Đề cương văn hóa Việt Nam khai sáng, mở đường cho văn hóa phát triển

VĂN NHÂN 14:56, 27/02/2023

(LĐ online) - Ra đời cách đây 80 năm, Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 được xem là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa; có ý nghĩa khai sáng, mở đường cho văn hóa Việt Nam phát triển và “soi đường cho quốc dân đi”. Mặc dù còn ở dạng đề cương, nhưng đã có vai trò to lớn và định hướng xuyên suốt hoạt động trên mặt trận văn hóa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM CƯƠNG LĨNH ĐẦU TIÊN CỦA ĐẢNG VỀ VĂN HÓA
Những năm 40 thế kỷ XX, lúc cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2 đang đi gần tới kết thúc, tình hình đất nước Việt nam hết sức rối ren. Phát xít Nhật xâm chiếm Đông Dương, cùng thực dân Pháp cấu kết với bè lũ tay sai, dùng các thủ đoạn thâm độc hòng trói buộc văn hóa, thậm chí giết chết tiền đồ của nền văn hóa Việt Nam; trong khi đó một bộ phận tầng lớp trí thức tỏ ra chán nản, bi quan, thờ ơ với thời cuộc, số khác hoang mang, mất phương hướng, lại thiếu ngọn đèn dẫn lối về tư tưởng. Đời sống tinh thần của dân tộc khi đó bị bao phủ một bầu không khí vô cùng ảm đạm… Trước tình thế gay go, căng thẳng đó, để có một sự thay đổi mang tính đột phá, định hướng về tư tưởng văn hóa, từ ngày 25 đến ngày 28/2/1943, tại thôn Võng Ba, huyện Đông Anh, Hà Nội, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp và thông qua “Đề cương Văn hóa Việt Nam” do đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng khởi thảo. Đề cương Văn hóa ra đời đã kịp thời đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử.
Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 gồm 5 phần: “Cách đặt vấn đề”; “Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam”; “Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp”; “Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam”; “Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mácxít Đông Dương và nhất là của những nhà văn hóa Mácxít Việt Nam”. Đề cương được trình bày một cách ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn đảm bảo hệ thống các quan niệm, phạm trù, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc, với phương pháp tiếp cận cách mạng, khoa học.
Ra đời trong bối cảnh đặc biệt như vậy, Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 có tác dụng thực tế như là một bộ phận bổ sung cho Chính cương, Sách lược vắn tắt - những cương lĩnh quan trọng đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam; do đó đã đi vào lịch sử dân tộc với tư cách là Cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng ta. Và với “Đề cương Văn hoá Việt Nam năm 1943”, Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự xác định vững chắc vị trí, tư thế của mình trong lòng dân tộc, một dân tộc từng có “ngàn năm văn hiến”.
ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM KHAI SÁNG, MỞ ĐƯỜNG CHO VĂN HÓA VIỆT NAM PHÁT TRIỂN
Nội dung cơ bản của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943: Xác định phạm vi văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật, mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị và thái độ của Đảng Cộng sản Đông Dương; Phân tích lịch sử, tính chất văn hóa Việt nam từ trước đến năm 1943 và chỉ rõ nguy cơ của văn hóa Việt nam dưới ách phát xít Nhật - Pháp, từ đó nêu lên hai ức thuyết về tiền đồ văn hoá Việt Nam: (i) văn hóa phát xít thắng thì văn hóa dân tộc Việt Nam nghèo nàn thấp kém, (ii) văn hoá dân tộc Việt Nam được cởi mở xiềng xích thì sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới và khẳng định: “cách mạng dân tộc Việt Nam nhất quyết sẽ làm cho ức thuyết thứ hai trở nên thực sự”; Cụ thể hóa quan điểm của Đảng, trong đó xác định rõ mối quan hệ giữa cách mạng văn hóa Việt Nam và cách mạng dân tộc giải phóng, nêu lên ba nguyên tắc vận động “Dân tộc hóa - Đại chúng hóa - Khoa học hóa” và phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo; Đề ra nhiệm vụ cần kíp (chương trình hành động) với mục tiêu trước mắt là chống lại văn hoá phát xít, phong kiến, phản tiến bộ, chống nô dịch văn hoá, đồng thời phát huy “văn hoá tân dân chủ”... Nội dung Đề cương Văn hóa Việt Nam đã toát lên tư tưởng xuyên suốt là vấn đề về văn hóa giải phóng và giải phóng văn hóa Việt Nam khỏi xiềng xích của văn hóa trung cổ và nô dịch, để xây dựng một nền văn hóa mới, văn hóa vô sản, văn hóa XHCN.
Có thể nói, trong lịch sử đất nước Việt Nam cho đến thời điểm lúc bấy giờ (1943), chưa có thể chế, tổ chức chính trị hay nhà nghiên cứu nào đưa ra được những luận điểm tiến bộ như Đề cương Văn hoá Việt Nam, do đó có sức thu hút rất lớn. Vì vậy, sau khi Đề cương được ban hành, những người cộng sản và các nhà văn hoá, trí thức yêu nước đã tin tưởng, nhiệt tình ủng hộ, tổ chức nhiều cuộc vận động xây dựng nền văn hóa mới; nhiều tổ chức văn hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng lần lượt ra đời.
