(LĐ online) - Tiếp tục tham gia đóng góp tích cực trong hoạt động xây dựng pháp luật tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, chiều 20/6, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Lâm Đồng đã tham gia góp ý Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh phát biểu góp ý Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) |
Về chính sách của nhà nước về tài nguyên nước, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm chính sách về bình đẳng giới trong tiếp cận nguồn nước. Trong tiêu chuẩn xã hội Việt Nam, phân công lao động theo giới thường chỉ định cho phụ nữ nhiệm vụ đảm bảo nước cho nhu cầu của gia đình như ăn uống và giặt giũ; nấu ăn và an toàn thực phẩm cho gia đình nói chung; và chăm sóc cho trẻ em, người già và người bệnh. Dịch vụ cấp nước và vệ sinh môi trường kém sẽ tác động nghiêm trọng đến thời gian, an toàn thể chất, điều kiện dinh dưỡng, năng suất chung, khả năng tạo thu nhập, cơ hội giáo dục khi trưởng thành và sức khỏe và sự khỏe mạnh tổng thể của phụ nữ nghèo. Điều này cũng đã được Ngân hàng Thế giới khuyến nghị tại ấn phẩm Việt Nam: Hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn.
Về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước, có quy định “Phải cắt, giảm hoặc tăng lượng nước khai thác, sử dụng hoặc điều chỉnh chế độ khai thác, vận hành công trình khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; tuân thủ theo hạn ngạch khai thác do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về tài nguyên nước quy định”. Hiện nay, các giấy phép khai thác nước chỉ quy định một giá trị lưu lượng nhất định. Trong quá trình khai thác bình thường thì không phát sinh vấn đề. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, do yêu cầu cấp nước cấp thiết cho sinh hoạt của người dân tăng cao (nhu cầu tăng đột biến do xảy ra sự cố mạng lưới cấp nước thành phố yêu cầu cấp nước hỗ trợ, đảm bảo an ninh cấp nước…), yêu cầu sản lượng nước sông khai thác cũng tăng cao vượt giá trị cấp phép sẽ vi phạm giấy phép khai thác và bị xử phạt, nếu giá trị vượt nhiều sẽ bị chuyển cơ quan cảnh sát điều tra tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên theo quy định tại điều 227 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung những quy định liên quan đến ngưỡng hoặc hạn ngạch sản lượng cấp phép khai thác có thể linh động hơn.
Ngoài ra, Dự thảo Luật có quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước, rồi ban hành quy chuẩn kỹ thuật, định mức, đơn giá về quy hoạch điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và trám lấp giếng không sử dụng. Trong khi đó, tại khoản 2, Điều 56 Luật Thủy lợi thì quy định trách nhiệm lại thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đó là cơ quan đầu mối để giúp cho Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thủy lợi với đầy đủ các nội dung đó là về quy hoạch, về điều tra cơ bản, về thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ và phát triển thủy lợi và cấp phép sử dụng. Do đó, đề nghị cũng cần phải làm rõ vấn đề này trong dự thảo để tránh chồng chéo trong công tác quản lý về nguồn tài nguyên nước.
Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, rà soát những vấn đề bất cập giữa quy định về cấp nước sạch đô thị và cấp nước nông thôn. Nhiều trường hợp công trình cấp nước đô thị giáp ranh khu vực nông thôn, có khả năng cấp nước nhưng lại không được phép cấp nước cho khu vực nông thôn hoặc ngược lại, công trình cấp nước sạch nông thôn giáp ranh khu vực đô thị cũng không được cấp nước cho dân cư đô thị; hoặc trong quá trình đô thị hoá, nhiều vùng nông thôn trở thành đô thị nên phải bàn giao, chuyển đổi công trình cấp nước nông thôn sang đơn vị quản lý công trình cấp nước đô thị. Do đó, cần nghiên cứu, xem xét hợp nhất, thống nhất nhiệm vụ cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn.
Đại biểu quan tâm và kiến nghị về việc bồi thường công trình hạ tầng kỹ thuật cấp nước tương đương chuyên ngành cũng chưa được quy định trong Dự thảo Luật, chưa có hướng dẫn chi tiết định mức, khối lượng, quy cách, vật liệu chi tiết nào đối với hệ thống cấp nước sạch, công trình hạ tầng kỹ thuật cấp nước, gây ra sự lúng túng của địa phương khi thực hiện. Từ đó dẫn đến nhiều vấn đề tồn tại trong việc thiết kế phần hoàn trả có tính đặc thù liên quan mà sự xung đột giữa dự án Kênh nối Đáy - Ninh Cơ dự án WB6, dự án nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân mà báo chí phản ánh trong thời gian vừa qua là một ví dụ cụ thể. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung vấn đề này cho phù hợp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin