(LĐ online) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, chiều 30/5, Quốc hội thảo luận tại tổ Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
ĐBQH Lâm Đồng tham gia thảo luận tổ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh |
Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh như mục tiêu đã đặt ra tại các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.
Tham gia góp ý nội dung này, ĐBQH Nguyễn Tạo – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng cho rằng: Các nội dung trong Dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đã cơ bản bám sát chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ; Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 về phương hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định: “Xây dựng, phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị”; “Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân, trung tâm phát triển của toàn vùng”.
Đại biểu bày tỏ sự thống nhất cao với nội dung của Dự thảo Nghị quyết, ngoài các quy định tương tự như các địa phương có cơ chế đặc thù như Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, dự thảo đã kế thừa Nghị quyết số 54/2017/QH14 và quy định những chính sách đặc thù, vượt trội tương thích với lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố như: Quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của thành phố; tổ chức bộ máy của thành phố Thủ Đức.
Đại biểu góp ý hiện nay, về nhu cầu đầu tư các dự án có tính chất vùng, liên vùng, nhất là các công trình giao thông trọng điểm tại khu vực Đông Nam Bộ là rất lớn; để Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân, trung tâm phát triển của toàn vùng thì giao thông ở các địa phương vệ tinh xung quanh cũng phải phát triển đồng bộ; thành phố muốn sử dụng nguồn vốn ngân sách của mình để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác là trái với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; do đó, Dự thảo Nghị quyết quy định “HĐND thành phố quyết định sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa thành phố và địa phương khác, các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua địa bàn thành phố; hỗ trợ các địa phương khác… trong các trường hợp cần thiết” sẽ góp phần huy động nguồn lực của thành phố hỗ trợ các dự án liên vùng, giúp các địa phương giảm ùn tắt giao thông, phát triển kinh tế - xã hội.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin