(LĐ online) - Sáng 6/1, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023 của ngành thanh tra.
Toàn cảnh hội nghị |
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chủ trì hội nghị tại điểm cầu Chính phủ kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Tại đầu cầu Lâm Đồng, đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Ngọc Ánh – Chánh Thanh tra tỉnh chủ trì hội nghị.
Báo cáo tổng kết công tác năm 2022 tại hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm khẳng định: Năm 2022, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm chủ động, linh hoạt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả theo đúng định hướng, chương trình, kế hoạch và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù khối lượng công việc nhiều, trong đó có nhiều nhiệm vụ giao đột xuất nhưng Thanh tra Chính phủ và toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu, triển khai và hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Tại hội nghị, các đại biểu ở điểm cầu Thanh tra Chính phủ và các tỉnh, thành phố đã thảo luận, đánh giá rõ nét hơn những ưu điểm, kết quả của công tác thanh tra năm 2022.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, ngành thanh tra đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cùng với ghi nhận, biểu dương những kết quả nổi bật mà Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra đã đạt được trong năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như tiếp tục quan tâm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung thực hiện các quy định của Luật Thanh tra năm 2022 bằng việc tham mưu ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn để áp dụng thực hiện…
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2026, chính vì vậ,y đề nghị ngành thanh tra và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ để tạo được sự chuyển động mạnh mẽ, tích cực và toàn diện hơn.
Theo đó, năm 2023, ngành thanh tra cần tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ; trong đó, ngành tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả Luật Thanh tra (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2023, khẩn trương trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn, đảm bảo có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật. Đồng thời, tập trung thanh tra vào những ngành, lĩnh vực nhạy cảm; những khâu, lĩnh vực được dư luận quan tâm để kịp thời phát hiện các sai phạm. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, khiếu nại tố cáo, không để xảy ra những điểm nóng, các vụ việc kéo dài, tập trung đông người, khiếu nại vượt cấp…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin