Những năm qua, các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tỉnh đã triển khai thực hiện công tác dân vận, dân chủ đạt nhiều kết quả. Từ đó, công tác dân vận chính quyền đã có những chuyển biến tích cực và lan tỏa mạnh mẽ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Người dân đến giao dịch tại Bộ phận Một cửa huyện Lâm Hà |
Theo đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh ủy, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị trong tỉnh đã được tăng cường, có những đổi mới, đạt được những kết quả tích cực. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm hơn đến công tác dân vận. Sự phối hợp giữa Ban Dân vận các cấp với chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội gắn bó, chặt chẽ, đem lại những kết quả thiết thực. Chính quyền các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dân vận. Tuy nhiên, công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp vẫn còn một số hạn chế như: Việc thực hiện công tác dân vận ở một số nơi chưa thường xuyên, kịp thời, hiệu quả thấp. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhận thức chưa đầy đủ về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận. Sự phối hợp giữa một số cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; một số nơi còn tư tưởng xem nhẹ công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp.
Để thực hiện tốt công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp, tăng cường đổi mới, tạo sự chuyển biến từ nhận thức về công tác dân vận trong tình hình mới, Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới. Cùng với đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy cũng phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định quy định tiêu chí, thang điểm và phương pháp đánh giá công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, Ban Dân vận Tỉnh ủy đều phối hợp với UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện công tác dân vận chính quyền. Theo đó, các sở, ban, ngành và địa phương đã xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện phù hợp với tình hình, nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương mình. Cuối năm, hầu hết các sở, ban, ngành, địa phương đều tự chấm điểm công tác dân vận chính quyền. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức kiểm tra, chấm điểm, đánh giá, tham mưu UBND tỉnh quyết định phân loại công tác dân vận chính quyền hàng năm.
Thời gian qua, các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tỉnh đã triển khai thực hiện công tác dân vận, dân chủ đạt nhiều kết quả. Nổi bật như, việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đạt 100%; ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách TTHC góp phần tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; nhiều TTHC đã được áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, thực hiện theo cơ chế một cửa và một cửa điện tử, đảm bảo việc theo dõi và kiểm soát quá trình giải quyết được chính xác. Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã triển khai được 47 dịch vụ công toàn trình và 49 dịch vụ công một phần. Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến và thí điểm giải quyết TTHC thông qua dịch vụ bưu chính công ích đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp giảm thiểu thời gian, tiết kiệm kinh phí cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường tính công khai, minh bạch, góp phần cải thiện nhanh các chỉ số PCI, PAPI của tỉnh, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, việc giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị của Nhân dân được các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước quan tâm, chú trọng; thông qua việc tiếp xúc đối thoại trực tiếp với Nhân dân nhằm tuyên truyền, vận động, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc ở cơ sở, không để hình thành “điểm nóng” như đối thoại về bồi thường, giải phóng mặt bằng, những vấn đề được Nhân dân quan tâm liên quan đến đất đai, ô nhiễm môi trường, chế độ, chính sách... Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở từng bước đi vào nền nếp, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh đã quan tâm đến việc xây dựng, ban hành, thiết lập hệ thống quy chế cơ quan, đơn vị. Qua đó, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo, trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đồng chí Lê Minh Quang - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, để công tác dân vận chính quyền tiếp tục đạt kết quả và có sức lan tỏa mạnh mẽ, cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng. Ban Dân vận cấp ủy phải chủ động nghiên cứu, kịp thời tham mưu cho cấp ủy ban hành văn bản để chỉ đạo; phối hợp với UBND ban hành các văn bản triển khai thực hiện công tác dân vận chính quyền; hướng dẫn cấp ủy cơ sở xây dựng nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện; chú trọng kiểm tra, đánh giá công tác dân vận chính quyền. Cùng với đó là cần tập trung cho công tác tập huấn, tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin