo Hoàng Sa lại nằm về phía nam, từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 15 (thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị đến tỉnh Quảng Ngãi) và quần đảo Trường Sa nằm ở vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 8 (từ Cam Ranh đến Cà Mau). 
 
Trong bản đồ Đại Thanh Đế Quốc do triều đình nhà Thanh ấn hành cũng có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (hoặc theo cách gọi của Trung Quốc hiện nay là Tây Sa, Nam Sa, Vĩnh Lạc, Tuyên Đức…). Hơn nữa, trong bộ Hải Quốc Đồ Ký, cuốn Hải Lục của Vương Bỉnh Nam (1820-1842) lại ghi rằng: “Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) là dải cát dài nằm ngoài biển được dùng làm phên dậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam”. Như vậy, tư liệu này của Trung Quốc một lần nữa đã xác nhận rõ hai quần đảo Hoàng Sa chính là lãnh thổ trên biển của Việt Nam. 
 
Trong bộ sách địa lý Đại Thanh Nhất Thống Chí do Quốc Sử Quán đời nhà Thanh biên soạn năm 1842, với lời tựa của hoàng đế Thanh Tuyên Tông, cũng không có chỗ nào ghi Trường Sa, Hoàng Sa, hay Tây Sa, Nam Sa cả. 
 
Theo cuốn chính sử Hải Quốc Văn Kiến Lục của Trần Luân Quýnh (1744), thì các vùng lãnh hải Việt Nam tại biển Đông được ghi bằng các danh xưng như Việt Hải hoặc Việt Dương. Đặc biệt là trong vụ ngư dân đảo Hải Nam đi cướp tàu chở đồng của người Anh bị đắm tại khu vực quần đảo Hoàng Sa những năm 1895-1896, để trả lời văn thư phản kháng của Chính phủ Vương quốc Anh, Tổng đốc Lưỡng Quảng (Trung Quốc) thời ấy đã gửi văn thư phủ nhận trách nhiệm với lý do nêu ra là:…
 
(còn nữa)
 
Nguyễn Tấn Tuấn (tổng hợp)