(LĐ online) - Chiều ngày 16/3, tiếp tục chương trình giám sát theo kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH Khoá XV tỉnh Lâm Đồng có buổi giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Chủ trì điều hành do ông Nguyễn Tạo – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH, ông Võ Ngọc Hiệp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng tham dự buổi giám sát có ĐBQH K’Nhiễu, Tiến sĩ – ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh cùng các thành viên đoàn giám sát, các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát và giải trình làm rõ một số nội dung thuộc thẩm quyền |
Đại diện sở Công thương đã báo cáo tóm tắt với đoàn về kết quả thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh, những bất cập, khó khăn và đề xuất, kiến nghị.
Theo đó, tỉnh đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan sớm tham mưu hoàn chỉnh các Dự thảo Luật và thông qua các Bộ luật: Điện lực, Năng lượng tái tạo, Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Đất đai… làm cơ sở cho các cấp triển khai thực hiện. Đối với Chính phủ, sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII (quy hoạch chậm phê duyệt sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng lưới điện không kịp thời gây quá tải, mất an toàn hệ thống). Đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành cơ chế cụ thể hóa về việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với thủ tục đầu tư các công trình năng lượng. Một số thủ tục hành chính hiện do các bộ, ngành Trung ương thực hiện (như điều chỉnh, bổ sung quy hoạch năng lượng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng...), đề nghị Chính phủ xem xét, rà soát phân cấp cho địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư dự án. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý dứt điểm các công trình năng lượng có chuyển đổi rừng tự nhiên để chủ dự án đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa công trình vào vận hành khai thác…
Lãnh đạo các sở, ngành báo cáo tại buổi giám sát |
Thành viên đoàn giám sát nêu câu hỏi, đặt vấn đề về một số nội dung: quản lý sử dụng điện mặt trời mái nhà có sử dụng diện tích rừng và thực hiện thay thế trồng rừng thế nào, việc quản lý sử dụng mặt nước tại một số dự án phát triển năng lượng tái tạo khác hiện nay ra sao… Đại diện các sở, ngành liên quan giải trình làm rõ một số nội dung đoàn nêu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp tiếp thu các ý kiến của Đoàn, đồng thời giải trình làm rõ thêm một số nội dung thuộc thẩm quyền.
Kết luận buổi làm việc, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo nhận định: Qua quá trình khảo sát, giám sát thực tế, Đoàn ĐBQH tỉnh nhận thấy, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về điện lực đã được ban hành khá lâu. Một số tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến các lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, điện mặt trời hầu hết phải tham chiếu các tiêu chuẩn quốc tế, chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; việc thiết kế và thẩm định công trình thủy điện còn áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công trình thủy lợi. Vì vậy, công tác thẩm định nói riêng và quản lý hoạt động xây dựng nói chung đối với các lĩnh vực điện lực, phát triển năng lượng đang gặp nhiều vướng mắc.
Việc quản lý điện mặt trời tại địa phương sơ hở, thiếu sót trong đầu tư, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, đánh giá tác động môi trường, mua bán điện, đấu nối vào lưới điện quốc gia. Hiện nay, các dự án điện mặt trời tại địa phương đều được thực hiện với công suất dưới 1MW. Thực tế cho thấy có sự lợi dụng chính sách trong việc phát triển điện mặt trời mái nhà, khi cùng là một chủ đầu tư tại khu vực, nhưng chia tách thành nhiều công ty, nhiều dự án để đảm bảo công suất dưới 1MW để được miễn các thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động điện lực. Tại các dự án được khảo sát cho thấy việc lắp đặt các hệ thống điện mặt trời trên đất nông nghiệp kết hợp phát triển trang trại tổng hợp, trồng trọt (theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT), tuy nhiên trên thực tế việc phát triển trang trại và trồng trọt không đem lại hiệu quả hay nói cách khác là đầu tư hệ thống điện mặt trời để bán điện còn mô hình trang trại chậm được triển khai); việc ký kết mua bán điện, đấu nối vào hệ thống điện phụ thuộc vào chủ đầu tư và công ty điện lực, công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương trong lĩnh vực này rất hạn chế.
Ông Nguyễn Tạo – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH kết luận buổi làm việc |
Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý phát triển hệ thống điện mặt trời, cụ thể đối với các Công ty Điện lực trước khi thỏa thuận đấu nối và ký kết hợp đồng mua bán điện phải phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện việc thỏa thuận đảm bảo quy hoạch sử dụng đất, tăng cường công tác báo cáo về việc đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời tại các địa phương; đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra việc đầu tư trang trại kết hợp điện mặt trời phải đảm bảo đúng mục đích kinh tế của trang trại. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban quản lý Khu công nghiệp tăng cường kiểm tra các đơn vị trong Khu công nghiệp cho thuê mái nhà để các đơn vị thứ 3 hoạt động dự án năng lượng mặt trời phải đảm bảo các điều kiện về xây dựng, phòng cháy chữa cháy và đánh giá tác động môi trường theo quy định.
Ngay sau giám sát, Đoàn ĐBQH sẽ tổng hợp, báo cáo và đề nghị Bộ Công thương sửa đổi, thay thế Thông tư số 43/2012/TT-BCT ngày 27/12/2012 của Bộ Công thương quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện vì không còn phù hợp với Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng. Sửa đổi, ban hành quy định, đơn giản thủ tục đấu nối mua bán điện của các dự án nguồn điện với các Tổng Công ty Điện lực miền, khu vực; hiện nay thủ tục đấu nối, mua bán điện đối với các đơn vị đầu tư nguồn điện còn nhiều phức tạp. Đối với Chính phủ, Đoàn sẽ kiến nghị xem xét việc ban hành giá sàn, giá trần trong mua bán điện đối với các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực năng lượng để đảm bảo tạo một cơ chế bình đẳng, hài hòa giữa các doanh nghiệp đầu tư chung một lĩnh vực về năng lượng.
Sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII (quy hoạch chậm phê duyệt sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng lưới điện không kịp thời gây quá tải, mất an toàn hệ thống). Tiếp tục ban hành cơ chế cụ thể hóa về việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với thủ tục đầu tư các công trình năng lượng như: điều chỉnh quy hoạch các dự án thủy điện, quy trình cấp phép sử dụng nước mặt, đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện vừa và nhỏ để các địa phương áp dụng, thực hiện.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin