Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 24, ngày 27/02/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới” đã góp phần tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động của bộ máy hành chính huyện Lạc Dương.
Việc thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền góp phần khơi dậy sức dân và tạo sự đồng thuận trong dân để thực hiện các nhiệm vụ ở Lạc Dương |
Những năm qua, huyện Lạc Dương thực hiện công tác dân vận nhất quán theo quan điểm: vì Nhân dân. Mặc dù có nhiều nỗ lực, song công tác dân vận chính quyền chưa thực sự đi vào chiều sâu; sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị còn có mặt thiếu chặt chẽ; việc lồng ghép triển khai nhiệm vụ chính trị với công tác dân vận có nơi còn chưa đạt được hiệu quả…
Đồng chí Ya Tiong - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lạc Dương, khẳng định, việc Chỉ thị 24 được ban hành và đưa vào thực hiện là cơ sở để huyện Lạc Dương khắc phục những vấn đề còn tồn tại trên. Huyện đã tập trung nhiều giải pháp để đưa Chỉ thị số 24 đi sâu vào hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp, của từng đảng viên, hội viên, đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức và cả Nhân dân.
Cụ thể, các cấp ủy đảng, chính quyền đã gắn việc triển khai Chỉ thị với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, an toàn ở địa phương. Các cơ quan, đơn vị cũng gắn việc thực hiện dân chủ với nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị. Và huyện Lạc Dương cũng đã lấy hiệu quả việc thực hiện trong cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp là một trong những tiêu chí đánh giá, phân loại thi đua, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân hàng năm.
Từ đây, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong phát huy dân chủ, tập hợp trí tuệ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân khi tham gia góp ý các chủ trương, chính sách của cấp ủy đảng và chính quyền có liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân như: chính sách hỗ trợ đối với người nghèo, chuyển đổi cây trồng cho người đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng nông thôn mới... Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở từng bước đi vào nền nếp; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị của Nhân dân được các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước quan tâm, tập trung giải quyết. Các địa phương đã chú trọng việc tổ chức cho Nhân dân bàn và quyết định đối với những việc liên quan trực tiếp đến quyền lợi của Nhân dân. Trong những năm qua, huyện Lạc Dương đã phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát cộng đồng. Từ đó người dân đã đóng vai trò tích cực trong việc giám sát, kiểm tra các vấn đề có liên quan trực tiếp đến xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình công cộng do Nhân dân đóng góp. Đây là cơ sở quan trọng góp phần khơi dậy sức dân và tạo sự đồng thuận từ Nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ ở các địa phương.
Từ Chỉ thị 24, công tác cải cách hành chính và nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, ý thức phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đẩy mạnh. Việc phát động Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức huyện Lạc Dương thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025; triển khai thực hiện Cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”… là những việc làm cụ thể ở nội dung này. Huyện Lạc Dương cũng đã thành lập Tổ kiểm tra công vụ nhằm đẩy mạnh việc nâng cao trách nhiệm, tinh thần, thái độ, chất lượng phục vụ Nhân dân của các cơ quan, đơn vị thuộc huyện và UBND các xã.
Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được các đơn vị, địa phương thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, giải quyết thấu tình, đạt lý, hạn chế được tình trạng đơn thư vượt cấp. Ngoài ra, các xã, thị trấn còn tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân nắm được những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, những bức xúc và tiếp nhận các ý kiến đóng góp, từ đó các cấp chính quyền giải quyết thấu đáo, hiệu quả hơn.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được đẩy mạnh lồng ghép với các phong trào thi đua yêu nước. Theo đó, đã có các mô hình hoạt động hiệu quả, điển hình như: “Xã hội hóa trong công tác giảm nghèo”, “Tổ tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia Bảo hiểm y tế”; “Lực lượng dân quân tham gia Tổ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng”; “Xây dựng thôn Đưng K’si xanh, sạch, đẹp gắn với xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu”; “Vận động, hỗ trợ bà con Nhân dân xây dựng vườn mẫu hướng đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao”; “Đội Phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tự quản”; “Dòng họ Bon Niêng tự quản về an ninh trật tự”; Mô hình Thu mua cà phê và du lịch sinh thái của Hợp tác xã Cà phê Arabica Chappi Lạc Dương, xã Đạ Chais; Mô hình Trung tâm Giám sát và Điều hành thông minh huyện Lạc Dương...
“Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác dân vận trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc huyện Lạc Dương trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, hiệu quả rõ nét hơn, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lạc Dương nhấn mạnh thêm.
Trước những chuyển động muôn màu của đời sống xã hội, công tác dân vận nói chung và công tác dân vận trong cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp nói riêng luôn phải có những thay đổi để phù hợp với tình hình. Trên cơ sở những kết quả đạt được và những vấn đề đang đặt ra, huyện Lạc Dương tiếp tục quán triệt thực hiện Chỉ thị 24 linh hoạt, phù hợp với tình hình và yêu cầu nhiệm vụ mới để hướng tới mục tiêu quan trọng: tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tạo lên sức mạnh nội sinh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin