Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có vai trò quản lý, điều hành, dẫn dắt; đồng thời, chịu trách nhiệm về mọi hoạt động tại đơn vị mình phụ trách. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, vấn đề “nêu gương” của người đứng đầu luôn được đề cao, phát huy để lãnh, chỉ đạo đơn vị đi đúng định hướng, tạo hiệu quả rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tại Lâm Đồng, đánh giá khái quát về nội dung này, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Trọng Ánh Đông nhận định có chuyển biến từ khi tập trung quán triệt, chỉ đạo nội dung này.
Đồng chí Nguyễn Trọng Ánh Đông - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2023 về công tác xây dựng Đảng |
Chúng ta đều biết, ngày 7/6/2012, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 101 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; ngày 19/12/2016, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55 về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; ngày 25/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; ngày 18/5/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 01 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Một đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ” và “Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.
Vấn đề nêu gương của người đứng đầu đến nay vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự. Thực tế cho thấy, nếu người lãnh đạo gương mẫu, chính trực có thể giúp tập thể đoàn kết, phát triển vững mạnh; nhưng nếu người lãnh đạo suy thoái về tư tưởng, đạo đức, không phát huy vai trò nêu gương có thể khiến nội bộ lục đục, suy yếu.
Thực hiện Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới và Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành chương trình hành động. Đó là Chương trình hành động số 42, ngày 28/12/2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Chương trình hành động số 52, ngày 10/3/2023 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Việc triển khai các quy định, kết luận nêu trên đã phát huy hiệu quả tích cực trên thực tế, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhiều cơ quan, đơn vị đã triển khai các phong trào thi đua sôi nổi bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tạo ra những chuyển biến rõ rệt trong việc thực thi kỷ luật, kỷ cương; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu nhận thức rõ hơn về trách nhiệm nêu gương. Từ đây góp phần tích cực để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.
Đồng chí Nguyễn Trọng Ánh Đông - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lâm Đồng nhấn mạnh trong Hội nghị sơ kết quý I mới đây: Có thể khẳng định trong 3 tháng đầu năm với khối lượng công việc nhiều, đặc biệt, có những việc gấp, thời gian ngắn nhưng với tinh thần “Chủ động, linh hoạt, thích nghi, kịp thời, sâu sát, quyết liệt” toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh đã tham mưu và triển khai hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Cụ thể đã hoàn thành tốt công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại năm 2022 và đây là cơ sở để làm tiền đề cho những năm sau. Thực hiện kiểm điểm sát hơn, không chạy theo thành tích (năm 2021: số tổ chức cơ sở đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên 19%, năm nay hạ xuống còn 16,7% - thấp nhất trong nhiều năm liền). Tuy mới đầu năm nhưng khối lượng công việc rất nhiều, toàn ngành tham mưu 18 văn bản cho Tỉnh ủy và Ban Tổ chức Trung ương, chưa tính các loại văn bản khác. Nhưng toàn ngành đã cố gắng hoàn thành để đảm bảo tiến độ công việc.
Vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng được nâng lên, sâu sát, trách nhiệm. Phương pháp, phong cách, lề lối, tác phong làm việc có sự đổi mới.
Vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị về công tác cán bộ được phát huy. Việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025; 2021 - 2026 và xây dựng quy hoạch mới nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031 đảm bảo chất lượng, số lượng, cơ cấu theo quy định. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, chính sách cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Về nội dung nêu gương, người đứng đầu phải bảo đảm tốt các yếu tố bao gồm: tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống và tác phong sinh hoạt, công tác. Cùng với đó là những tiêu chuẩn không thể thiếu về trình độ, năng lực, phẩm chất, phong cách của người lãnh đạo dám chịu trách nhiệm, có quan điểm, phương pháp làm việc khách quan, toàn diện và cụ thể, liêm chính. Trong hoạt động quản lý, điều hành tại đơn vị mình, người đứng đầu cần tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, biết lắng nghe, phát huy trí tuệ của cấp dưới, tránh chuyên quyền, độc đoán; dám chịu trách nhiệm khi mắc sai lầm, khuyết điểm. Chỉ khi là “đầu tàu gương mẫu”, người lãnh đạo mới thu phục được nhân tâm, sự tin yêu của cấp dưới, để từ đó tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong nội bộ, cùng nhau hoàn thành tốt những nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin