(LĐ online) - Chiều 5/5, tiếp tục thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, Tổ 3, Đoàn ĐBQH khoá XV tỉnh Lâm Đồng gồm các đồng chí: Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có buổi tiếp xúc cử tri với công nhân lao động trong các doanh nghiệp thuộc Khu Công nghiệp Lộc Sơn và trên địa bàn TP Bảo Lộc.
ĐBQH tiếp xúc cử tri tại các doanh nghiệp thuộc Khu Công nghiệp Lộc Sơn và trên địa bàn TP Bảo Lộc |
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, HĐND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Sở Công thương, Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo TP Bảo Lộc cùng đông đảo công nhân tham gia buổi tiếp xúc.
Tại buổi tiếp xúc, ĐBQH Nguyễn Văn Hiển đã thông tin nhanh tới cử tri những nội dung chính trong chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV được tổ chức thành 2 đợt: từ ngày 22/5 đến ngày 10/6/2023 và từ ngày 19/6 đến ngày 23/6/2023 tại Thủ đô Hà Nội.
Các đại biểu, sở, ban, ngành tham gia buổi tiếp xúc cử tri |
Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 8 dự án luật, 2 nghị quyết, cho ý kiến 8 dự án luật, xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Cử tri các doanh nghiệp thuộc Khu Công nghiệp Lộc Sơn và trên địa bàn TP Bảo Lộc kiến nghị ý kiến |
Xem xét báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Giám sát tối cao việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024 cùng các nội dung quan trọng khác.
Đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng ghi nhận, tiếp thu và giải thích rõ ràng các ý kiến, kiến nghị của cử tri |
ĐBQH tỉnh cũng báo cáo tới cử tri tình hình kinh tế - xã hội quý I của cả nước và của tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, trong 4 tháng đầu năm 2023 tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ước đạt hơn 4.911 tỷ đồng, bằng 33,9% dự toán địa phương, bằng 99,6% so với cùng kỳ. Tổng lượt khách du lịch đến Lâm Đồng ước đạt 3,1 triệu lượt, tăng 30,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 298,3 triệu USD, tăng 34,8% so với cùng kỳ. Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp được 9.550 người; giải quyết việc làm cho 9.400 lượt lao động, trong đó tạo việc làm mới 3.950 lao động; quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 1.545 người, xuất khẩu lao động 136 người.
Đoàn ĐBQH đến thăm công nhân của Công ty TNHH May mặc Tiến An |
Về tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, đến nay có 5 dự án đã hoàn thành thủ tục và đang triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng; 11 dự án đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục, hồ sơ. Các dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương đã được các cấp các ngành của tỉnh khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để khởi công trong năm 2023. Toàn tỉnh hiện có 107/111 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng hỏi thăm tình hình công việc, đời sống của công nhân |
Tính chung quý I năm 2023, cả nước có gần 34 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 310,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 212,3 nghìn lao động, giảm 2% về số doanh nghiệp, giảm 34,1% về vốn đăng ký và giảm 12,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước có hơn 23 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 3 tháng đầu năm 2023 lên gần 57 nghìn doanh nghiệp, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Cũng trong 3 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 42,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước; gần 12,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 13,1%; 4,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,5%. Bình quân một tháng có gần 20,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tình hình lao động, việc làm quý I năm 2023 của nước ta phục hồi tích cực, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của lao động tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tại buổi tiếp xúc, công nhân kiến nghị các ý kiến: Đề nghị Nhà nước, địa phương, các cấp quan tâm xem xét có chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ bán trả góp hoặc cho công nhân lao động vay vốn ưu đãi lãi suất thấp để mua nhà ở; xây dựng nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoặc gần khu công nghiệp để công nhân lao động có điều kiện được sinh hoạt, tập luyện văn hóa, thể thao.
Bên cạnh đó, tăng cường chính sách hỗ trợ đào tạo lại, đào tạo nghề mới, kết nối, giới thiệu việc làm để công nhân lao động có thể chuyển đổi, thích ứng ngay khi thị trường lao động có sự chuyển dịch giữa các ngành nghề. Tăng cường cơ chế bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động như: trao quyền để người lao động đề nghị phá sản, giải thể doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm không có khả năng chi trả; ưu tiên trả lương, bảo hiểm xã hội đối với người lao động trước hoặc cùng với thanh toán nợ tín dụng khi doanh nghiệp giải thể, phá sản. Mở rộng chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp và kể cả học tại các trường công lập. Giảm thời gian quy định tham gia BHXH trong quy định điều kiện được hưởng lương hưu hằng tháng để nhiều người lao động có cơ hội được nhận lương hưu (hiện nay là đủ 20 năm đóng BHXH trở lên).
Đồng thời, nghiên cứu giảm tuổi nghỉ hưu ở một số nghề lao động tay chân, dệt may, giày da, điện tử theo hướng trao quyền cho người lao động được lựa chọn nghỉ hưu ở độ tuổi từ 55 tuổi trở lên. Tìm giải pháp tháo gỡ cho công nhân lao động được hưởng quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT do bệnh viện xa khu công nghiệp, thời gian làm việc của công nhân là theo ca, kíp…
Riêng về Công đoàn, các cử tri kiến nghị về bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn, đã có quy định trong Luật Công đoàn năm 2012. Thực tế, nhiều doanh nghiệp không thực hiện những quy định Luật Công đoàn nhưng chưa được cơ quan Nhà nước xử lý (kể cả việc xử phạt vi phạm hành chính). Cử tri đề nghị nghiên cứu, hoàn thiện quy định xử lý vi phạm, đảm bảo quyền và điều kiện hoạt động công đoàn trong doanh nghiệp…
Tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri các doanh nghiệp thuộc Khu Công nghiệp Lộc Sơn và trên địa bàn TP Bảo Lộc, lãnh đạo TP Bảo Lộc; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã giải trình các ý kiến thuộc thẩm quyền. Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận, tiếp thu các ý kiến kiến nghị của cử tri. Vấn đề mà cử tri các doanh nghiệp thuộc Khu Công nghiệp Lộc Sơn và trên địa bàn TP Bảo Lộc kiến nghị đã được đồng chí Trần Đình Văn giải thích một cách rõ ràng, đầy đủ được cử tri đồng thuận và nhất trí cao.
Các ý kiến, kiến nghị khác ngoài thẩm quyền, tiếp tục được Đoàn tổng hợp trình Quốc hội và gửi các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Cũng trong chiều nay, Đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà cho 27 công nhân của Công ty TNHH May mặc Tiến An (Phường Lộc Tiến), mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin