(LĐ online) - 35 năm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988 - 14/3/2023), ngày 64 chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã ngã xuống, dùng máu giữ đảo, bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc. Hôm nay và mãi mãi sau này, những vòng tròn Gạc Ma sẽ mãi mãi bất tử. Linh hồn những người lính đã hóa thành bọt sóng, hiên ngang trên nền trời xanh, đồng hành cùng dân tộc trường tồn.
Cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân cùng đoàn nhà báo Trung ương và địa phương thực hiện nghi lễ tưởng niệm 64 anh hùng liệt sỹ hy sinh tại quần đảo Trường Sa năm 1988. Hôm nay và mãi mãi sau này, những vòng tròn Gạc Ma sẽ mãi mãi bất tử |
35 năm không thể nào quên. Những ngày bỏng cháy của năm 1988 đầy sóng gió. Ngày 14/3/1988, ngày Gạc Ma nổi sóng, ngày những người lính quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ngày hôm ấy, những người lính công binh, hải quân Việt Nam đã lấy máu mình giữ yên vùng biển Tổ quốc. Ngày hôm ấy, chiến đấu với quân thù được trang bị mạnh hơn về mọi mặt, những người lính đã dùng máu xương và cả tính mạng của mình để đổi lấy bình yên cho đất mẹ.
Ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã ngang nhiên và bất ngờ tấn công quân sự, đánh chiếm một số đảo của Việt Nam. Trong cuộc chiến không cân sức giữa cán bộ, chiến sỹ xây đảo trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh với những tàu chiến của Trung Quốc có trang bị vũ khí hiện đại, máu của những người lính Việt Nam đã đổ.
Cán bộ, chiến sỹ cùng đoàn nhà báo trên tàu HQ 996 thả hoa, hạc giấy xuống biển trong lễ tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh anh dũng |
Những cán bộ, thủy thủ tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125; cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 146, Trung đoàn Công binh 83 Hải quân đã chiến đấu hết mình. Họ vừa bảo vệ đảo, vừa cấp cứu đồng đội, vừa chiến đấu với kẻ địch có trang bị tốt hơn. Và, máu đã tràn trên bọt sóng Gạc Ma. 64 người lính đã vĩnh viễn nằm xuống trên biển quê hương. Nhưng Cô Lin, Len Đao đã được bảo vệ. Lá cờ đỏ với ngôi sao vàng vẫn tự hào tung bay trong nắng gió của biển đảo quê hương. Lá cờ ấy thấm màu máu, thấm niềm tin, thấm sự hy sinh của những người lính Việt anh hùng.
Và tấm gương hy sinh của 64 liệt sỹ Gạc Ma còn mãi như nhắn nhủ rằng, mỗi tấc đất, mỗi hòn đảo quê hương đã được giữ gìn bằng vô vàn giọt máu đào, bằng những hy sinh cao cả. Hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 chưa bao giờ quên lãng trong tim chúng ta, những người con đất Việt. Để chúng ta nhớ rằng, hòa bình hôm nay, nước non liền một dải hôm nay, tương lai sáng tươi của ngày mai đã được xây dựng, bảo vệ và giữ gìn bằng hàng triệu máu xương, hàng triệu tính mạng. Để chúng ta biết yêu và tiếp tục xây đắp, gìn giữ non sông này, đất nước này, không phụ lòng những người đã hy sinh cho Tổ quốc.
Làm hạc giấy thả xuống biển để tưởng nhớ 64 anh hùng liệt sỹ hy sinh anh dũng tại quần đảo Trường Sa trong đợt đoàn nhà báo Trung ương thăm quần đảo Trường Sa cuối năm 2018 |
"Cuộc chiến bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên bãi đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao ngày 14/3/1988 là cuộc chiến không cân sức. Ở nơi đầu sóng, ngọn gió, phương tiện vũ khí hạn chế... nhưng với tình yêu đất nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc các chiến sĩ đã quyết tâm đến cùng để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Sự hy sinh đó cũng nhắc nhở thế hệ hôm nay, những người còn sống và ở lại không được giây phút nào lãng quên, không mất cảnh giác vì sự toàn vẹn lãnh thổ” - Những lời từ gan ruột được nhắc nhở mỗi người trong Lễ giỗ các chiến sỹ Gạc Ma, giữa trời biển mênh mông, khi những con hạc trắng được thả xuống ngọn sóng tưởng nhớ những người bất tử.
35 năm qua, sóng biển có thể xóa nhòa mọi dấu vết. Nhưng không thể xóa được ký ức bi tráng của người dân Việt Nam về những người lính quả cảm, sự hy sinh của họ đã được dựng thành những tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc. "Không một ai bị lãng quên và không ai được phép lãng quên".
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin