ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh đề nghị tiếp tục đầu tư nhân lực, vật lực, tài lực để phát triển hệ thống y tế cơ sở

NGUYỆT THU  16:53, 29/05/2023

(LĐ online) - Ngày 29/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh tham gia góp ý về về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19
ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh tham gia góp ý về về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, trước khi tiến hành thảo luận, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; xem video clip về kết quả giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội được triển khai trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát, mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường, những vấn đề tồn tại, phát sinh trong quá trình phòng, chống dịch đã và đang trong quá trình được khắc phục.

Qua giám sát cho thấy, công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch cơ bản thực hiện đúng chủ trương, chính sách đã ban hành. Trong đó, đã hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu và các lực lượng khác tham gia chống dịch; mua vắc xin phòng COVID-19; hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19; mua sắm kit xét nghiệm; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm; chi trả khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân COVID-19; sàng lọc, thu dung, cách ly y tế; hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở điều trị COVID-19, cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến…

Bên cạnh kết quả đạt được, Đoàn Giám sát cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, như: hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát hết, chưa điều chỉnh được các quan hệ, tình huống phát sinh. Việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch từ ngân sách nhà nước trong và sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch còn chậm trễ, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm. Công tác quản lý, điều phối nguồn lực xã hội có lúc, có nơi còn hạn chế, lúng túng trong tổ chức, thực hiện, hiệu quả sử dụng chưa cao. Đã có những sai phạm nghiêm trọng trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch…

Tham gia phát biểu đóng góp cho nội dung này, tại phiên họp, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng bày tỏ quan điểm: cơ bản tán thành với Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội. Báo cáo đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, công phu với 124 trang và 26 phụ lục.

Đại biểu nhấn mạnh: Ngày 5/12/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2348/QĐ-TTg (sau đây gọi là Quyết định 2348) phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống y tế cơ sở trong tình hình mới. Tuy nhiên, báo cáo của Đoàn giám sát chưa đề cập đến Quyết định này, đại biểu nêu cụ thể: Quyết định 2348 đặt mục tiêu cụ thể như sau: “3.Đến năm 2025: 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 100% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe”. Thời gian thực hiện đề án: Từ năm 2016-2025.

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã ban hành Chương trình hành động số 1379 ngày 19/12/2017 triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở theo Quyết định số 2348. Qua 5 năm thực hiện, đạt được một số kết quả so với mục tiêu đặt ra tại Quyết định 2348 như sau: Tỷ lệ trạm y tế xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT (%) lần lượt qua các năm 2018, 2019, 2020, 2021, 2022 là 94,1; 94,5; 93,1; 95,1; 95,4 vượt chỉ tiêu đã đặt ra tại quyết định 2348.  Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã (%) lần lượt qua các năm 2018, 2019, 2020, 2021, 2022 là 88,0; 92,4; 94,9; 96,5; 97,3 vượt chỉ tiêu đã đặt ra tại quyết định 2348.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật tại y tế cơ sở còn chưa đạt được mục tiêu đặt ra, cụ thể như sau: đối với tuyến xã, tỷ lệ trạm y tế xã thực hiện danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã,  có 26,54% số trung tâm y tế xã đạt trên 80% danh mục theo quy định; 54% đạt từ 50 đến dưới 80% và 21,58% số trung tâm y tế xã đạt dưới 50% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra tại Quyết định 2348 là đến năm 2020, có 90% trung tâm y tế xã thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã.

Đối với tuyến huyện: Tỷ lệ trung tâm y tế huyện thực hiện danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện có 32,36% số trung tâm y tế huyện đạt trên 80% danh mục theo quy định; 43,28% đạt từ 50 đến dưới 80% và 26,4% số trung tâm y tế huyện đạt dưới 50% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra tại Quyết định 2348 là đến năm 2020, có 95% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện.
 
Tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe tại cộng đồng (%) qua từng năm từ 2018 đến năm 2022 chỉ đạt lần lượt 39,2; 44,1; 57,2; 64,5; 72,7, vẫn còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu tại đặt ra tại Quyết định 2348 là đến năm 2025, 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe.

Để đạt được mục tiêu đặt ra tại Quyết định 2348 trong thời gian còn lại của Đề án là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Trong thời gian tới, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn Lâm Đồng đề nghị tiếp tục đầu tư nhân lực, vật lực, tài lực nhằm phát triển hệ thống y tế cơ sở, tiếp tục thực hiện những mục tiêu đặt ra tại Quyết định 2348 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển hệ thống y tế trong tình hình mới nhằm phát huy tối đa nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân trong tình hình mới trên tinh thần bảo vệ sức khoẻ tính mạng của nhân dân là trước hết, trên hết.