Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là chiến sĩ cách mạng lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, mà còn là một cây bút xuất sắc, Người đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác không tách rời hoạt động báo chí. Bác viết báo để phục vụ sự nghiệp cách mạng và từ đó trở thành một nhà báo vĩ đại với hơn 2.000 tác phẩm báo chí được ký bởi hơn 170 bút danh. Tư tưởng về báo chí cách mạng và phong cách làm báo của Bác luôn có giá trị to lớn, soi đường cho quá trình phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Bác căn dặn những người làm báo rằng, trước khi cầm bút, cần phải đặt những câu hỏi: Viết cho ai? Viết cái gì? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Lời căn dặn đó rất ngắn gọn, giản dị nhưng rất sâu sắc và bao quát những nội dung cốt lõi mà mỗi nhà báo cách mạng cần thực hiện. Đó là xác định động cơ, mục đích, đối tượng phục vụ, phương pháp thể hiện của báo chí cách mạng.
Bác đã chỉ rõ: “Báo chí của ta thì phải phục vụ Nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới”; suy rộng ra là phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đóng góp tích cực cho hòa bình thế giới. Người cho rằng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng là phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân, vì vậy phải viết những gì có lợi cho cách mạng, cho Nhân dân. Cũng vì phục vụ đại chúng Nhân dân, nên cách viết phải ngắn gọn, dễ hiểu, ngôn ngữ trong sáng… Để làm được điều đó, mỗi nhà báo phải thực sự là một chiến sĩ cách mạng. Phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, trau dồi lập trường tư tưởng, học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động; phải luôn nâng cao trình độ nghiệp vụ, mài sắc ngòi bút…
Thực hiện lời dạy của Bác, 98 năm qua, các thế hệ những người làm báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, rèn luyện, trưởng thành và có những đóng góp quan trọng cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng đất nước. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển toàn diện cả về đội ngũ và phương tiện tác nghiệp, báo chí đang đóng góp to lớn vào sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Ngoài việc tích cực tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; báo chí cũng góp phần quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; phát hiện và cổ vũ những điển hình tiên tiến trên mọi mặt đời sống…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động báo chí cũng nảy sinh một số tồn tại, hạn chế như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính đã thẳng thắn nêu lên trong cuộc làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam hôm 13/6 vừa qua: tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một số cơ quan báo chí và người làm báo; tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang tin điện tử tổng hợp; biểu hiện “tư nhân hóa báo chí”; phản ánh nhiều bạo lực, chạy theo thị trường, thiếu tính định hướng, thiếu tính giáo dục và nhân văn…
Vì vậy, đội ngũ những người làm báo cần tiếp tục không ngừng tu dưỡng phẩm chất chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn để phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, phụng sự giai cấp và nhân loại như lời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin