Vấn nạn karaoke di động: Vẫn “khó xử lý!”, là thông tin tôi đọc trên trang điện tử của một địa phương. Karaoke “di động” làm phiền người dân như thế nào có lẽ khỏi cần bàn thì ai cũng biết. Bài viết nói trên đã trích dẫn nhiều bên có chức năng liên quan xử lý về vấn đề này. Thì ra không xử lý được có mấy vấn đề. Giao nhiệm vụ xử lý cho một đơn vị mà không có công cụ gì. Tức là chúng ta có thể hiểu, giao là cho để có lĩnh vực phụ trách nhưng chúng ta thừa biết kết quả sẽ như thế nào. Xử lý là việc thi hành thực thi pháp luật. Không có công cụ thì xử lý như thế nào?
Cụ thể ở đây, việc xử lý tiếng ồn là thuộc về ngành Tài nguyên - Môi trường. Nhưng chính bộ phận trực tiếp thực thi nhiệm vụ này lại cho biết không được trang bị công cụ đo tiếng ồn, cho nên “từ trước đến nay không xử lý được trường hợp nào”.
Ở đây, người viết thấy có mấy vấn đề cần trao đổi. Thứ nhất là việc phân công nhiệm vụ. Nói chung, ca hát là thuộc lĩnh vực văn hóa. Thế nên, những gì diễn ra chung quanh nó có lẽ nên giao cho ngành Văn hóa là phù hợp hơn. Hát karaoke làm phiền hàng xóm hay không làm phiền hàng xóm cũng là một ứng xử văn hóa. Chính vì vậy, giao cho ngành Văn hóa là phù hợp hơn. Nhưng tại sao lại giao cho ngành Tài nguyên - Môi trường? Có phải xuất phát việc giao nhiệm vụ này là từ việc đánh giá tác động môi trường đối với các công trình? Rồi cứ thế, chúng ta hiểu cứ nơi nào gây ra tiếng ồn quá mức quy định thì thuộc ngành này chăng. Ngành Tài nguyên - Môi trường mà đi quản lý một hiện tượng, vấn đề xã hội có lẽ là có nhiều bất cập?
Thì thôi, đã giao là phải nhận, phải thực thi. Muốn thực thi nhiệm vụ tốt thì cần có nhiều yếu tố, trong đó có công cụ. Như ngành Công an, khi thực thi nhiệm vụ xử lý nồng độ cồn khi tham gia phương tiện giao thông thì được trang bị ngay phương tiện. Đã có phương tiện trong tay nhưng đôi khi vẫn không thể xử lý triệt để, huống gì “tay không bắt giặc”. Có vẻ như về việc quản lý nhà nước, chúng ta đã thiếu quan tâm điều này. Mà đã thiếu quan tâm thì không bao giờ đưa ra được giải pháp tốt.
Chúng ta có chính quyền cấp phường, xã. Bàn tay nối dài của phường, xã là thôn, xóm, tổ dân phố. Đi kèm với đó là một lực lượng gọi là hệ thống chính trị. Đây là bộ phận gần dân nhất. Ngành Tài nguyên - Môi trường nói không có công cụ đo tiếng ồn là đặt nặng vấn đề xử lý. Tại sao chúng ta không đặt nặng vấn đề nhắc nhở có tình có lý. Chúng ta đừng nghĩ người dân không ý thức được hoặc ý thức kém, nhưng đôi khi “đã hát say sưa rồi, đặc biệt là có uống bia rượu” thì quên hết những tác động. Nếu có người có trách nhiệm nhắc nhở, như trưởng thôn, xóm chẳng hạn, thì tôi tin rằng không ai không nghe. Chính quyền cơ sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tham gia xây dựng văn hóa ở cơ sở, giao cho cấp chính quyền này là phù hợp nhất. Ở nơi nào cũng xây dựng tổ, xóm, thôn, gia đình văn hóa. Nội dung văn hóa đưa vào nhiều tiêu chí. Giờ chúng ta thấy vấn đề gây tiếng ồn là bức xúc, làm phiền nhiều người dân, là một ứng xử không đúng mực… thì đưa thêm tiêu chí này vào.
Giờ công nghệ thông tin cũng giúp dễ dàng hơn cho việc phản ánh của người dân. Ví dụ như lập một địa chỉ qua hệ thống mạng để người dân phản ánh. Lúc đó, chỗ nào có hát, hát lớn gây ồn ào chúng ta nắm bắt được liền. Sẽ có người có trách nhiệm kịp thời nhắc nhở. Chưa nói về chuyện xử lý, chúng ta cứ làm tốt việc này xem kết quả như thế nào. Có một thực tế ở những nước đi lên từ nông nghiệp như ở Việt Nam chúng ta là sự gắn kết tình làng nghĩa xóm. Đôi khi vì tính chất này mà ngại nhắc nhở hàng xóm. Thế thì phải nhờ qua “trung gian” là chính quyền. Nói chung là tăng cường trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin