Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị

LINH NHÂN 10:07, 03/04/2023

(LĐ online) - Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định sự cần thiết phải “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” để đáp ứng những yêu cầu và nhiệm vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới và coi đây “là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”; trong đó tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
QUÁ TRÌNH TƯ DUY VÀ NHẬN THỨC VỀ NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VIỆT NAM
Nhà nước vốn là “một trong những vấn đề phức tạp nhất, khó khăn nhất” nhưng “là một vấn đề rất cơ bản, rất mấu chốt trong toàn bộ chính trị” (Lênin). Vì thế, trong đường lối lãnh đạo của mình ở từng thời kỳ cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt coi trọng việc đề ra đường lối xây dựng và hoàn thiện Nhà nước - yếu tố trung tâm của hệ thống chính trị.
Lý luận và lịch sử về nhà nước và pháp luật cho thấy, nhà nước pháp quyền là một trong những giá trị chung của nhân loại tiến bộ, đề cao pháp luật, thể hiện ước muốn, khát vọng của con người về một xã hội dân chủ và bình đẳng. Tuy nhiên, nhà nước pháp quyền XHCN và nhà nước pháp quyền tư sản hoàn toàn khác nhau về bản chất. Pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ XHCN là công cụ thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhà nước không còn là cơ quan “đứng trên xã hội” mà là nhà nước phục tùng xã hội, “nhà nước không còn nguyên nghĩa”, “nhà nước nửa nhà nước”; nhân dân không còn là “nhân dân của nhà nước” mà tự quyết định, sáng tạo nên nhà nước, là chủ thể của quyền lực nhà nước. Nhà nước xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, mang bản chất giai cấp công nhân, vì con người, giải phóng con người, bảo vệ con người; đồng thời, tổ chức, hoạt động theo pháp luật và quản lý xã hội bằng pháp luật.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn coi trọng, đề cao việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Đó là một Nhà nước với tinh thần xuyên suốt là: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; “Nước ta là một nước dân chủ. Mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm”; “Chế độ ta là chế độ dân chủ. Tức là nhân dân làm chủ”… Tư tưởng này đã được cụ thể hóa trong Cương lĩnh và các nghị quyết của Đảng; được thể chế hóa trong Hiến pháp của Nhà nước (từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến Hiến pháp bổ sung, sửa đổi năm 2013) với việc hiến định quyền lực nhà nước là của nhân dân, do nhân dân, để phụng sự lợi ích của nhân dân. Theo đó, bộ máy nhà nước được thiết lập là bộ máy thừa hành ý chí, nguyện vọng của nhân dân; đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước không thể là “các ông quan cách mạng” mà là “công bộc của nhân dân”, chăm lo cho sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân; pháp luật không phải là để trừng trị con người mà là công cụ để bảo vệ, thực hiện lợi ích vì con người.
Vận dụng, phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước, Đảng ta đề ra nguyên tắc tổ chức quyền lực Nhà nước Việt Nam là thống nhất và có sự phân công rành mạch ba quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp, một bước đổi mới rất cơ bản trong tư duy về xây dựng nhà nước, là cơ sở để đến Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ Đại hội VII chính thức xác định: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của dân, do dân, vì dân”. Từ đó, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân trở thành một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, một định hướng cho quá trình cải cách bộ máy nhà nước trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Chủ trương đó đã được đưa vào Cương lĩnh của Đảng và thể chế hóa bằng Hiến pháp. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” là một trong 8 đặc trưng của xã hội XHCN Việt Nam. Hiến pháp năm 2013, tiếp tục  khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân,…”.
Kế thừa nhận thức về nhà nước pháp quyền XHCN, Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ định hướng: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”. Định hương này phản ánh những nhận thức mới, trong đó vừa chỉ ra đặc điểm của nhà nước pháp quyền XHCN Việt nam, vừa nêu rõ cách thức thực hiện đảm bảo thành công và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, một trong ba đột phát chiến lược của Đại hội XIII. Những nhận thức mới của về nội dung này cho thấy sự trưởng thành, sâu sắc hơn trong tư duy và nhận thức của Đảng ta về nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, tạo cơ sở cho quá trình xây dựng và hoàn thiện trong thực tế.
NHỮNG THÀNH TỰU CƠ BẢN VỀ XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VIỆT NAM
Qua hơn 35 năm đổi mới và hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ qua độ lên CNXH (Cương lĩnh năm 1991, bổ sung, phát triển năm 2011), công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Nhận thức về mô hình tổ chức quyền lực nhà nước đã có sự phát triển về chất để chỉ đạo quá trình xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước. Hệ thống pháp luật đã được hoàn thiện một bước cơ bản, vai trò của pháp luật và việc thực thi pháp luật được chú trọng trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước và xã hội. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp trên một số lĩnh vực có bước tiến rõ rệt. Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực. Bộ  máy nhà nước từng bước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế, bất cập, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, quản lý và bảo vệ đất nước trong tình hình mới. Chẳng hạn như: Vấn đề đổi mới giữa các mặt, lĩnh vực chưa thật đồng bộ, một số mặt còn lúng túng; cơ chế kiểm soát quyền lực, giám sát và phản biện xã hội chưa hoàn thiện, chưa thực chất; hệ thống pháp luật còn có những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất; chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm; chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền chưa thật rõ ràng,…
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, bất cập đó chính là việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vấn đề lớn, phức tạp và lâu dài. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, hoàn thiện lý luận chưa được quan tâm đúng mức. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra.
Những thành tựu đạt được cũng như hạn chế, bất cập trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN thời gian qua và bối cảnh thế giới, đất nước hiện nay đang đặt ra yêu cầu cấp bách phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
TIẾP TỤC XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VIỆT NAM
Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9/11/2022, về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới. Nghị quyết đã bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực tế đất nước đề ra quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp lớn về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Quan điểm, tư tưởng chỉ đạo là: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị; Bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; Bám sát thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại, kế thừa những thành tựu đã đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam; Bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa đổi mới lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp,…
Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra mục tiêu tổng quát, 4 mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và 3 trọng tâm chiến lược là: (i) Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật. (ii) Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật. (iii) Đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu xác định, Nghị quyết đã đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp, đó là: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững. Tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Tiếp tục thực hiện tốt thiết chế Chủ tịch nước theo Hiến pháp. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường, chủ động hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Nghị quyết số 27 lần này tiếp tục khẳng định lập trường kiên định nhất quán đúng đắn của Đảng về sự cần thiết, vai trò quan trọng và định hướng xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nghị quyết đã tổng kết, kế thừa, phát huy nội dung của Cương lĩnh, Văn kiện của Đảng, Hiến pháp qua các thời kỳ về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và bám sát tình hình thực tiễn trong nước cũng như thế giới, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng giữ vững định hướng XHCN. Đặc biệt, trong đó có nhiều điểm mới cần được khẩn trương thực hiện ngay trong giai đoạn trước mắt cũng như trong định hướng chiến lược lâu dài và cần được tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa.
Có thể nói Nghị quyết 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) đã cụ thể rất nhiều vấn đề về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN nhằm đạt được mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng XHCN vào năm 2045. Chúng ta tin tưởng rằng, những quan điểm, chủ trương đúng đắn của Nghị quyết nếu được sớm cụ thể hóa bằng chính sách, pháp luật cụ thể và quán triệt đến toàn Đảng và toàn dân thì việc triển khai sẽ đạt  hiệu quả trong thực tiễn.