(LĐ online) - Ngay trong quý I/2023, các bộ, ngành Trung ương phải khẩn trương hoàn tất việc ban hành văn bản hướng dẫn để tháo gỡ các khó khăn, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại các tỉnh Tây Nguyên.
Quang cảnh hội nghị |
Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại hội nghị trực tuyến với các tỉnh vùng Tây Nguyên về công tác thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, diễn ra ngày 10/2 tại tại tỉnh Gia Lai.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; lãnh đạo, đại diện các bộ, Ủy ban Dân tộc và lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng).
Chủ trì hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Lâm Đồng có đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đã ban hành tổng cộng 11 nghị quyết, 2 chỉ thị, 5 công điện, 4 thông báo kết luận và tổ chức 6 hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, gồm: Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp phát biểu tại hội nghị |
Báo cáo nêu rõ, giai đoạn 2021-2025, Trung ương giao tổng vốn đầu tư phát triển cho 5 tỉnh Tây Nguyên là trên 11.731 tỷ đồng, chiếm 11,73% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cho các địa phương trên cả nước. Riêng năm 2022, ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho vùng Tây Nguyên là 3.878,700 tỷ đồng (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển sang năm 2022), chiếm 11,38% tổng nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho toàn quốc, trong đó, vốn đầu tư phát triển là 2.801,213 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 1.077,484 tỷ đồng.
Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là 2 chương trình về Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số - miền núi. Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, các bộ, ngành liên quan đã thẳng thắn trao đổi nhiều ý kiến cũng như kiến nghị các giải pháp để tìm ra hướng tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp đã báo cáo sơ lược tình hình thực hiện kế hoạch vốn, chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 trên địa bàn tỉnh, trong đó đề cập một số khó khăn, vướng mắc liên quan. Để sớm tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Ủy ban Dân tộc sớm tham mưu, ban hành các quy định hướng dẫn để địa phương thực hiện do một số định mức ngân sách Trung ương chưa được quy định về quy trình, thủ tục, hồ sơ để hỗ trợ như các chương trình đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.
Bên cạnh đó, nguồn vốn sự nghiệp cần được phân bổ theo kế hoạch trung hạn để tạo điều kiện cho địa phương chủ động hơn trong việc tổ chức thực hiện. Ngoài ra, việc quy định HĐND cấp tỉnh quyết định tỷ lệ, số lượng dự án áp dụng cơ chế đặc thù làm phát sinh thủ tục hành chính. Do đó, tỉnh Lâm Đồng kiến nghị sửa đổi theo hướng giao UBND tỉnh quyết định để giảm bớt thủ tục, thuận lợi trong quá trình thực hiện...
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc mà các địa phương vùng Tây Nguyên đang gặp phải. Phó Thủ tướng nhấn mạnh 3 chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa rất lớn cho 5 tỉnh Tây Nguyên nhằm chăm lo cho những người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa để kéo gần sự chênh lệch giữa đô thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian để hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia không còn nhiều, các địa phương vùng Tây Nguyên cần phải tập trung triển khai và cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế cũng như bổ sung những vấn đề còn bất cập, còn thiếu. Ngay trong quý I/2023, các bộ, ngành Trung ương phải hoàn tất việc ban hành văn bản hướng dẫn, sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi những quy định không phù hợp theo thứ tự ưu tiên, bảo đảm hiệu quả, cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại các tỉnh Tây Nguyên.
Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương một số vấn đề, đối với các địa phương sử dụng, bố trí vốn các chương trình mục tiêu quốc gia chậm, chưa hợp lý, cần rút kinh nghiệm và nhanh chóng khắc phục; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát việc bố trí, sử dụng nguồn vốn sao cho hiệu quả, tránh dàn trải; khẩn trương hoàn thành công tác phân bổ, giao chi tiết kế hoạch vốn năm 2023. Các tỉnh phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, điều phối các sở, ngành khẩn trương hoàn tất những nhiệm vụ đã được phân cấp, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin