(LĐ online) - Sáng ngày 9/5, thực hiện Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Thường trực HĐND tỉnh Lâm Đồng tổ chức phiên họp thứ 17 – phiên chất vấn và giải trình về “Các nội dung thuộc lĩnh vực quy hoạch đô thị” và nội dung giải trình “Việc đầu tư, quản lý, vận hành và phát huy hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh”.
Đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc phiên chất vấn |
Đây là những nội dung được cử tri và nhân dân trong tỉnh rất quan tâm thời gian gần đây.
Tham dự và chủ trì điều hành phiên chất vấn có đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh iy3, Chủ tịch HĐND tỉnh. Cùng điều hành phiên chất vấn có các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, các vị ủy viên thường trực HĐND.
Cùng tham dự phiên chất vấn có đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, các Ban xây dựng Đảng, các sở, ngành, địa phương và đông đủ đại biểu HĐND tỉnh khoá X.
Quang cảnh phiên chất vấn |
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Đức Quận nhấn mạnh: Thời gian qua, công tác lập và quản lý, thực hiện quy hoạch đô thị luôn được các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện đã góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo các đô thị theo hướng văn minh, hiện đại và nâng cao chất lượng sống cho người dân. Các quy hoạch được phê duyệt tạo điều kiện để thu hút nhiều nguồn lực tham gia đầu tư góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tuy nhiên, công tác lập, quản lý quy hoạch đô thị hiện nay là một trong những vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, được nhiều đại biểu HĐND, cử tri quan tâm; vấn đề đã được người được chất vấn trả lời trực tiếp tại một số kỳ họp HĐND tỉnh nhưng đại biểu HĐND tỉnh vẫn còn có ý kiến, cụ thể: Chất lượng lập một số quy hoạch chưa cao, thiếu tính khả thi, không bảo đảm nguồn lực để thực hiện, triển khai chậm, kéo dài, gây lãng phí tài nguyên đất; đồng thời tác động tiêu cực tới tâm lý người dân trong vùng dự án. Nội dung một số đồ án quy hoạch đô thị còn thiếu đồng bộ, còn chồng chéo giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng rừng; công tác lập quy hoạch thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương; một số dự án đầu tư xây dựng không tuân thủ quy hoạch được duyệt. Công tác quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị chưa được quan tâm đúng mức. Trình tự thủ tục thực hiện quy hoạch đô thị tại một số địa phương chưa đảm bảo theo quy định.
Thường trực HĐND tỉnh đã xem xét và chọn 2 nội dung chất vấn và giải trình tại phiên họp này để đánh giá đầy đủ, khách quan những mặt tích cực, hạn chế, vướng mắc và làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan. Hoạt động chất vấn và giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần nâng cao vai trò, vị trí, hiệu lực của HĐND. Việc tổ chức hoạt động chất vấn và giải trình có ý nghĩa quan trọng trong việc xem xét, giải quyết những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm.
Trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu 27 câu hỏi liên quan đến quy hoạch đô thị được các Tổ HĐND tỉnh tổng hợp từ cử tri và nhân dân trong toàn tỉnh, các đại biểu đã đặt câu hỏi chất vấn xoay quanh nội dung này.
Đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Lâm Vũ - Ủy viên thường trực HĐND, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách đã đặt câu hỏi đối với Giám đốc Sở Xây dựng về quy hoạch đô thị |
Mở đầu phiên chất vấn, ông Nguyễn Lâm Vũ - Ủy viên thường trực HĐND, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách đã đặt câu hỏi đối với Giám đốc Sở Xây dựng: Theo báo cáo của sở Tài nguyên - Môi trường thì quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị có sự chồng chéo, không đồng nhất, không hợp lý, cùng một vị trí đất nhưng quy hoạch sử dụng đất là đất ở, trong khi đó quy hoạch xây dựng là đất công viên cây xanh, công cộng, hạ tầng. Đơn cử như tại thành phố Đà Lạt, đoạn từ La Sơn Phu Tử đến nhà hàng Thắng Lợi, khu vực đoạn đường Đồng Tâm, hẻm sau trường Tây Sơn có quy hoạch sử dụng đất là đất ở. Tuy nhiên, quy hoạch chung của thành phố theo Quyết định số 704 ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ là đất công viên cảnh quan. Hoặc đoạn đường Trần Phú nối với Bưu điện tỉnh, đường Đống Đa, đoạn bên trái quy hoạch đất ở và đất du lịch hỗn hợp, dọc đường Thánh Mẫu quy hoạch đất ở và đất nông nghiệp sạch đô thị.
Tại huyện Bảo Lâm, một số vị trí đất trên địa bàn các xã, thị trấn theo quy hoạch sử dụng đất là đất ở. Tuy nhiên, theo quy hoạch chung xây dựng lại thuộc công viên cây xanh, đất dự trữ, công trình công cộng hoặc theo quy hoạch nông thôn mới lại là khu nông nghiệp, trồng cây lâu năm.
Quy hoạch đô thị Finôm - Thạnh Mỹ đến năm 2035 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 637/QĐ - UBND ngày 25/3/2021 không kế thừa các quy hoạch đã được phê duyệt như quy hoạch sử dụng đất huyện Đơn Dương đến năm 2020, quy hoạch chung nông thôn mới xã Đạ Ròn…
Vậy, đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết nguyên nhân của những bất cập, chồng chéo giữa các quy hoạch nêu trên? Giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng nêu trên trong thời gian tới?
Tiếp tục đặt câu hỏi liên quan trách nhiệm Sở Xây dựng, ông Nguyễn Lâm Vũ đặt câu hỏi: Qua hoạt động giám sát của cơ quan dân cử tại địa phương cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có hàng chục đồ án quy hoạch kéo dài nhiều năm chưa được triển khai thực hiện. Điển hình như trong tổng số 22 quy hoạch phân khu tại thành phố Đà Lạt có 15 đồ án quy hoạch kéo dài từ 3 - 5 năm. Trong 22 đồ án quy hoạch được thẩm định và phê duyệt chỉ có 2 đồ án được duyệt tổ chức cắm mốc là khu B7 và A11.
Đại biểu Dương Thị Ngà - Ủy viên thường trực, Trưởng Ban Pháp chế đặt câu hỏi về xây dựng quy chế quy hoạch kiến trúc |
Liên quan đến quản lý kiến trúc, đô thị, bà Dương Thị Ngà - Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế đặt câu hỏi: Để triển khai việc xây dựng quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch 7589 để các địa phương thực hiện và dự kiến hoàn thành xây dựng quy chế quản lý kiến trúc đối với các thị trấn và 2 thành phố của tỉnh trong năm 2022. Tuy nhiên đến nay tiến độ rất chậm. Đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết nguyên nhân và khó khăn, vướng mắc nào?
Đại biểu Lưu Đại Phong - Ủy viên thường trực, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội đặt câu hỏi về quy hoạch chung đô thị Đức Trọng |
Đại biểu Lưu Đại Phong - Ủy viên thường trực, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh quan tâm và đặt câu hỏi liên quan đến quy hoạch chung đô thị Đức Trọng được xây dựng dựa trên hướng dẫn của Sở Xây dựng. Tuy nhiên, khi xây dựng xong đồ án trình UBND tỉnh phê duyệt thì thẩm quyền phê duyệt lại thuộc Thủ tướng Chính phủ. Việc nhầm lẫn nêu trên làm chậm tiến độ thực hiện đồ án, lãng phí công sức, tiền bạc, vậy trách nhiệm thuộc về ai, biện pháp khắc phục vấn đề nêu trên ra sao?
Có đại biểu đặt vấn đề việc cắm mốc giới quy hoạch đô thị hiện nay đã và đang được chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên mức độ hoàn thành đến nay chưa đạt yêu cầu đề ra, nguyên nhân vướng mắc do đâu?
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Quang Trung tiếp thu, giải trình nội dung quy hoạch thuộc thẩm quyền |
Tại phiên giải trình, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Quang Trung đã tiếp thu, giải trình cụ thể các nội dung thuộc thẩm quyền, trước hết nhận trách nhiệm của sở trong quá trình thực hiện quy hoạch nhiều năm qua. Tuy nhiên, nguyên nhân của những bất cập về quy hoạch chủ yếu do chất lượng đồ án chưa cao, khảo sát, đánh giá quy hoạch chưa kỹ lưỡng. Việc công khai lấy ý kiến nhân dân về công tác quy hoạch đa số vẫn còn hình thức, chưa trọng tâm, trọng điểm, người tiếp thu chưa tổng hợp ý kiến đầy đủ. Trách nhiệm chính vẫn là thuộc chủ đầu tư, mặt khác do sự phối hợp với nhà tư vấn chưa phát huy hiệu quả. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước nói chung trong quá trình xây dựng đồ án, lập đồ án và thẩm định đồ án. Trong quá trình thẩm định tập trung về tiến độ hoàn thành chứ chưa chú trọng nâng cao chất lượng. Mặt khác, do cơ quan quản lý nhà nước hiện nay chưa có cán bộ chuyên làm công tác thẩm định nên cũng là một trong những nguyên nhân khó khăn, vướng mắc…
Liên quan đến cấp nước sạch, đại biểu Cil Ha Drang - Ủy viên thường trực, Trưởng Ban Dân tộc - HĐND đặt câu hỏi: Đến nay, toàn tỉnh có 277 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn gồm 216 công trình giếng khoan và 61 công trình cấp nước tự chảy nhưng chỉ có 7 công trình hoạt động bền vững, 91 công trình tương đối bền vững, 75 công trình hoạt động kém bền vững; 104 công trình không hoạt động. Trong khi kinh phí cho 277 công trình trên là 381 tỷ đồng. Đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết nguyên nhân và trách nhiệm của sở ra sao về để xảy ra bất cập nêu trên?
Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Sĩ Bích tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu chất vấn về công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn |
Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Sĩ Bích tiếp thu, giải trình cụ thể nội dung đại biểu nêu. Do đơn vị tư vấn, sự quan tâm của các cấp ngành, trong đó có Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn hạn chế. Công tác kiểm tram, giám sát, đôn đốc, tham mưu tỉnh còn hạn chế, chưa thường xuyên, chưa có biện pháp cụ thể.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp tiếp thu, giải trình làm rõ thêm một số nội dung thuộc thẩm quyền |
Cũng tại buổi chất vấn, với trách nhiệm và thẩm quyền, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đã tiếp thu, giải trình làm rõ hơn một số nội dung thuộc thẩm quyền điều hành, quản lý và chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương tập trung cao độ để khắc phục những tồn tại, hạn chế thuộc nội dung chất vấn hôm nay.
Phát biểu bế mạc và chỉ đạo khắc phục những bất cập trong quy hoạch đô thị và các nội dung khác, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Đức Quận ghi nhận, đánh giá cao các đại biểu HĐND tỉnh đã đặt câu hỏi chất vấn, nội dung yêu cầu giải trình sát với tình hình thực tế tại địa phương; việc trả lời chất vấn và giải trình của các cơ quan nhà nước cơ bản đảm bảo các nội dung yêu cầu được đại biểu nêu ra tại phiên họp.
Đối với nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực quy hoạch đô thị, để thực hiện tốt công tác quy hoạch đô thị trong thời gian tới, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, từng đô thị nhằm phục vụ yêu cầu thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành triển khai toàn diện các giải pháp, trong đó đề nghị UBND tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo, nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch, cảnh quan đô thị, trật tự xây dựng; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các đồ án quy hoạch phù hợp với định hướng quy hoạch chung đã được phê duyệt. Chỉ đạo UBND các cấp trong phạm vi quản lý cần tiếp tục lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại những khu vực cần tạo quỹ đất để mời gọi đầu tư dự án phát triển đô thị.
Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc lựa chọn đơn vị tư vấn lập đồ án quy hoạch đảm bảo điều kiện về năng lực, kinh nghiệm và phù hợp với quy mô đồ án theo quy định và có sự am hiểu sâu sắc các đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa và tiềm năng phát triển của địa phương. Chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình HĐND tỉnh ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị theo quy định của Luật Kiến trúc.
Đề nghị Sở Xây dựng nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tham mưu cho UBND tỉnh về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực quy hoạch; việc triển khai lập quy hoạch phải thực hiện công khai, minh bạch, lấy ý kiến của nhân dân; đồng thời tiếp thu ý kiến đóng góp từ các chuyên gia đầu ngành để nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch. Tiếp tục rà soát các quy hoạch đô thị chậm triển khai, không triển khai hoặc triển khai cầm chừng; những quy hoạch có sự khác biệt giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị (không đồng bộ giữa các quy hoạch) báo cáo UBND tỉnh có giải pháp xử lý.
Liên quan “Việc đầu tư, quản lý, vận hành và phát huy hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh” mà đại biểu HĐND chất vấn, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác dân tộc; nhất là đối với lĩnh vực đầu tư nước sinh hoạt vùng đồng bào dân tộc thiểu số để thực sự phát huy hiệu quả đầu tư và người dân được hưởng lợi từ công trình đã đầu tư. Đồng thời trong giai đoạn tiếp theo, thực hiện đảm bảo chức năng, nhiệm vụ trong tham mưu, triển khai thực hiện Dự án 1 trong Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin