Đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ phải có giá trị thực tiễn

QUỲNH UYỂN 19:34, 06/06/2023

(LĐ online) - Ngày 6/6, đồng chí Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng. 

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp phát biểu chỉ đạo

Cùng dự có đồng chí Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành liên quan, cùng lãnh đạo, cán bộ chủ chốt, công chức, viên chức chủ ngành khoa học, công nghệ (KHCN) tỉnh.
Bà Võ Thị Hảo – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đã đánh giá sơ bộ kết quả hoạt động KHCN trong nửa nhiệm kỳ từ 2020 đến nay: Hơn 2 năm qua, Sở đã tổ chức quản lý triển khai 41 nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng KHCN; trong đó, 7 nhiệm vụ cấp nhà nước tập trung giải quyết các vấn đề quản lý dịch hại cây trồng trên phạm vi rộng, liên kết sản xuất giữa vùng trồng và chế biến sâu nông sản, chuyển giao ứng dụng các kết quả nghiên cứu một số cây trồng, vật nuôi mới vào thực tế sản xuất phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 34 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, xã hội nhân văn, y dược, môi trường; đã tiến hành nghiên cứu chọn tạo giống khoai tây, aitiso, phòng bệnh trên cây măng cụt, sầu riêng, dâu tằm điều, cà phê, bơ, chè; bảo tồn và phát triển các nguồn gen đặc hữu, có giá trị (lan hài, đa tử trà, nấm ăn và nấm dược liệu, đỗ quyên…); xây dựng bộ dư địa chí các dân tộc thiểu số, nhân rộng mô hình du lịch dựa vào cộng đồng; nghiên cứu về tai biến địa chất, giảm thiểu thoái hóa đất canh tác rau hoa, tính toán cân bằng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên đất và nước; nghiên cứu sản xuất cao khô từ lá dâu tằm, sản xuất trà dược liệu từ cây lan gấm, trà hoa vàng, đẳng sâm; phát triển chỉ dẫn địa lý “Lâm Đồng”, ứng dụng truy xuất nguồn gốc với cà phê, sầu riêng, xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Lâm Đồng”. 
Ngoài ra, 21 nhiệm vụ KHCN cấp huyện, Sở đã nhân rộng các kết quả nghiên cứu, đưa các tiến bộ kỹ thuật ứng dụng sâu rộng. Đã triển khai 48 nhiệm vụ ứng dụng chuyển giao KHCN phù hợp với khả năng tiếp thu của người dân và phù hợp với thực tiễn như:  xử lý nguồn nước sinh hoạt, ứng dụng công nghệ thông minh tăng năng suất, chất lượng cây trồng; giải pháp trữ nước phục vụ tưới tiêu, phòng chống thiên tai; quy trình nuôi trồng, chăm sóc phòng trừ bệnh đối với chè, cà phê, dâu tằm, lúa, dược liệu, bò sữa, bò thịt; quy trình công nghệ sau thu hoạch rau, hoa, chè; quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP; ứng dụng công nghệ IoT vào sản xuất nông nghiệp.
Nâng cao tiềm lực KHCN và đổi mới sáng tạo, Sở đã đầu tư tiềm lực cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, phát triển thị trường KHCH, phát triển và khai thác tài nguyên trí tuệ, nhãn hiệu chủ lực, đảm báo an toàn bức xạ hạt nhân. Tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; giúp các dự án khởi nghiệp mở rộng thị trường, đổi mới công nghệ, kết nối mạng lưới khởi nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Tơ lụa Bảo Lộc” ra nước ngoài, chỉ dẫn địa lý “Sầu riêng Đạ Huoai”, “Cà phê Lâm Đồng”, “Hạt điều Đạ Huoai”; hỗ trợ 31 doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sáng chế; ra hạn và cấp phép mới cho 70 cơ sở y tế và cấp 32 chứng chỉ cho nhân viên bức xạ đảm bảo an toàn để phục vụ, thực hiện tập huấn, diễn tập ứng phó với sự cố bức xạ, kiểm kê nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ đang sử dụng lưu giữ trên địa bàn tỉnh.
Hiện toàn tỉnh có 6 doanh nghiệp KHCN, 15 tổ chức đơn vị hoạt động KHCN được cấp phép; đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, cán bộ nghiên cứu có trình độ thạc sĩ trở lên chiếm 0,77%o tổng dân số cả tỉnh đã góp phần nâng cao tiềm lực KHCN và đổi mới sáng tạo. Đã tổ chức cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn tỉnh hàng năm, thu hút 170 dự án, ý tưởng tham gia, trao giải thưởng cho 14 ý tưởng, dự án xuất sắc; hỗ trợ 16 dự án của 14 doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng. 
Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, đã tiến hành lấy 199 mẫu xăng, dầu, vàng trang sức, mỹ nghệ, thiết bị điện, mũ bảo hiểm, hàng đóng gói, thực phẩm để khảo sát đánh giá về đo lường, chất lượng; dán tem, niêm phong, kẹp chì đồng hồ tổng của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhằm phòng chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế. Duy trì áp dụng hệ thống tiêu chuẩn ISO tại các cơ quan hành chính nhà nước. 
Nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về KHCN, Sở đã thực hiện 95 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 403 tổ chức, cá nhân; qua đó phát hiện 32 trường hợp vi phạm, tiến hành xử phạt hành chính với tổng số tiền 471,14 triệu đồng. 
Các đơn vị trực thuộc sở nêu nhiều ý kiến, đề xuất về: Cơ cấu đề tài, dự án có đến 60% cho nông nghiệp, khoa học xã hội nhân văn 20%, y dược 10%, môi trường 10%; cần tăng đầu tư cho các đề tài mảng xã hội nhân văn như vấn đề cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, quản lý nhà nước; quan tâm đến các đề tài nghiên cứu du lịch, du lịch gắn với cộng đồng, du lịch canh nông… Việc ứng dụng khoa học, công nghệ tại các huyện rất cần kinh phí, trong khi nguồn vốn phân bổ chỉ có 200tr/huyện/năm sẽ khó khăn, mỗi năm chỉ  thực hiện được 1 – 2 nhiệm vụ. Nên tập trung kinh phí cho các dự án nhân rộng ứng dụng cấp huyện, giảm đề tài nhiệm vụ cấp tỉnh, cấp nhà nước. Cần đầu tư trang thiết bị hiện đại để nâng cao năng lực kiểm nghiệm, phân tích, đánh giá chất lượng nông sản phục vụ xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu của xu thế phát triển. 

Đồng chí Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh tham quan các sản phẩm giống cây trồng, dược phẩm và đánh giá cao thành quả của ngành KHCN tỉnh

Trung tâm ứng dụng KHCN tập trung vào giống cây trồng, nghiên cứu, ứng dụng triển khai, chuyển giao, nhân rộng tiến bộ khoa học công nghệ, làm chủ công nghệ được 90 giống cây trồng, sẽ chọn khoảng 60 – 70 giống, những giống không còn giá trị sẽ loại bỏ. Làm chủ công nghệ tản xuất trà lan gấm, trà hoa vàng,  công nghệ nhân giống nuôi cấy mô sâm Ngọc Linh, sâm Ngọc Linh trồng trong nhà kính, có thể phát triển vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh ở những vùng có độ cao, trở thành trung tâm cung ứng giống sâm quý này.
Việc triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Hiện nay đa số những dự án ý tưởng khởi nghiệp còn khó khăn về vốn, về kiến thức, đa số dự án ý tưởng chưa có đột phá, giá trị triển khai thực tiễn chưa cao. Một số dự án chưa hình thành doanh nghiệp nên chưa đủ điều kiện để được hỗ trợ của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hệ sinh thái khởi nghiệp còn yếu còn thiếu nhiều yếu tố để phát triển. Cần khảo sát tìm các công nghệ mới, đưa Lâm Đồng thành trung tâm nông nghiệp, trung tâm tạo giống, chuyển dần qua nghiên cứu KHXH nhân văn. 
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành liên quan cũng làm rõ những khúc mắc về quy chế phân bổ ngân sách, kinh phí cho hoạt động KHCN, quy trình phê duyệt, xét chọn đề tài, công tác nghiệm thu để cấp ngân sách cho nhiệm vụ KHCN; vấn đề sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế; ứng dụng KHCN trong phát triển nông nghiệp…
Đồng chí Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh đã biểu dương những thành quả ngành khoa học, công nghệ tỉnh đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua, đồng thời chỉ đạo: Ngành cần loại bỏ những nhiệm vụ không sát với thực tiễn, chỉ mang tính nghiên cứu học thuật. Cần phát huy hết tiềm năng các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là đẩy mạnh công nghệ chọn, lai tạo giống, nhân giống cây trồng có giá trị. Với nguồn nhân lực còn rất thiếu các nhà khoa học đầu ngành, Sở cần đào tạo thật, trình độ thật, tạo nguồn nhân lực nghĩ thật, nói thật, làm thật, để người dân được hưởng lợi thật. Tạo điều kiện cho các nhà khoa học đi học nâng cao trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để tiếp cận với tiến bộ khoa học thế giới, tạo nguồn nhân lực đủ trình độ ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến.
Trong thời gian tới, Sở KHCN cần bám sát hơn nữa, vận dụng tốt các văn bản của Đảng, Nhà nước vào đời sống. Lựa chọn các đề tài nghiên cứu mang giá trị ứng dụng thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Việc quản lý đề tài KHCN cần đảm bảo dân chủ, khách quan, khả thi, minh bạch, có khả năng lan tỏa với người dân. Rà soát thành quả KHCN của thế giới, trong nước lựa chọn thành quả phù hợp vận dụng vào Lâm Đồng, tránh những nghiên cứu những đề tài trùng lắp, những vấn đề mà đã được nghiên cứu ứng dụng, gây lãng phí. Phối hợp với các ngành để tư vấn đánh giá triển khai các nhiệm vụ KHCN một cách hiệu quả. Phát triển kinh tế quan trọng, nhưng phát triển con người càng quan trọng; những vấn đề như xây dựng môi trường du lịch, con người du lịch, không gian du lịch, khí hậu, thổ nhưỡng… cần đưa thành những đề tài mang tính khoa học, tập trung nghiên cứu các đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn.