Đại biểu Nguyễn Tạo góp ý Luật Các tổ chức tín dụng

NGUYỆT THU 19:44, 10/06/2023

(LĐ online) - Chiều ngày 10/6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận toàn thể ở hội trường về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

ĐBQH Nguyễn Tạo tham gia góp ý Luật Các tổ chức tín dụng
ĐBQH Nguyễn Tạo tham gia góp ý Luật Các tổ chức tín dụng

Tích cực tham gia đóng góp dự án luật cùng các ĐBQH các tỉnh, thành phố,  trên tinh thần trách nhiệm, đáp ứng nguyện vọng cử tri, đại biểu Nguyễn Tạo – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý cũng như tạo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống ngân hàng. Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết đã góp phần lành mạnh hóa hoạt động của các tổ chức tín dụng, hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra, giám sát hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng phát sinh một số vấn đề mới chưa được pháp luật quy định như trong tờ trình, Báo cáo thẩm tra và các ĐBQH khác đã nêu, đó là: Hoạt động mua bán các loại chứng khoán khác không phải là cổ phiếu, trái phiếu; hoạt động cung cấp thông tin của chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho ngân hàng mẹ, xử lý sự cố khách hàng rút tiền hàng loạt tại tổ chức tín dụng phát sinh trong thời gian gần đây... Bên cạnh đó, Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023 có thể ảnh hưởng tới quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nếu không có một văn bản thay thế kịp thời.

Đề nghị khắc phục các vấn đề mới phát sinh trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Luật Các tổ chức tín dụng đã đóng góp quan trọng trong đảm bảo ổn định cho hệ thống ngân hàng, làm lành mạnh hóa các tổ chức tín dụng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. 

Đại biểu bày tỏ sự tán thành cao với nhiều nội dung của dự thảo luật. Đại biểu cho rằng, về lãi suất phí trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng được quy định tại Điều 91, khoản 2 Điều này có quy định về lãi suất trong hoạt động tín dụng của ngân hàng chưa thực sự rõ ràng, minh bạch, khi xảy ra sự cố thì có áp dụng trần lãi suất tối đa tại khoản 1 Điều 486 của Bộ luật Dân sự. 

Đại biểu đề nghị sửa lại khoản 2 Điều 91 như sau: Việc áp dụng lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật ngân hàng, để thích ứng với đối tượng, thời điểm cho vay cụ thể, bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ nhằm xác định rõ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong hợp đồng tín dụng trước các rủi ro pháp lý xảy ra trong quá trình thực hiện.

Về xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay (Điều 93), đại biểu Nguyễn Tạo nêu:  Đặc điểm các khoản cho vay tiêu dùng là các khoản vay nhỏ và quy trình vay nhanh gọn nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp bách trong cuộc sống của khách hàng. Các đối tượng khách hàng là sinh viên, người lao động tự do khó có khả năng chứng minh tài chính nên việc yêu cầu khách hàng phải cung cấp tài liệu và dữ liệu chứng minh khả năng tài chính sẽ kéo dài thời gian tiếp cận vốn của khách hàng, dẫn đến khả năng phải tìm tới nguồn vay từ các kênh không chính thống, dễ phát sinh “tín dụng đen”.

Đại biểu hoan nghênh ban soạn thảo tách khoản 1, khoản 2, đề nghị xác định rõ khoản 1, 2, xem xét quy định đối với các khoản cho vay tiêu dùng có giá trị nhỏ chỉ cần yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin về khả năng tài chính của khách hàng thay vì cung cấp tài liệu, dữ liệu chứng minh khả năng tài chính.

Trước đó, trong phiên thảo luận tổ buổi sáng về Luật Căn cước và Luật Viễn Thông (sửa đổi), đại biểu Lâm Văn Đoan - Đoàn Lâm Đồng góp ý: Về đảm bảo bí mật thông tin (Điều 6), đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung trường hợp doanh nghiệp viễn thông được chia sẻ, cung cấp thông tin thuê bao cho cơ sở dữ liệu do Chính phủ quản lý mà không cần phải có sự đồng ý của chủ thuê bao. Về chia sẻ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn, dự thảo luật này có những điểm “vênh” so với Bộ luật Tố tụng hình sự và đề nghị điều chỉnh dự thảo cho thống nhất với các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, tránh gây khó khăn cho việc điều tra vụ án, ảnh hưởng đến tiến độ điều tra hoặc là giải quyết những vấn đề về an ninh trật tự.

Theo khoản 4 Điều 6 thì doanh nghiệp viễn thông phải cung cấp cho cơ quan nhà nước danh tính cụ thể của người sử dụng dịch vụ viễn thông (bao gồm nhưng không giới hạn ở các thông tin như: tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, vị trí máy gọi, vị trí máy được gọi, thời gian gọi, địa chỉ IP và thông tin riêng khác mà người sử dụng đã cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp). Trong trường hợp các dịch vụ OTT được định nghĩa là dịch vụ viễn thông, thì điều khoản này đặt ra yêu cầu không khả thi vì khác với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống, các nhà cung cấp dịch vụ OTT không có những thông tin nêu trên. Ngoài ra, cũng cần xem xét khả năng quy định này vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế đã được công nhận về quyền riêng tư, bảo mật và can thiệp hợp pháp. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét bỏ điều khoản này hoặc quy định lại khái niệm về dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet để đảm bảo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT được loại trừ.        

Đề nghị tăng thời hạn cấp giấy phép viễn thông, nếu thời hạn như dự thảo luật là quá ngắn có thể gây phiền hà cho các doanh nghiệp và có thể làm phát sinh tiêu cực trong việc cấp giấy phép. Do đó cần tăng thời hạn trong việc cấp giấy phép viễn thông…