Mỗi bước đi càng thêm yêu đất nước

TỨ ĐỨC 09:42, 26/04/2023

(LĐ online) - Trong không khí hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử, ai ai trong chúng ta, mỗi con dân đất Việt đều có chung niềm vui trọn vẹn dịp kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4 /1975 – 30/4/2023).

Đoàn đại biểu tham dự Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 10 (vòng IV) thành kính dâng hoa, dâng hương viếng anh hùng liệt sĩ tại Thành Cổ Quảng Trị
Đoàn đại biểu tham dự Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 10 (vòng IV) thành kính dâng hoa, dâng hương viếng anh hùng liệt sĩ tại Thành Cổ Quảng Trị

Chúng tôi, những người làm báo Đảng có niềm vinh dự, tự hào khi tham dự Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 10, được tổ chức ở tỉnh Quảng Trị -vùng đất một thời là tuyến đầu chống Mỹ cứu nước, nơi mang nặng nỗi đau chia cắt đất nước đằng đẵng 21 năm trời.
“Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ/ Bình minh Thành Cổ còn mềm theo gió đung đưa/ Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ/ Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu lửa…Cho tôi hôm nay vào Thành Cổ/ Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ”. Lời bài hát của nhạc sĩ Tân Huyền vang lên trong chiều Thành Cổ Quảng Trị, ai ai cũng bồi hồi, xúc động.  
“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” là đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Trong không khí thiêng liêng và xúc động; phóng viên, nhà báo của báo Đảng các tỉnh, thành phố trên cả nước thành kính dâng hoa, dâng hương để tưởng nhớ những người con ưu tú của quê hương, đất nước đã anh dũng chiến đấu, hi sinh và vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất thị xã Quảng Trị anh hùng. Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972 đã góp phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn đàm phán Hội nghị Paris, tạo đà cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy của toàn dân tộc mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

Đại biểu tham dự Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên thành kính dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn
Đại biểu tham dự Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên thành kính dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn

Phóng viên Nguyễn Khánh, Báo Thừa Thiên Huế bày tỏ: “Tôi thật sự cảm thấy rất xúc động khi được tự tay thắp những nén nhang thơm lên miền đất thiêng Thành Cổ. Cũng như bao người đến với mảnh đất Quảng Trị anh hùng, tôi vô cùng biết ơn các thế hệ anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh xương máu để có được nền độc lập, thống nhất ngày hôm nay. Đó cũng chính là niềm tự hào, thôi thúc những người làm báo Đảng chúng tôi phấn đấu, dấn thân với nghề để có thêm nhiều đóng góp xây dựng quê hương, đất nước”.
Trong cuộc tiến công và nổi dậy năm 1972, Thành Cổ được cả thế giới biết đến qua cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành đầy khốc liệt. Mùa hè năm 1972, tại Thành Cổ, có khoảng 328.000 tấn bom đạn của giặc Mỹ đã dội xuống mảnh đất này, ngày cũng như đêm, trời và đất Quảng Trị đỏ rực một màu của máu và lửa, không một nhành cây, ngọn cỏ nào có thể sống được. Trong lịch sử chiến tranh thế giới, chưa hề có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chủ yếu chỉ đánh vào một tòa Thành Cổ và thị xã Quảng Trị rộng chưa đầy 3km2, khiến đối phương có thể huy động một lực lượng hải, lục, không quân đông và sử dụng một khối lượng chất nổ khổng lồ như vậy. 

“Đêm hoa đăng” tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn
“Đêm hoa đăng” tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn

Để bảo vệ Thành Cổ, hàng vạn anh hùng liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống, mang theo tuổi thanh xuân và bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất. Xương máu của các anh đã hóa thân trong từng tấc đất, ngủ sâu trong lòng đất mẹ Quảng Trị. Thành Cổ Quảng Trị là nơi tôn vinh, tri ân cho những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc vì sự trường tồn của dân tộc. Nơi đây mãi mãi là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên trung của cả một dân tộc anh hùng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Càng bồi hồi, xúc động hơn khi chúng tôi, những người làm báo Đảng được thắp nén tâm nhang, dâng đoá hoa thơm tri ân những anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn trong “Đêm hoa đăng”. “Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn nằm” (Lê Bá Dương). Còn đó một dòng sông lưu giữ ký ức lịch sử, chảy từ quá khứ vào tương lai và quyện hoà trong chúng tôi, những người làm báo Đảng một niềm tự hào vô tận.
Hạnh phúc lớn lao nhất của những người cầm bút là đi và viết, ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại; quê hương đất nước giàu mạnh; lịch sử hào hùng của dân tộc. Trong không khí hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử, dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ giới tuyến, các phóng viên, nhà báo đã tham quan, tìm hiểu khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải bao gồm các hạng mục: Nhà trưng bày; đồn công an giới tuyến; cầu Hiền Lương lịch sử; hệ thống dàn loa phóng thanh, nhà liên hợp; cột cờ giới tuyến, cụm tượng đài khát vọng thống nhất ở bờ Nam và lắng nghe những câu chuyện bi tráng, oanh liệt của dân tộc ta trong 21 năm đằng đẵng đấu tranh thống nhất đất nước.

Niềm vui trọn vẹn của các thế hệ nhân dịp kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 tại cầu Hiền Lương
Niềm vui trọn vẹn của các thế hệ nhân dịp kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 tại cầu Hiền Lương

Khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải có diện tích khoảng 9 ha, tọa lạc trên địa phận thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh và thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh. Nơi đây đã trở thành biểu tượng của sự cách trở, chia ly và nỗi đau mất mát của 2 miền Nam - Bắc: “Cách một dòng sông mà đó thương đây nhớ, chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”. Đôi bờ Hiền Lương đã trở thành “chứng nhân lịch sử” mang trên mình nỗi đau chia cắt và cũng đã chứng kiến niềm vui to lớn trong ngày thống nhất 2 miền đất nước của quân và dân ta.
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Khu đồi Bến Tắt với vị trí là tuyến đầu của chiến trường miền Nam, cũng là điểm khởi đầu của tuyến đường Trường Sơn thuộc miền Nam Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, Trung ương Đảng và Bộ Quốc Phòng đã phê chuẩn dự án xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tại địa bàn tỉnh Quảng Trị. Khu đồi Bến Tắt được chọn làm nơi an nghỉ vĩnh hằng của 10.333 liệt sĩ Trường Sơn. Nghĩa trang khởi công xây dựng vào ngày 24/10/1975 và hoàn thành vào ngày 10/4/1977, là nơi an nghỉ đời đời của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Hạnh phúc biết bao, khi chúng tôi, những người làm báo Đảng mỗi bước đi càng thêm yêu đất nước. Mỗi tác phẩm báo chí là niềm tự hào vô tận về một dân tộc anh hùng, kiên cường, bất khuất.