Sự ra đời của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 cho thấy: (i) Đảng ta ngay từ đầu đã nhận rõ vai trò to lớn của cuộc cách mạng văn hóa nên có sự quan tâm đặc biệt; sáng suốt nắm bắt tình hình và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về văn hóa vô sản, văn hóa XHCN vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta; tiếp nối và phát triển tư tưởng văn hóa được Nguyễn Ái Quốc đưa ra từ trước đó. (ii) Tính chất cách mạng, thái độ nhất quán và những nguyên tắc của Đảng về một nền văn hóa mới được nêu lên trong Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 tuy chưa được xác lập trên thực tế, chưa thật rõ hình hài cụ thể, mà chỉ là những định hướng ban đầu nhưng cái mới đã hé lộ và tràn đầy sức sống, đáp ứng được những yêu cầu của cuộc cách mạng xã hội vì dân tộc, vì nhân dân. Chính vì thế mà tương lai của những tư tưởng lớn ấy, những định hướng ấy đã nhanh chóng bám rễ vào đời sống và chứng tỏ sự đúng đắn ngay từ buổi đầu. (iii) Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đem lại một không khí mới cho văn hóa Việt Nam. Sự khai phóng về tư tưởng văn hóa, đường hướng trở về với dân tộc, nhân dân và góc nhìn duy vật biện chứng, duy vật lịch sử đã đem lại một nhận thức mới, cảm hứng mới cho những người làm văn hóa, những trí thức đang muốn thay đổi, muốn tìm đường đi nhưng còn bế tắc chưa có lối thoát.
Trong bối cảnh văn hóa Việt Nam có tính chất “nửa phong kiến, nửa tư sản và hoàn toàn có tính cách thuộc địa” thống trị, sự ra đời của Đề cương Văn hoá với tính chất cách mạng, thái độ nhất quán và những nguyên tắc của Đảng về một nền văn hóa mới có thể coi là ngọn đuốc thần kỳ, soi đường, chỉ lối và định hướng tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa, văn nghệ cho toàn Đảng, toàn dân và cuộc đấu tranh cách mạng ở Việt Nam. Vì lẽ đó mà Đề cương Văn hoá Việt Nam được xem là gốc rễ, là cái nôi khai sinh, khai sáng, mở đường cho văn hóa Việt Nam phát triển. Chính từ cái “nguồn cội” ấy, nền “văn hóa, văn nghệ xã hội chủ nghĩa” ở nước ta đã đâm chồi, nảy lộc, không ngừng đâm hoa, kết trái, có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đúng như Đảng ta đánh giá: “Những phương pháp cải cách vǎn hoá đề ra bấy giờ chỉ là dọn đường cho cuộc cách mạng triệt để mai sau”, tức là chuẩn bị cho “cách mạng chính trị thành công”. 
Trải qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử, cách mạng văn hóa với tư cách một bộ phận không thể tách rời của cuộc cách mạng xã hội có vai trò then chốt, mở đường, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “văn hóa soi đường cho quốc dân đi, kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hóa kháng chiến”, qua đó góp phần to lớn vào thắng lợi chung của dân tộc. Điều đó càng cho thấy, Đề cương Văn hoá năm 1943 không chỉ là Cương lĩnh hành động cho một giai đoạn “cần kíp” của cách mạng mà còn là một Cương lĩnh văn hoá mang tầm chiến lược, một bộ phận cấu thành đường lối tiến hành công cuộc xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam. Đường lối đó luôn nhất quán, được Đảng ta vận dụng và phát triển cùng tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Sau báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, đường lối văn hóa đề ra từ Đề cương Văn hoá năm 1943 được Đảng ta không ngừng tiếp tục mở rộng, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện bằng hàng loạt các chủ trương, nghị quyết về văn hóa và văn nghệ. Trong thời kỳ đổi mới, với quan điểm xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) đã ra Nghị quyết số 03 “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết số 33 Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
80 năm qua, Đề cương Văn hóa luôn định hướng, là kim chỉ nam cho sư phát triển văn hóa Việt Nam. Hiện nay, mặc dù thực tế đã có nhiều thay đổi và nội dung, tính chất, nhiệm vụ, phương thức tổ chức, xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam thời hội nhập đã khác nhiều nhưng những định hướng cơ bản về tư tưởng, nội dung và nguyên tắc của nền văn hóa mới nêu ra từ Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 vẫn còn nguyên giá trị lý luận và tính thời đại sâu sắc, tiếp tục “soi đường cho quốc dân đi”, soi đường cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trên con đường hội nhập và phát triển. Đề cương Văn hóa không chỉ là lý trí, là đường lối chủ trương chung, mà còn là tình cảm, là hành động thực tiễn, là sợi dây liên kết giữa Đảng với dân tộc, nhân dân, là cầu nối giữa hiện tại với quá khứ và tương lai; do đó trở thành một nguồn nội lực to lớn của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 
Kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam, là dịp để chúng ta nhìn lại và đánh giá khách quan, đầy đủ hơn ý nghĩa, giá trị to lớn của bản Đề cương đối với công cuộc xây dựng văn hóa nước nhà, từ đó càng trân quý và ra sức giữ gìn, phát huy và phát triển trong giai đoạn mới; trong đó phải luôn kiên định nguyên tắc “Dân tộc hóa - Đại chúng hóa - Khoa học hóa”, nhằm góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, giàu bản sắc, tạo sức mạnh, nguồn lực nội sinh để xây dựng nước Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc.