Khó thoát “tiêu dùng thụ động”

YÊN MINH 06:41, 12/01/2023

5 thùng trứng gà non, 430 thùng chân gà, 5 thùng chả cốm, 17 thùng xúc xích, 105 thùng thịt bò, 30 thùng thịt heo và 80 thùng cánh gà là số thực phẩm mà Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện, bắt giữ vào ngày cuối tháng 12/2022 vì không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cho dù thông tin mới chỉ dừng lại ở việc không rõ nguồn gốc và xuất xứ, nhưng điều này làm cho người tiêu dùng không khỏi băn khoăn vì nếu không bị giữ lại, liệu những sản phẩm này sẽ “rơi” vào “bị’ của ai và lên mâm trong những bữa cơm nào, có rủi ro nào xảy ra sau đó? 

Thật ra, việc thực phẩm không xuất xứ kiểu này cũng đâu còn là chuyện lạ! Bắt giữ lại, tiêu hủy là cách mà các cơ quan chức năng mang đến an toàn cho người dân. Vấn đề là trên thị trường trôi nổi, không ai biết có bao nhiêu thực phẩm không rõ nguồn gốc như thế đang được lưu thông? Dĩ nhiên là cũng không thể thống kê được các con số mà các cơ quan chức năng của các địa phương trên toàn quốc giữ lại chiếm tỷ lệ bao nhiêu %. Nhưng quả là một con số nhức nhối khi chúng ta gõ “bắt giữ thực phẩm bẩn” sẽ có ngay trong 32 giây 67.400.000 kết quả. Thông điệp mà điều này cảnh báo, chắc chắn là ở chỗ việc lưu thông nguồn thực phẩm này đã trở thành thường xuyên, nếu không nói là phổ biến nữa. 

Người tiêu dùng chắc cũng không thể quên những tháng cuối năm với loạt bài rau không sạch núp bóng rau sạch vào siêu thị trên Báo Tuổi trẻ. Chuyện được khoanh vùng với vùng rau cụ thể, đối tượng cụ thể nhưng cảnh báo về vấn nạn này, có thể đã, vẫn và đang tiếp tục xảy ra ở đâu đó? Sự việc này đồng thời cũng cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng vào hệ thống phân phối có thương hiệu bị vơi vớt, thậm chí là hủy hoại. Cái “ức” của người tiêu dùng là ở chỗ, họ không chỉ bị đánh tráo lòng tin mà còn bị thiệt hại bởi chính lòng tin về một nguồn thực phẩm sạch. Cũng chưa có ai xác định rõ rằng, rau không sạch/thực phẩm không sạch ấy liệu có an toàn?

Lâu nay, chúng ta đã quen thuộc với khuyến cáo “hãy là người tiêu dùng thông thái”, nhưng câu hỏi ở đây là, có phải chúng ta đang cố tỏ ra thông thái, tìm cách để thông thái kiểu được chừng nào hay chừng đó, hay đang là những người tiêu dùng thụ động? Chúng tôi đặt câu hỏi này bởi lẽ, dù có cố gắng và cần mẫn thế nào đi chăng nữa, những người có mảnh vườn, tự nuôi trồng lương thực, thực phẩm sạch cho mình, gia đình mình cũng chỉ là một tỷ lệ nhỏ. Câu chuyện nhà nông để lại mảng vườn rau cằn, rau sâu… để tiêu thụ cho gia đình từ lâu đã cho thấy những điều trái khoáy. Vấn đề là ở mạng lưới bán lẻ với sự phức hợp và đa dạng của nó, gần như vẫn chưa tạo dựng được một niềm tin tưởng đối về sự sạch, an toàn. Người tiêu dùng vẫn đang mua hàng hóa, lương thực, thực phẩm bằng những gì mà mình tin tưởng.

Thực ra, “thụ động” là từ chỉ trạng thái chịu sự chi phối và tác động của bên ngoài mà không hề có phản ứng tích cực nào trở lại. Nói người tiêu dùng thụ động, e hơi quá nhưng liệu họ sẽ có những phản ứng một cách tích cực nào trở lại, khi mà họ chỉ là người mua và sử dụng các sản phẩm trên thị trường? Liệu tẩy chay thương hiệu này sẽ có thương hiệu khác thay thế tốt tuyệt đối hơn? Ai sẽ là người kiểm chứng được nguồn hàng nếu như một đơn vị nào đó vì doanh lợi mà có hành vi xấu?

Thực ra, không phải tất cả đều xấu, quan trọng là người tiêu dùng biết cách để ý và biết cách truy xuất nguồn thực phẩm, lương thực, biết cách quan tâm đến hoạt động của một thương hiệu khi họ xem chữ tín là một đối trọng cho sự phát triển lâu dài. 

Không mấy ngày nữa là Tết, thị trường đã bắt đầu chộn rộn rồi, nên để không va phải những sản phẩm lỗi, giả, không an toàn và ẩn họa nguy cơ mà các cơ quan chức trách đã cảnh báo…, sự cẩn trọng là điều mà người tiêu dùng cần có khi lựa chọn hàng hóa trong các giỏ hàng của mình.