Đoàn Đại biểu Quốc hội tham gia góp ý dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trât tự cơ sở

NGUYỆT THU 15:08, 20/06/2023

(LĐ online) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng ngày 20/6, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Buổi sáng cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng thủ dân sự với 94,94% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham gia góp ý thảo luận tại Tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham gia góp ý thảo luận tại Tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Tham gia góp ý thảo luận Tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Đại biểu Nguyễn Tạo – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng góp ý: Qua hơn 2 năm nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện, kỳ họp này tiếp tục được trình để xin ý kiến Quốc hội. Tôi thống nhất với đánh giá hiện nay tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp, hoạt động của lực lượng Công an chính quy tại xã, phường, thị trấn hiện nay gặp nhiều khó khăn trong quán xuyến địa bàn, cũng như sự hiểu biết về phong tục tập quán, sử dụng tiếng dân tộc thiểu số do các đồng chí ở các nơi điều động về… nên luôn cần có sự phối hợp tham gia của các lực lượng quần chúng ở cơ sở, đó là: lực lượng dân quân tự vệ và các lực lượng, tổ chức, cá nhân tự nguyện khác ở cơ sở.

Mặt khác, tôi đánh giá cao Báo cáo số 272/BC-BCA của Bộ Công an về đánh giá tác động chính sách của dự án Luật đã tổ chức khảo sát, lấy ý kiến, bổ sung thông tin, số liệu có liên quan, nhất là đánh giá về thực trạng lực lượng, nguồn lực hiện có, khả năng bảo đảm kinh phí, ngân sách của các địa phương để làm cơ sở quy định về bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong dự thảo Luật.

Đại biểu Nguyễn Tạo góp ý dự thảo luật
Đại biểu Nguyễn Tạo góp ý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Đại biểu Nguyễn Tạo bày tỏ: Thứ nhất, dự thảo Luật đã điều chỉnh thay đổi bản chất về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đó là: Chuyển từ chức năng quản lý, trực tiếp thực hiện biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự sang chức năng là hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Tuy nhiên, tôi thấy quy định nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Chương II của dự thảo Luật là quá chuyên nghiệp, vừa tổng hợp tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách gồm: Tụ tập đông người, vi phạm trật tự an toàn giao thông, tệ nạn xã hội, tình hình chấp hành pháp luật của những bị án, người đang bị áp dụng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc… vừa phối hợp tham gia xây dựng lực lượng, thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, tham gia vận động, giúp đỡ người vi phạm pháp luật trở về sinh sống tại cộng đồng… quá nhiều nhiệm vụ trong khi đó một trong những tiêu chuẩn tuyển chọn lực lượng để tham gia tại Điều 4 dự thảo luật đó là “Có bằng tốt nghiệp hoặc có giấy chứng nhận đã học hết chương trình trung học phổ thông. Những nơi không có đủ người có tiêu chuẩn trung học phổ thông thì có thể xét chọn người đã học xong chương trình trung học cơ sở”. Như vậy có ổn không nếu trong trường hợp lực lượng này thực hiện nhiệm vụ của mình trong khi không có mặt công an xã chính quy, bị các đối tượng chống đối thì không thể xử lý đối tượng về hành vi chống người thi hành công vụ và thể hiện tính thực thi pháp luật không nghiêm ở cơ sở.

Như tôi đã từng nêu ý kiến trước đây, theo quy định của pháp luật hiện hành thì đã có lực lượng phối hợp với Công an nhân dân để thực hiện nhiệm vụ của mình, được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 27 của Luật Quốc phòng, đó là lực lượng dân quân tự vệ. Đây là lực lượng vũ trang quần chúng, không thoát ly sản xuất, tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ dân sự, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm. Theo khoản 2 Điều 5 của Luật Dân quân tự vệ, một trong những nhiệm vụ của dân quân tự vệ là phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 42 của Luật Dân quân tự vệ cũng quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công an là chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức việc phối hợp hoạt động giữa các đơn vị công an nhân dân và dân quân tự vệ trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và cũng thể hiện vai trò của chính quyền địa phương ở khoản 1 Điều 44 Luật Dân quân tự vệ.

Vậy, khi chúng ta thêm một lực lượng song hành với lực lượng dân quân tự vệ đang hoạt động hiện nay, theo tôi là sẽ chồng chéo nhiệm vụ, đặt ra các vấn đề về cơ cấu tổ chức, lực lượng theo thẩm quyền quản lý Nhà nước, chế độ, chính sách có liên quan, việc phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ ở cơ sở, trang bị công cụ hỗ trợ, xây dựng trụ sở…

Tiếp tục tham gia góp ý dự thảo luật này, Đại biểu Lâm Văn Đoan – Đoàn Lâm Đồng bày tỏ quan tâm vấn đề người tham gia hoạt động trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế và cần quy định rõ hơn vào Luật về quy định chi không nên dể chung chung như dự thảo.

Đối với việc giải quyết trường hợp lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ. Trường hợp bị thương thì được xét hưởng chính sách như thương binh, nếu hy sinh thì được xét công nhận là liệt sĩ theo quy định của pháp luật. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thực hiện vấn đề này theo Pháp lệnh Người có công nhằm tôn vinh, lan tỏa gương người tốt việc tốt.