Thứ 7, 26/04/2025, 22:35

Doanh nghiệp ít đả động đến hỗ trợ lãi suất?

NGUYÊN LÊ 05:30, 20/04/2023

Trong khi lãi suất cao chót vót, doanh nghiệp (DN) khó khăn về vốn thì nguồn vốn thuộc Chương trình Phục hồi kinh tế với gói hỗ trợ lãi suất 2% hầu như không thực hiện được bao nhiêu. Nguồn vốn dành cho gói phục hồi kinh tế là 40.000 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 2/2023, nguồn này mới giải ngân được 134 tỷ đồng, tức là chỉ hơn 0,3%.

Thủ tướng đã có chỉ thị yêu cầu “Ngân hàng Nhà nước báo cáo phương án điều chuyển với số tiền còn lại không sử dụng hết trước 25/3”. Có thể hiểu, sự kỳ vọng của gói hỗ trợ nêu trên để kích thích phục hồi kinh tế, đến thời điểm này gần như không đạt được.

Chắc chắn một điều, đã là DN thì không thể “chê vốn”. Thế sao có vốn rồi mà không tiếp cận để vay?

Có thể nguyên nhân nằm ở những lý do sau: Những ràng buộc về điều kiện để được tiếp cận vốn quá khó khăn. Quá ít DN tiếp cận được nguồn vốn này cho thấy điều đó. Kinh nghiệm cần rút ra cho những gói hỗ trợ sau này là cần thiết kế sao cho phù hợp với tình hình thực tế của DN, dễ tiếp cận. Với Việt Nam chúng ta, những câu chuyện lợi dụng chính sách để trục lợi cũng chẳng lạ lùng gì. Có phải chính vì vậy, để không hoặc hạn chế thất thoát vốn, hạn chế làm sai, những nhà thiết kế chính sách ràng buộc những điều kiện hết sức chặt chẽ. Chặt đến độ khó tiếp cận được.

Một câu hỏi khác cũng gợi lên nhiều trăn trở, đó là một chính sách được thiết kế làm gì khó đến độ hầu hết các DN không tiếp cận được? Tuy nền kinh tế vào thời điểm cuối năm 2022 và đầu năm 2023 gặp phải những khó khăn, do đầu ra của sản phẩm bị thu hẹp nên các DN cũng co lại hoạt động, nhưng nhìn chung, toàn ngành kinh tế vẫn cần nhiều vốn. Những tháng đầu năm 2023 tín dụng vẫn tăng trưởng, tuy mức tăng được cho là rất thấp. Nghĩa là DN vẫn rất cần vốn. Vốn thì DN vẫn cứ vay nhưng lại “không đả động” gì đến việc được hưởng mức hỗ trợ lãi suất. Vì sao vậy, có thể nằm ở chỗ DN sợ gặp phải những rủi ro pháp lý. Cũng có thể có một số lý do khác, tỷ như, nếu thực hiện đủ các thủ tục để được vay vốn thì tính kịp thời không đáp ứng được, cơ hội kinh doanh đã đi qua. Hoặc là, sau khi “đo đếm thiệt hơn” từ công sức bỏ ra để làm thủ tục, thuyết phục ngân hàng cho vay; rồi chuyện hậu kiểm của ngành chức năng… cho nên họ không cần tiếp cận.

Theo quy định của gói hỗ trợ sẽ thực hiện đến cuối năm 2023. Tuy nhiên, có lẽ vì tình hình giải ngân không khả quan cho lắm nên, như trên đã nói, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước báo cáo phương án điều chuyển số vốn còn lại không sử dụng hết, trước ngày 25/3. Thời gian không còn nhiều nên có thể hiểu cái đích đến của gói hỗ trợ chắc chắn là không đạt được. Điều đó cũng đồng nghĩa, ý nghĩa của gói hỗ trợ là tạo thêm điều kiện về vốn, tiết giảm chi phí cho DN đã không đạt được.

Kinh nghiệm được rút ra ở đây là gì? Mọi sự hỗ trợ để kích thích phục hồi và phát triển kinh tế trong những thời điểm khó khăn là cần thiết. Song việc thiết kế chính sách sao cho phù hợp, dễ thực hiện. Có như vậy chính sách mới đi vào cuộc sống. Một chính sách ra đời để hỗ trợ cho toàn ngành kinh tế sẽ phức tạp, có khả năng kéo dài thời gian, và như vậy có thể cơ hội đã đi qua, cho nên, nên chăng chọn những lĩnh vực cần thiết để hỗ trợ. Bởi có một tỷ lệ phần trăm DN khả dĩ nào đó tiếp cận được quyền lợi từ chính sách còn hơn là rất ít DN được hưởng. Điều này sẽ gây ra sự mất công bằng, nhưng suy xét trong trường hợp này, có thể chấp nhận được.