Mới vào những tuần đầu hè, Việt Nam đã ghi nhận những ngày nắng nóng với nhiệt độ kỷ lục trên diện rộng cả nước kéo theo nhiều hệ lụy, đặc biệt là nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt của người dân cũng như sản xuất, kinh doanh tăng cao. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cảnh báo không còn điện dự phòng, nguy cơ thiếu điện.
Theo EVN, trong ngày 19/5, phụ tải toàn hệ thống điện quốc gia đã tăng lên mức kỷ lục mới, xấp xỉ 924 triệu kWh/ngày, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 10,5% so với cùng kỳ tháng 5/2022; công suất tiêu thụ cực đại đạt 44.600 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 8,5% so với cùng kỳ tháng 5/2022.
Trong khi đó, nắng nóng, hạn hán dẫn đến thiếu nước nghiêm trọng ở các hồ thủy điện. Ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc EVN cho biết, tại miền Bắc, 12/12 hồ thủy điện lớn có lưu lượng nước về hồ rất kém. 17/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về mực nước chết hoặc gần mực nước chết, tần suất nước về nhiều hồ thấp nhất trong nhiều năm qua.
Trong tháng 4 và tháng 5, nước về các hồ thủy điện chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm (TBNN), một số hồ chỉ đạt 20% so với TBNN, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện, nhiều nhà máy thủy điện tiếp tục bị suy giảm công suất do mực nước thấp. Cũng theo ông Trần Đình Nhân, dù Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã triệt để khai thác tiết kiệm thủy điện nhưng tính đến ngày 21/5, sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 2,911 tỷ kWh, thấp hơn 1,726 tỷ kWh so với kế hoạch năm. Trong đó, miền Bắc thấp hơn 1,033 tỷ kWh, miền Trung thấp hơn 435,6 triệu kWh, miền Nam thấp hơn 258 triệu kWh… Để đảm bảo cung ứng điện, EVN đã phải huy động các nguồn nhiệt điện chạy dầu DO+F. Hệ thống điện đã không còn công suất dự phòng, nguy cơ thiếu điện…
Năm 2023 được dự báo sẽ xác lập nhiều kỷ lục nắng nóng do tác động của hiện tượng El Nino, có nhiều ngày nắng nóng kéo dài với nền nhiệt trên 36 độ C sẽ đẩy nhu cầu sử dụng điện tăng rất cao ở cả khu vực sản xuất và dân sinh. Đồng thời, theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sẽ tiếp diễn đến cuối mùa khô năm nay, các hồ chứa lớn trên phạm vi cả nước đều thấp hơn từ 15 - 40% so với TBNN, như thế tình hình cung ứng điện càng thêm khó khăn.
Từ đầu năm, Chính phủ, Bộ Công thương có những chỉ đạo sát sao, EVN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nỗ lực nhằm bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh bảo đảm nguồn cung điện gặp nhiều khó khăn, EVN đang triển khai mọi biện pháp để bổ sung nguồn cung. Đồng thời, kêu gọi sự vào cuộc, phối hợp của các bộ, ban, ngành, địa phương, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả rất quan trọng, góp phần giảm áp lực trong việc cung ứng và vận hành hiệu quả hệ thống điện quốc gia. EVN yêu cầu các tổng công ty, công ty điện lực phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) theo yêu cầu của các cấp điều độ. Đã có 11.000 khách hàng ký thỏa thuận tham gia chương trình DR để tiết kiệm điện theo lệnh điều độ để đảm bảo yêu cầu vận hành an toàn hệ thống điện. Trung bình mỗi ngày, các đơn vị đã thực hiện từ 80 - 90 sự kiện DR với khoảng 2.500 doanh nghiệp tham gia, công suất cao điểm tiết giảm được hơn 400 MW.
EVN đã có văn bản gửi tới UBND các tỉnh, thành phố kiến nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo công tác sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn, điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện phi thương mại.
Thời gian tới, Bộ Công thương ưu tiên việc kiểm tra các Sở Công thương địa phương trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước để thi hành các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chỉ thị về tăng cường tiết kiệm điện của Thủ tướng Chính phủ…
Theo ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương), trong tất cả các chương trình này, cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, UBND tỉnh, thành phố và Sở Công thương đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Theo các chuyên gia, cùng với bảo đảm sản xuất, cung ứng điện ổn định, việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả không chỉ của những doanh nghiệp trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, mà của mỗi người tiêu dùng trong sinh hoạt cũng hết sức quan trọng nhưng nhiều khi lại từ những việc rất đơn giản.
Vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện của tất cả các thiết bị làm mát như quạt điều hòa, tủ lạnh, máy thiết bị làm mát khác đều tăng cao. Nhưng còn không ít khách hàng, người sử dụng điện chưa chú ý, chưa có kỹ năng sử dụng các thiết bị đúng lúc, đúng chỗ đúng cách và đúng nhu cầu. Ví dụ như khi ra khỏi phòng làm việc hoặc ra khỏi cơ quan thì không tắt điện hoặc là để điều hòa nhiệt độ quá thấp. Trong khi đó công tác kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ máy móc, thiết bị điện cũng không thực hiện thường xuyên, đây chính cũng là một áp lực lên hệ thống cung cấp điện…
Chính vì vậy, để bảo đảm được nguồn cung ứng điện liên tục, ổn định trong những ngày nắng nóng, ngành điện đề nghị người dân cùng chung tay sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; từ những thói quen, kỹ năng hằng ngày, tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết, hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện trong giờ cao điểm của hệ thống điện; không sử dụng nhiều thiết bị điện cùng một lúc để tránh quá tải lưới điện, đồng thời, đề phòng các nguy cơ gây cháy nổ hệ thống điện của dân cư, lưới điện, trạm điện.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin