Có con số ước tính bất động sản (BĐS) chiếm chừng 10% GDP. Nếu tính sức lan tỏa của nó ra các ngành khác thì con số còn lớn hơn nhiều. Chính vì vậy mà nó rất quan trọng đối với nền kinh tế.
Vì nó quan trọng cho nên nhiều người quan tâm. Các nhà thực hiện dự án, những nhà đầu tư, các nhà kinh tế, các nhà băng, chính quyền các địa phương, Chính phủ… đều “để mắt” dõi theo nó. Nó hưng phấn quá người ta cũng lo ngại. Nó trầm lắng quá người ta lại càng lo ngại. Đối với các nhà đầu tư, dòng tiền có thể bị chôn chặt. Nhà băng lo có thể bị nợ xấu. Chính phủ lo sự trì trệ của nền kinh tế, hầu bao ngân sách có thể vơi bớt, việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng…
Quan trọng của thị trường BĐS là vậy. Cho nên chúng ta thấy, thời gian vừa rồi, Chính phủ tập trung chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết nhiều vấn đề của thị trường BĐS mà mục đích là “hâm nóng” lại nó.
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện cái gọi là “tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý” cho các dự án BĐS, nó cũng cho thấy một điều, hóa ra, đối với một ngành quan trọng như vậy nhưng về mặt pháp lý, có vẻ như cả chính quyền có thẩm quyền cấp phép thực hiện dự án, những nhà đầu tư thực hiện dự án vẫn không lường hết được những khó khăn về pháp lý. Hiểu một cách khác, người ta thực hiện dự án, trong khi đổ vào đó rất nhiều tiền nhưng vẫn không nghiên cứu kỹ những quy định của pháp luật. Thực hiện dự án xong rồi thì người ta bảo có những cái vướng pháp luật? Giờ tháo gỡ những vướng mắt về pháp lý tức là tìm cách sửa, điều chỉnh những quy định của luật pháp để “khai thông” thị trường. Có thông tin cho biết, chỉ riêng ở TP Hồ Chí Minh đã có 32 dự án “vướng mắc” về mặt pháp lý. Vừa rồi, chính quyền thành phố kiến nghị với tổ công tác của Chính phủ và đã gỡ vướng được 16 dự án...
Bảo rằng, chính quyền địa phương khi cấp thực hiện dự án; những nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư với số vốn rất lớn nhưng trước khi thực hiện dự án không nghiên cứu tường tận về những quy định của pháp luật có vẻ như thiếu sức thuyết phục. Một, hai dự án bị vướng thì chúng ta nói rằng họ không chuyên nghiệp, ít am tường quy định pháp luật; những nhà đầu tư nhỏ lẻ không am hiểu về pháp luật thì còn khả dĩ chấp nhận được. Ở đây cả hàng chục dự án lớn, thu hút một lượng vốn khổng lồ mà khi làm xong mới… biết vướng thì có vẻ hơi bị lạ!
Nhưng thực tế là vướng thật. Có thể có một cách giải thích khác, mà có vẻ như sát thực tế việc thực thi và chấp hành pháp luật ở Việt Nam là không ít trường hợp mặc dù thủ tục chưa đầy đủ vẫn cứ làm, sau đó vướng thì tìm cách gỡ sau. Những dự án BĐS thường thủ tục rất phức tạp, thời gian làm thủ tục kéo dài, có thể làm cho nhà đầu tư “thiếu kiên nhẫn”. Cứ thấy “hòm hòm” về mặt thủ tục thì thực hiện, vừa thực hiện vừa bổ sung. Mặc dù những quy định pháp luật của chúng ta nhiều người thừa nhận là phức tạp, chồng chéo và kể cả có những quy định không còn phù hợp với thực tiễn nữa. Nhưng dù có như vậy, một khi nó chưa được sửa đổi thì nó vẫn còn hiệu lực thi hành.
Một bài học rút ra ở đây là thường xuyên rà soát để điều chỉnh những quy định sao cho thuận lợi nhất để mọi hoạt động của xã hội vận hành suôn sẻ. Nhưng cũng nhắc nhở cả nhà quản lý và người thực thi, không thể vì sự “phức tạp” của pháp luật mà… cầm đèn chạy trước ô tô. Vì như thế nó sẽ tạo ra những tiền lệ làm “nhờn pháp luật”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin