Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh lớp học là tâm huyết, tinh thần trách nhiệm và tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự dày công chuẩn bị của các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là Ban Tổ chức Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại lễ khai giảng |
Chiều 5/2 tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Cùng dự có các ủy viên Bộ Chính trị: Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo lớp học; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo lớp học.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ khai giảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu rõ, Đảng ta đã xác định cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả; đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững. Phát huy kết quả của các lớp đào tạo vừa qua, Ban Bí thư quyết định mở lớp bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao kiến thức cho 20 ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII với nhiều đổi mới về nội dung chương trình, tổ chức lớp học.
Là những cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, giữ trọng trách quan trọng trong các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu, để hoàn thành tốt chương trình lớp học, các học viên cần khắc phục mọi khó khăn, phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy chế, các quy định của Học viện, học tập một cách chủ động và sáng tạo, hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
"Tôi mong rằng, tại lớp học này, các đồng chí cần hết sức coi trọng việc trao đổi, thảo luận những chuyên đề được học để nhận thức rõ ràng và sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra; chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của các đồng chí. Bên cạnh đó, đóng góp ý kiến cho nội dung chương trình cũng như cách thức tổ chức lớp học để điều chỉnh, bổ sung đối với các lớp sau này", đồng chí Võ Văn Thưởng nói.
Nhấn mạnh lớp học là tâm huyết, tinh thần trách nhiệm và tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự dày công chuẩn bị của các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là Ban Tổ chức Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Các đồng chí học viên là những cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao, lực lượng hậu bị đặc biệt quan trọng của Đảng, Nhà nước, thực sự tiêu biểu về mọi mặt, đang tràn đầy ý chí phấn đấu vươn lên. Trong điều kiện như vậy, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tin tưởng, lớp học sẽ hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Sau khi kết thúc lớp học, các học viên sẽ vững vàng hơn, chín chắn và trưởng thành về mọi mặt đặc biệt là về mặt chính trị.
Theo Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra từ ngày 6/2 đến ngày 20/3/2023). Nội dung chương trình được xây dựng rất công phu, khung chương trình được thống nhất, thảo luận nhiều vòng gồm 29 chuyên đề bao quát nhiều nội dung quan trọng, gắn với những vấn đề căn bản, cốt lõi trong Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XIII về xây dựng Đảng và Nhà nước, về phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, con người Việt Nam; về an ninh, quốc phòng và đối ngoại; về khoa học lãnh đạo, quản lý trong bối cảnh mới.
Nhiều nhà lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, quản lý cấp cao của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành trực tiếp tham gia biên soạn và giảng dạy, trao đổi, thảo luận với các học viên. Bên cạnh đó, chương trình còn có các chuyên đề bổ trợ về kinh nghiệm quốc tế, do các chuyên gia nước ngoài trình bày. Tất cả các chuyên đề trong chương trình bồi dưỡng đều được bố trí thời gian thảo luận; cùng với việc nghiên cứu thực tế kéo dài 5 ngày tại một số địa phương ở Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An).
Theo dangcongsan.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin