Tiếp tục phát triển, hoàn thiện tư duy lý luận, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật

00:46, 05/03/2023

Tại Tọa đàm khoa học “Đề cương về văn hóa Việt Nam  và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn học, nghệ thuật 80 năm qua” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

 

Hôm nay tôi rất vui mừng đến dự Tọa đàm khoa học với chủ đề: “Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn học, nghệ thuật 80 năm qua” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023). Thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng và Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, tôi trân trọng gửi tới quý vị đại biểu, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ lời chào trân trọng và lời chúc mừng tốt đẹp nhất!

Như chúng ta đã biết, Đề cương về văn hóa Việt Nam do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo, được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương, họp từ ngày 25 đến ngày 28 tháng 2 năm 1943 tại Võng La (Đông Anh, Phúc Yên, nay thuộc Hà Nội. Đề cương là văn kiện có tính “cương lĩnh đầu tiên”, “chiến lược đầu tiên” của Đảng ta về văn hóa, thể hiện sự kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Ra đời trong hoàn cảnh bí mật, vào “đêm trước” của cuộc Cách mạng Tháng Tám, với dung lượng hết sức ngắn gọn, cô đọng và xúc tích, nhưng Đề cương đã bao quát những vấn đề căn bản về quan điểm, thái độ của Đảng đối với vấn đề văn hóa; chỉ rõ tính chất, nguy cơ của nền văn hóa Việt Nam dưới ách phát-xít Nhật và Pháp; dự báo khoa học và chính xác về tương lai của nền văn hóa dân tộc; từ đó đề cập những vấn đề có tính chất nền tảng về cách mạng văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, về nguyên tắc, định hướng xây dựng nền văn hóa mới và những nhiệm vụ trước mắt của các nhà văn hóa mác-xít Việt Nam.

Sự ra đời của Đề cương đã kịp thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cách mạng; trở thành ngọn cờ tập hợp, cổ vũ nhân dân ta, nhất là giới trí thức, văn nghệ sĩ hăng hái tham gia cách mạng; cống hiến tài năng, trí tuệ và cả xương máu của mình để góp phần quan trọng làm nên thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chúng ta luôn ghi nhớ cuộc đời và sự cống hiến của những văn nghệ sĩ tiền bối như: Đặng Thai Mai, Kim Lân, Trần Huyền Trân, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Học Phi, Nguyễn Huy Tưởng,… Chúng ta cảm nhận sâu sắc nhiệt huyết sục sôi, niềm hạnh phúc lớn lao của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà khi tham gia truyền bá và tiếp nhận Đề cương khi văn kiện mới ra đời. Dưới ánh sáng của Đề cương, đội ngũ văn nghệ sĩ yêu nước và có tinh thần dân tộc đã gia nhập và tích cực hoạt động, xây dựng, phát triển Hội Văn hóa cứu quốc. Đến năm 1948, Hội Văn nghệ Việt Nam (tiền thân của Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam) đã được thành lập, tiếp tục tập hợp lực lượng, ghi dấu ấn quan trọng, đóng góp to lớn cho sự hình thành và phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, qua văn kiện các kỳ Đại hội Đảng; qua các nghị quyết chuyên đề; thư của Ban Chấp hành Trung ương gửi Đại hội Văn nghệ toàn quốc; các bài nói, bài viết quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng…, đường lối văn nghệ của Đảng ta tiếp tục được củng cố và có bước phát triển quan trọng, đồng hành cùng sự phát triển của đời sống văn nghệ nước nhà. Sau đại thắng Mùa Xuân năm 1975, đất nước bước vào giai đoạn hòa bình, độc lập, thống nhất; đặc biệt là từ Đổi mới đến nay, qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), qua nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng và các nghị quyết chuyên đề về văn hóa, văn học, nghệ thuật, như: Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VI) về Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) về Một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt; Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;…, tư duy lý luận của Đảng về văn học, nghệ thuật đã không ngừng được bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện.

Qua lắng nghe ý kiến của quý vị đại biểu, có thể khẳng định, những nội dung cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã trở thành nền tảng tư duy lý luận của Đảng về văn học, nghệ thuật suốt 80 năm qua. Những quan điểm căn bản của Đề cương về vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật trong văn hóa; về mối quan hệ giữa văn hóa, văn nghệ với chính trị và kinh tế; về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật và đặc biệt là 03 nguyên tắc: “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa”, “khoa học hóa” đã được Đảng ta không ngừng kế thừa, vận dụng, bổ sung và phát triển.

 

Kế thừa và phát triển tư tưởng của Đề cương, Đảng ta kiên định và nhất quán đánh giá vai trò quan trọng không thể thay thế của văn học, nghệ thuật đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới khẳng định: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”. Đồng thời, Đảng ta nhấn mạnh: tập trung xây dựng “nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; “thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ”. Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa nói chung, văn học, nghệ thuật nói riêng, Đảng ta cũng yêu cầu phải tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa năng lực, trình độ lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực đặc biệt tinh tế và quan trọng này.

Vận dụng và phát triển nguyên tắc “dân tộc hóa”, Đảng ta nhấn mạnh, trên cơ sở giữ gìn, phát triển, phát huy những giá trị văn học, nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài, đồng thời kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hóa của các thế lực thù địch. Vận dụng nguyên tắc “đại chúng hóa”, Đảng ta khẳng định, phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời tập trung xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp; tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực thẩm mỹ của nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên. Nhiệm vụ phát triển văn học, nghệ thuật phục vụ nhân dân luôn được đặt trong mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhiệm vụ nâng cao dân trí, hướng nhân dân đến những giá trị nhân văn, tiến bộ. Vận dụng nguyên tắc “khoa học hóa”, Đảng ta khẳng định, phát triển văn học, nghệ thuật dựa trên tinh thần khoa học, phù hợp với quy luật vận động, phát triển của thời đại, trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phát huy vai trò của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu chọn lọc những thành quả lý luận văn nghệ của ông cha ta và thế giới.

Trên cơ sở phát triển tư tưởng cốt lõi của Đề cương, Đảng ta đặc biệt chú trọng việc xây dựng, phát triển, phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta khẳng định: “Tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc. Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp”[1]. Đảng ta nhấn mạnh việc tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ; đồng thời nêu cao tinh thần yêu nước, gắn bó máu thịt với nhân dân, trách nhiệm công dân và quyết tâm sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật để phụng sự đất nước, phụng sự dân tộc và Tổ quốc của đội ngũ văn nghệ sĩ.

Giá trị lớn lao và sức sống bền vững của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu. Một trong những bài học quan trọng hàng đầu là sự kiên định với những vấn đề nền tảng, có tính nguyên tắc, đồng thời không ngừng tìm tòi, đổi mới, sáng tạo để tiếp tục phát triển, hoàn thiện tư duy lý luận, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật. Các bài viết, các ý kiến phát biểu tâm huyết, thẳng thắn của các vị đại biểu đã đánh giá sâu sắc thực trạng, cả thành công và chưa thành công, đồng thời mong muốn cả hệ thống chính trị, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta thống nhất nhận thức sâu sắc hơn về văn hóa, văn nghệ, nỗ lực mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt hơn. Kiên định kế thừa, đổi mới, bổ sung, phát triển trên tinh thần có phê phán và sáng tạo, phù hợp với tình hình, tiếp thu những thành tựu mới nhất để làm cho học thuyết về chủ nghĩa xã hội, về văn hóa luôn tươi mới, luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống. Tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; tập trung xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương cũng là thời điểm Đảng ta tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Đây là nghị quyết chuyên đề rất quan trọng đối với sự phát triển nền văn học, nghệ thuật dân tộc trong tình hình mới. 15 năm đã qua, thực tiễn đã xuất hiện những yêu cầu, đòi hỏi mới, nhất là trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập ngày càng sâu rộng với sự tác động mạnh mẽ, toàn diện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Từ các hoạt động triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kết quả Hội nghị văn hóa toàn quốc (ngày 24/11/2021), kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương..., tôi trân trọng đề nghị các nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục tham gia tích cực, phát huy tâm huyết, trí tuệ trong quá trình tổng kết sâu sắc các nghị quyết chuyên đề của Đảng về văn hóa, văn nghệ; hiến kế, tham mưu, tư vấn giúp Đảng đề ra những quyết sách phù hợp, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Các đại biểu tham dự tọa đàm hôm nay đã thống nhất khẳng định, Đề cương về văn hóa Việt Nam thể hiện sự nhạy bén, khả năng phân tích, đánh giá tình hình và tầm nhìn chiến lược của Đảng ta. Giá trị to lớn và sức sống bền vững của Đề cương đã khẳng định chân lý: sự hòa quyện giữa “Ý Đảng - Lòng Dân” là nhân tố quyết định, đảm bảo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đất nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới, có ý nghĩa then chốt đối với vận mệnh và tương lai dân tộc. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam”[2]. Tôi mong muốn và tin tưởng sâu sắc rằng, các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ nước nhà với thiên chức cao quý, bằng tài năng, tâm huyết của mình sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, khẳng định vị trí, vai trò và có những đóng góp xứng đáng, to lớn hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Nhân đây, tôi biểu dương Hội đồng Lý luân, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương trong thời gian gần đây đã tích cực, chủ động tổ chức thành công nhiều hoạt động có ý nghĩa như: Hội thảo khoa học toàn quốc Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc, hiện đại, Hội thảo Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay, Hội thảo Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới…

Trong thời gian tới, đề nghị Hội đồng tiếp tục tập trung tổ chức một số công tác trọng tâm sau đây: Tham gia tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người  Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tổng kết công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam  sau 50 năm đất nước thống nhất, tham gia chương trình nghiên cứu, tổng kết thực tiễn văn học, nghệ thuật thời kỳ đổi mới và hội nhập. Từ thực tiễn sáng tạo văn học nghệ thuật, Hội đồng cần nghiên cứu đề xuất những giải pháp khả thi, đưa đường lối của Đảng vào đời sống, quảng bá ngày càng sâu rộng văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ nền văn học, nghệ thuật để chúng ta có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật thể hiện chân thực đời sống nhân dân, dân tộc, giàu giá trị nhân văn và giá trị thẩm mĩ, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc và thời đại.

[1] Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tr.110.

(Theo tuyengiao.vn)