Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (từ ngày 15/5 đến 17/5/2023) đã diễn ra thành công tốt đẹp. Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị lần này là Ban Chấp hành Trung ương tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII. Đây là việc làm cần thiết nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, đồng thời, góp phần đánh giá thực chất chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng.
Quang cảnh Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII. Ảnh: nhandan.vn |
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ mục đích lấy phiếu tín nhiệm là để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn các chủ trương, đường lối, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ; giúp các đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương, trình độ, năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng. Tổng Bí thư yêu cầu “Phải bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch trong việc lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Kiên quyết không để xảy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ”.
Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) và việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp Nhân dân và dư luận xã hội. Tuy nhiên, một số người đã bày tỏ sự hoài nghi, đánh giá hồ đồ rằng việc lấy phiếu tín nhiệm của Trung ương Đảng chỉ là hình thức, “vuốt ve” nhau. Có người còn cực đoan nhìn nhận, việc đánh giá mức độ tín nhiệm thông qua 3 mức độ là “tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp” không những không đánh giá đúng thực chất đối tượng được đánh giá, mà còn “đánh đồng” giữa những người có tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp. Trắng trợn hơn, một số báo nước ngoài như RFA, BBC tiếng Việt, VOA tiếng Việt, Đài Châu Á Tự do; đặc biệt là tổ chức phản động Việt Tân thường xuyên đăng tải các bài viết xuyên tạc rằng, đối với một chế độ cộng sản thì việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng chỉ là một cách “che mắt, đánh lừa dư luận” về dân chủ trong Đảng; thậm chí họ còn rêu rao, sau những cuộc đấu tranh, thanh trừng giữa các phe nhóm trong Đảng, những phiếu tín nhiệm cao sẽ thuộc về phe bảo thủ tạm thời thắng thế trên đấu trường chính trị...
Trong những nhiệm kỳ gần đây, việc lấy phiếu tín nhiệm đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị đã được Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định là việc làm cần thiết, được thực hiện dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng để cấp ủy các cấp đánh giá chính xác, bố trí sử dụng đúng cán bộ. Việc xác định 3 mức độ “tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp” trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo không phải là hình thức “cào bằng” khi xem xét, nhận định mức độ hoàn thành cương vị chức trách của cán bộ như có người suy nghĩ phiến diện, mà chủ yếu nhằm tiếp cận, đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và chất lượng, hiệu quả công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm. Hơn nữa, việc xác định 3 mức độ tín nhiệm này nhằm bảo đảm cho việc lấy phiếu tín nhiệm được khách quan hơn, thận trọng và thấu đáo hơn, tránh hiện tượng cảm tính mà người bỏ phiếu dễ nhận định, đánh giá chưa đúng mực, chuẩn xác về cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm.
Quy định số 96-QĐ/TW, ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị (khóa XIII) đã chỉ rõ hai tiêu chí quan trọng lấy phiếu tín nhiệm là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu). Trong đó, có xét đến khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm; kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc lấy phiếu tín nhiệm còn xem xét đến tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; kết quả lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Kết quả tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) cho thấy việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư được thực hiện dân chủ, khách quan, công tâm, minh bạch, bảo đảm đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đồng thời, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng khẳng định Đảng ta nói chung, mỗi cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng nói riêng luôn có ý thức, tinh thần cầu thị, tôn trọng lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng và Nhân dân. Những thông số của mỗi lá phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng là tiền đề, cơ sở để mỗi cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, không ngừng hoàn thiện phẩm chất nhân cách và nâng cao năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu vì một đất nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh và hạnh phúc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin