Hơn 710 mã số vùng trồng bị Cục Bảo vệ thực vật thu hồi. Điều này cũng đồng nghĩa những sản phẩm nông nghiệp ở các vùng này bị “mất định danh nguồn gốc xuất xứ”. Việc cấp mã số vùng trồng là để xác nhận nguồn gốc xuất xứ của nông sản. Đi kèm với đó là những tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn. Mất cái này thì lấy gì để chứng minh hàng nông sản của mình đảm bảo chất lượng và an toàn? Không có nó thì đương nhiên là thị trường bị thu hẹp. Những hàng hóa tham gia xuất khẩu đòi hỏi ngày càng nghiêm ngặt về chất lượng. Ngay trước đây, chúng ta thường cho thị trường Trung Quốc là thị trường dễ tính. Dễ tính theo nghĩa là người ta đòi hỏi và kiểm soát chất lượng không nghiêm ngặt (như những thị trường như Mỹ và châu Âu chẳng hạn). Có một yếu tố khác hỗ trợ cho điều này là phương thức xuất khẩu thường là tiểu ngạch. Nay xuất tiểu ngạch cũng bị Trung Quốc siết chặt.
Những nơi được cấp mới mã số vùng trồng là một tin mừng, vì nó xác nhận nguồn gốc xuất xứ và chất lượng. Nếu vùng trồng đó không tuân thủ được những tiêu chí được đưa ra theo yêu cầu thì sẽ không được cấp. Được cấp mã số vùng trồng cũng có nghĩa là sự công nhận chất lượng.
Giờ thì mã số vùng trồng bị thu hồi. Có nghĩa là có một giai đoạn vùng trồng đó đạt chất lượng. Giờ thì không.
Hàng nông sản không có nguồn gốc xuất xứ và được giám sát chất lượng nghiêm ngặt thì khó mà tham gia xuất khẩu được trong bối cảnh hiện nay. Cái nguy chính là ở chỗ này. Vùng trồng đã hình thành rồi. Sản phẩm cũng đã ra đời rồi. Không xuất khẩu được thì hàng hóa này sẽ được bán đi đâu? Không bán cho nước ngoài thì bán cho thị trường nội địa chứ bán ở đâu nữa!? Tức là cây trồng ở ta bán cho dân ta dùng. Có thể nhìn thấy sự nguy hiểm chính là ở chỗ này. Nếu không đảm bảo chất lượng xuất khẩu (vì họ giám sát nghiêm ngặt) thì đã có thị trường nội địa tiêu thụ (chưa nói đến chuyện giá cả như thế nào). Nói trắng ra là dân ta có thể sử dụng những sản phẩm không đạt yêu cầu chất lượng tốt. Chúng ta cứ ra chợ thì biết, làm sao dân mình biết được bó rau này, trái cây kia được làm ra ở đâu, chất lượng như thế nào. Cho nên, quản lý chất lượng đòi hỏi phải quản lý từ gốc, tức là nơi làm ra nó.
Đến đây thì chúng ta thấy, một yêu cầu cấp thiết không phải là nơi nào không đảm bảo các tiêu chí về sản xuất thì chúng ta thu hồi mã số vùng trồng là xong, mà quan trọng nhất là tìm các giải pháp duy trì cho được mã số vùng trồng. Và mã số vùng trồng này ngày càng được mở rộng sự bao phủ. Tức là tiến tới mọi sản phẩm được làm ra phải đảm bảo chất lượng. Đối với những vùng trồng nhỏ, giám sát cho được chất lượng là một việc không dễ dàng, nhưng khó không có nghĩa là chúng ta “bỏ mặc”, không tìm ra giải pháp. Không xuất khẩu được nó sẽ ảnh hưởng đến kinh tế. Nhưng hàng hóa nông sản không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nó cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng nội địa (như trên đã nói, hàng không đạt chuẩn xuất khẩu thì tiêu thụ nội địa).
Như vậy, câu chuyện không còn là cấp mới hay thu hồi mã số vùng trồng mà là tổ chức sản xuất và giám sát sao cho mọi vùng trồng phải đạt chuẩn. Muốn làm được điều này thì phải tổ chức lại vùng sản xuất. Có thể không làm ngay được nhưng có thể tổ chức dần để đạt đến độ phù hợp, dễ giám sát. Tăng cường công tác kiểm tra, nghĩa là cần chú trọng lực lượng đủ năng lực giám sát chất lượng. Người trồng cũng cần được nâng cao nhận thức về điều này. Chúng ta tự tổ chức kiểm tra, giám sát chính mình sẽ có lợi hơn kể cả trong việc xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa, bởi sức khỏe của người dân chúng ta cũng quý hơn vàng vậy.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin