(LĐ online) - Thực hiện Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 18/5, tại TP Đà Lạt, Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn có buổi làm việc với 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.
Quang cảnh hội nghị Đoàn công tác Chính phủ làm việc với 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông |
Làm việc với Đoàn công tác, về phía tỉnh Lâm Đồng có các đồng chí: Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng; Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Về phía tỉnh Đắk Nông, có đồng chí Hồ Văn Mười - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh và về phía tỉnh Đắk Lắk có đồng chí H’Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo các sở ngành liên quan của 3 tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chủ trì hội nghị cùng lãnh đạo 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông |
Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Báo cáo với Đoàn công tác của Chính phủ, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thông tin, kinh tế địa phương năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 tiếp tục tăng trưởng. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) quý I/2023 tăng 5,63%. Trong 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 298,3 triệu USD, tăng 34,8% so cùng kỳ. Các hoạt động dịch vụ du lịch sôi động với nhiều chương trình, lễ hội, thu hút 3,1 triệu khách tham quan trong 4 tháng đầu năm, tăng 30,8% so với cùng kỳ. Đến tháng 4/2023, trên địa bàn toàn tỉnh có 107/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 6 xã nông thôn mới nâng cao.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo tình hình kinh tế - xã hội địa phương với Đoàn công tác |
Tổng thu ngân sách nhà nước tính đến ngày 16/5 đạt 5.228 tỷ đồng, bằng 42% dự toán Trung ương, bằng 36% dự toán địa phương và bằng 95% so với cùng kỳ. Công tác giải ngân vốn đầu tư công được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, đã phân bổ là trên 7.740 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 99,1% kế hoạch. Đến ngày 16/5, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 1.505 tỷ đồng, đạt 20% kế hoạch.
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát hiệu quả (từ giữa năm 2022), thực hiện chủ trương của Chính phủ, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nên hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, vận tải, xuất nhập khẩu của tỉnh đã phục vụ và đạt mức tăng trưởng khá.
Về tình hình thực hiện các công trình trọng điểm có 5 dự án đã hoàn thành thủ tục, được phân bổ vốn, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu xây lắp và triển khai xây dựng; 11 dự án đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục, hồ sơ.
Hiện nay, Lâm Đồng tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường cao tốc nhằm nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian kết nối tỉnh Lâm Đồng với với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam với nỗ lực thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ để phấn đấu khởi công dự án sớm nhất có thể và hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2026.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng như những vướng mắc đã nêu trong báo cáo đến Đoàn công tác của Chính phủ, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc đã kiến nghị Đoàn công tác tổng hợp, đề xuất Trung ương một số nội dung về giao kế hoạch đầu tư công, hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các công trình trọng điểm địa phương; đề nghị Trung ương xem xét, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong triển khai thực hiện Dự án xây dựng cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương; hướng dẫn cụ thể việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thương mại, dịch vụ; sớm ban hành các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu...
Đồng chí Hồ Văn Mười - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu kiến nghị các vấn đề vướng mắc với Đoàn công tác của Chính phủ |
Tại hội nghị, lãnh đạo 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, lãnh đạo các sở, ban ngành đã báo cáo tóm tắt kết quả đạt được về tình hình kinh tế, xã hội địa phương, trong đó dành nhiều thời gian tập trung chỉ ra những khó khăn ở lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu, công tác quy hoạch...
Trong đó, một số ý kiến cụ thể, như tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Trung ương xem xét, tăng định mức đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng; hỗ trợ trồng rừng sản xuất hiệu quả; xử lý đối với đất do nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Đồng chí H’Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu báo cáo tình hình kinh tế - xã hội địa phương với Đoàn công tác Chính phủ |
Tỉnh Đắk Nông kiến nghị Trung ương tháo gỡ vướng mắc các vấn đề liên quan đến thực hiện quy hoạch khoáng sản bauxite, do ảnh hưởng các công trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa phương; điều chỉnh chỉ tiêu đất quy hoạch lâm nghiệp; khai thác phát triển du lịch sinh thái hồ Tà Đùng.
Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành Trung ương đã trình bày các ý kiến liên quan trong phạm vi thẩm quyền cũng như trao đổi, giải đáp những kiến nghị của 3 tỉnh liên quan đến các lĩnh vực đất đai, điều chỉnh quy hoạch; các dự án giao thông trọng điểm, xúc tiến đầu tư, kết nối thị trường xuất khẩu, công tác bảo tồn văn hoá…
Đại diện Bộ Công an trả lời các kiến nghị, câu hỏi của đại diện các địa phương về công tác phòng cháy, chữa cháy |
Lãnh đạo Sở Công thương Đắk Nông kiến nghị các vướng mắc với Đoàn công tác về công tác quy hoạch quặng bô xít tại địa phương |
Đại diện Bộ Tài chính trả lời các kiến nghị, câu hỏi của đại diện các địa phương tại hội nghị |
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Trưởng Đoàn công tác Chính phủ cho biết, nhìn lại năm 2022, Quý I năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội 3 tỉnh Tây Nguyên theo con số trong báo cáo đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, điểm sáng. Nhất là sự cố gắng, nỗ lực trong triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện nghị quyết này. Các tỉnh đã thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn để đưa Nghị quyết 23 vào cuộc sống.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu kết luận hội nghị |
Tuy nhiên, bên cạnh những lĩnh vực phát triển tốt nhưng cũng có những lĩnh vực trì trệ, còn nhiều vướng mắc do nguyên nhân chủ quan. Do vậy, Đoàn công tác Chính phủ ghi nhận và cùng với địa phương tổng hợp, có báo cáo kết quả làm việc cụ thể, chi tiết tới Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/5.
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng đã gợi mở nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động liên kết vùng; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; kinh tế lâm nghiệp, nông nghiệp; đầu tư thiết chế văn hóa cơ sở gắn với phát huy các giá trị văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh…
Đồng chí đề nghị các tỉnh tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch - dịch vụ theo tinh thần Nghị quyết 23; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, làm tốt công tác an sinh xã hội và chủ động rà soát để xử lý các vướng mắc, điểm nghẽn tại địa phương.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu kết luận hội nghị |
Trưởng Đoàn công tác Chính phủ nhấn mạnh, tinh thần của Chính phủ chỉ đạo các địa phương phải chủ động rà soát điểm nghẽn trong các lĩnh vực để có các đề xuất cụ thể, đạt hiệu quả. Đối với các vấn đề các địa phương đang gặp vướng mắc đề xuất Đoàn công tác gồm: Giải ngân vốn tư công; công tác quy hoạch ngành và địa phương chưa đồng bộ; xây dựng hạ tầng trọng điểm; Luật Đất đai còn kẽ hở, bất cập; công tác trồng, bảo vệ rừng; quy định về phòng cháy, chữa cháy… thì ngoài những nội dung cần sự hỗ trợ, phối hợp, xin ý kiến từ các bộ, ngành Trung ương, Quốc hội do vượt thẩm quyền giải quyết, Thủ tướng Chính phủ luôn khuyến khích người đứng đầu không trông chờ, ỷ lại, cần dám nghĩ, dám làm với tinh thần quyết liệt vì người dân, doanh nghiệp, vì tập thể để giải quyết vấn đề, lĩnh vực địa phương gặp phải.
Đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ thay mặt Tỉnh uỷ, UBND tỉnh gửi lởi cảm ơn và lời chúc sức khoẻ đến Đoàn công tác của Chính phủ |
Cuối hội nghị, đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã thay mặt Tỉnh uỷ, UBND tỉnh gửi lởi cảm ơn và lời chúc sức khoẻ đến Đoàn công tác của Chính phủ đã tạo điều kiện cho các tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin