(LĐ online) - Ngày 9/6, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
ĐBQH Trần Đình Văn – Trưởng Đoàn ĐBQH góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) |
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thực hiện từ ngày 03/01/2023 đến ngày 15/3/2023. Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động để đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng lấy ý kiến như: tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai lấy ý kiến Nhân dân, đồng thời tiếp nhận các ý kiến góp ý trực tiếp của các địa phương đại diện cho các vùng, miền có tính đặc thù.
Dự thảo Luật sau khi hoàn thiện có bố cục gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục (mục 3 Chương IV, mục 1 Chương VII; mục 1, 2, 3 chương XVI), bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.
Tham gia góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Đại biểu Trần Đình Văn - Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng cho rằng: Dự thảo lần này trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 đã được chỉnh lý, hoàn thiện rất công phu, nghiêm túc, tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của Nhân dân, các cơ quan, tổ chức. Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo, xin có một số ý kiến sau:
Về lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Điều 66 không quy định cụ thể tỷ lệ bao nhiêu % ý kiến góp ý của nhân dân không tán thành với dự thảo quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì được xác định là không đồng thuận và ngược lại. Trong trường hợp, các ý kiến góp ý của Nhân dân không đồng thuận với dự thảo quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì cơ quan có thẩm quyền lập có xem xét, sửa đổi nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hay không (sửa đổi toàn bộ hay sửa đổi một phần nội dung dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất). Trong trường hợp bảo lưu dự thảo quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì trách nhiệm giải trình được thực hiện như thế nào? Chế tài xử lý trách nhiệm của người có thẩm quyền không thực hiện việc giải trình sẽ ra sao?…Nếu những vấn đề này không được quy định đầy đủ, chi tiết thì nội dung Điều luật này chỉ mang tính hình thức và việc lấy ý kiến góp ý Nhân dân về dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không hiệu quả và mang nặng tính hình thức.
Về rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu cho rằng, rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là điều khó tránh khỏi; bởi vì, khi tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương trong từng thời kỳ phát triển có sự thay đổi hoặc do yêu cầu của quốc phòng - an ninh... thì việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng cho phù hợp là cần thiết. Tuy nhiên, nếu không quy định chi tiết, chặt chẽ các điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, vấn đề giám sát; chế tài xử lý vi phạm... thì dễ tiềm ẩn việc lợi dụng rà soát, điều chỉnh để thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt có lợi cho một nhóm người hoặc phát sinh tham nhũng, tiêu cực làm ảnh hưởng, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Như vậy, kỷ luật tuân thủ quy hoạch không nghiêm và rất dễ bị vi phạm. Đề nghị xem xét bổ sung một điều khoản về nguyên tắc của việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm tương thích với nội dung về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định tại Điều 56; bởi vì, xét về bản chất, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng có vai trò quan trọng như lập, thẩm định, xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong việc làm thay đổi toàn bộ hoặc một phần nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hậu quả của việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Mặt khác, quy định nguyên tắc của việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn đảm bảo nâng cao tính khoa học, chặt chẽ, thận trọng trong việc thay đổi, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đảm bảo tuân thủ nghiêm kỷ luật thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.
Đề nghị bổ sung quy định về các tiêu chí cơ bản để thực hiện việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm hạn chế việc thay đổi, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong trường hợp không thực sự cần thiết. Bổ sung quy định về chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc vi phạm về rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với các mức xử lý đủ sức răn đe, nghiêm minh góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy định về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Buổi chiều, tham gia góp ý cho dự thảo luật Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, ĐBQH Lâm Văn Đoan – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại biểu Đoàn Lâm Đồng cho rằng: Luật này được xem xét ban hành để thay thế cho Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự nhằm bảo đảm cho việc tài sản nhà nước được xây dựng, quản lý, sử dụng, bảo vệ hiệu quả hơn để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Dự thảo Luật còn khá nhiều điều quy định chung chung, mang tính nguyên tắc, khó áp dụng ngay vào thực tiễn. Chẳng hạn: (i) Một số quy định của dự thảo Luật chưa bảo đảm rõ ràng, cụ thể. Ví dụ như: “Được bồi thường, hỗ trợ do yêu cầu quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự khi phải ngừng sản xuất, kinh doanh, thực hiện các dự án đầu tư, khai thác, xây dựng…” (điểm c khoản 1 Điều 24); (ii) Dự thảo Luật quy định các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, thường trú trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự Nhóm đặc biệt được hưởng “các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ về giáo dục; y tế; lao động, việc làm; sản xuất, kinh doanh” (khoản 2 Điều 26). Đây là quy định quan trọng được bổ sung so với pháp luật hiện hành, cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng để bảo đảm phù hợp, khả thi. Đề nghị giải thích rõ căn cứ lựa chọn quy định các chính sách nêu trên; cách xác định phạm vi đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ (bởi vì việc quy định “các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân bị tác động, ảnh hưởng” là rất chung chung và khó xác định); (iii) dự thảo Luật còn quy định chung chung, khó xác định, như quy định về tiêu chuẩn người làm công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự tại điểm b khoản 4 Điều 19, tiêu chí "trong sạch" là rất khó xác định. Khoản 17 dự thảo Luật giải thích khái niệm "Công trình lưỡng dụng", theo đó: "Công trình lưỡng dụng là công trình được sử dụng cho cả mục đích quân sự, quốc phòng và mục đích dân sự". Tuy nhiên, dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn về loại công trình này, trong đó việc cần có văn bản xác nhận loại công trình lưỡng dụng cũng cần được quan tâm để có cơ chế quản lý, sử dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời khi chuyển từ mục đích dân sự sang mục đích quân sự, quốc phòng và ngược lại.
Việc đề ra chế độ, chính sách cho địa phương chủ yếu nhằm mục đích cân bằng sự phát triển kinh tế ở những nơi nằm trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự so với những địa phương khác. Điều này là cần thiết vì những yêu cầu đặt ra đối với việc bảo vệ công trình quốc phòng và khu dân sự đôi khi khiến các địa phương gặp trở ngại trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, một nhiệm vụ mang tính chính trị và cũng là để bảo đảm quyền lợi của người dân địa phương, đó là: phải ưu tiên đầu tư phát triển từ ngân sách để đảm bảo “không ai bị tụt lại phía sau”. Vì vậy, các chính sách này cần toàn diện, cả về ngân sách, con người. Tuy nhiên, dự thảo quy định lại chưa thực sự đầy đủ, chỉ mới đề cập tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển cán bộ mà chưa cân nhắc tới các chính sách như: Giáo dục, đào tạo, dân số, y tế, trợ cấp xã hội, chính sách tín dụng, bảo hiểm đối với người dân sống trong khu vực này và điều này luật cần phải quy định rõ ràng.
Trước đó, trong phiên thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã tham gia đóng góp ý kiến sát thực trên cơ sở góp ý, kiến nghị của cử tri địa phương.
Theo đại biểu Nguyễn Tạo - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, chính sách tài chính về tài nguyên nước là một trong 4 chính sách quan trọng trong sửa đổi Luật Tài nguyên nước lần này. Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về thuế, phí về tài nguyên nước, góp phần phản ánh đúng giá trị của tài nguyên nước; nâng cao giá trị đóng góp của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế - xã hội; bổ sung công cụ kinh tế, cơ chế tài chính liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy. Ngoài việc giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế, giá thì việc định thuế, giá còn phải căn cứ vào các yếu tố là mục đích sử dụng, mức độ khan hiếm, mức độ căng thẳng của tài nguyên nước, điều kiện khai thác và đặc điểm kinh tế - xã hội trong khu vực
Về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, qua thảo luận, đa số các đại biểu cho rằng Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành đã bộc lộ những bất cập, hạn chế. Việc sửa đổi luật này sẽ bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng; tăng cường sự an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD); tạo cơ chế xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các TCTD.
ĐBQH Nguyễn Tạo tham gia góp ý thảo luận tại Tổ, kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khoá XV |
Góp ý về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đại biểu Nguyễn Tạo phân tích: Dự thảo Luật luật hóa một số quy định tại Nghị quyết số 42 và sửa đổi, bổ sung một số nội dung, cụ thể: Quy định về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu với việc bổ sung quy định giải thích nội hàm khái niệm thu giữ, bổ sung điều kiện thu giữ tài sản bảo đảm chỉ khi biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ ba theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; sửa đổi, bổ sung quy định về thông báo việc thu giữ, trong đó làm rõ việc thông báo trong trường hợp tài sản thu giữ được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ. Quy định về thu giữ tài sản bảo đảm tại dự thảo Luật xác định rõ phạm vi, giới hạn cũng như quy định rõ nghĩa vụ của TCTD khi áp dụng thu giữ như: điều kiện tiên quyết là tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; trách nhiệm của TCTD trong việc thông báo công khai về việc thu giữ tài sản bảo đảm; Quy định thứ tự ưu tiên thanh toán trên cơ sở kế thừa quy định tại Nghị quyết 42 của Quốc hội, đồng thời trên cơ sở quá trình thực thi và tổng kết Nghị quyết 42, dự thảo Luật có điều chỉnh để đảm bảo hài hòa trong việc thực hiện, áp dụng đồng thời cũng tạo động lực để các TCTD cho vay, cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin