(LĐ online) - Lịch sử dân tộc Việt Nam mãi ghi nhớ ngày 5/6/1911 - người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với tên Văn Ba đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville của Pháp, lênh đênh nơi sóng cả, bôn ba qua ba đại dương, bốn châu lục, đi qua 28 nước trên thế giới để đem chân lý của thời đại là chủ nghĩa Mác - Lênin về với dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua, tháng 12/1920. Ảnh tư liệu |
Quá trình đó cũng là quá trình chuyển biến từ người thanh niên yêu nước nhiệt thành trở thành người chiến sĩ cộng sản quốc tế, là quá trình kiên trì, chủ động, sáng tạo, bền gan, vững trí của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trước những khó khăn, chông gai của thời cuộc.
Và trong trái tim, khối óc của mỗi người dân Việt Nam yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại, mà “Người là Cha, là Bác, là Anh/Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ/Người ngồi đó, với cây chì đỏ/Vạch đường đi, từng bước, từng giờ…” (Sáng tháng Năm - Tố Hữu) để đưa đất nước Việt Nam thoát khỏi ách thống trị của phong kiến, thực dân, đế quốc đi đến bến bờ độc lập, tự do, hạnh phúc như ngày nay.
Vậy nhưng, cứ vào dịp cả nước ta kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5) và Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6), trên một số diễn đàn, trang mạng xã hội của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại tung ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng của Người.
Nội dung họ tập trung xuyên tạc, phủ nhận là tiểu sử, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, di sản Hồ Chí Minh. Trong đó, có sự xuyên tạc, phủ nhận ý nghĩa hoạt động tìm đường cứu nước của Người, xuyên tạc động cơ sang phương Tây năm 1911 và quan hệ cá nhân giữa Người với các tổ chức, chính giới quốc tế.
Họ còn quy chụp vu vơ rằng “trong quá trình tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh lấy bí danh, bút danh là tên người nước ngoài, thể hiện phục vụ cho ngoại quốc, không phải vì cách mạng Việt Nam”. Một số lại cho rằng “Nguyễn Tất Thành, bỏ nước ra đi chỉ với mục đích tìm đường làm quan, để giải quyết chuyện cơm ăn áo mặc của riêng mình, chứ không hề có ý định cứu nước giúp dân…”.
Họ còn bẻ cong sự thật khi xuyên tạc việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, chọn con đường cứu nước theo quỹ đạo cách mạng vô sản là sai lầm; cho rằng Việt Nam kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dẫn đến đất nước mất “bao năm nội chiến” và “chậm phát triển như ngày nay”...
Trước những thông tin sai lệch, dối trá, bôi đen sự thật nhằm xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh, chống phá Đảng và chế độ ta, phủ nhận hành trình tìm đường cứu nước của Người, chúng ta cần phải khẳng định chắc chắn rằng: Quá trình đi tìm đường cứu nước chính là quá trình Người khảo nghiệm, tìm tòi những lý luận đúc rút từ thực tiễn đấu tranh ở các nước tư bản, phát triển trên thế giới, đặc biệt là vấn đề giải phóng các dân tộc thuộc địa.
Lịch sử đã chứng minh: Từ khi thực dân Pháp xâm lược (1858) và đặt ách thống trị ở nước ta cho đến đầu thế kỷ XX, các ngọn cờ cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến và tư sản đã chiến đấu rất quyết liệt và anh dũng, song tất cả đã bị đàn áp đẫm máu và thất bại. Thực tiễn đó cho thấy, không thể giải quyết vấn đề dân tộc, giành độc lập dân tộc dựa trên những quan điểm phong kiến hay tư sản.
Trong hoàn cảnh đó, Nguyễn Tất Thành với lòng yêu nước, thương dân, với nhãn quan chính trị sắc sảo đã nhận thấy không thể cứu nước và giải phóng dân tộc theo con đường của các bậc tiền bối và Người đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Điểm xuất phát và là động lực tinh thần của việc ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chủ nghĩa yêu nước chân chính.
Trên hành trình tìm đường cứu nước, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin tìm thấy con đường cách mạng giải phóng dân tộc qua bản Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Từ đây, Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Mặc dù coi hệ thống lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin là “cẩm nang thần kỳ”, nhưng Người cho rằng: “Chủ nghĩa Mác-Lênin là kim chỉ nam cho hành động, chứ không phải là kinh thánh” và “Những người cộng sản các nước phải cụ thể hóa chủ nghĩa Mác-Lênin cho thích hợp với điều kiện hoàn cảnh từng lúc và từng nơi”.
Khi điều kiện thành lập Đảng đã chín muồi, ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây chính là kết quả khẳng định tầm nhìn, bản lĩnh, trí tuệ và sự cống hiến của Nguyễn Ái Quốc trong việc vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lênin vào việc thành lập một đảng cách mạng chân chính để lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công tiếp tục mở đường cho cách mạng Việt Nam đi từng thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày 7/5/1954 trước thực dân Pháp.
Từ Sài Gòn, Người ra đi tìm đường cứu nước và 64 năm sau, cũng tại mảnh đất này đã chứng kiến thắng lợi lịch sử của Nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đại thắng Mùa xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Nhân dân ta đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối.
Rõ ràng, hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là hành trình sáng tạo, vĩ đại, đã mở đường, dẫn lối cho sự nghiệp giải phóng Nhân dân, giải phóng đất nước và giải phóng dân tộc Việt Nam.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nước ta đã vươn lên trở thành nước đang phát triển; văn hoá, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có bước đột phá; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế, trở thành một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các hoạt động của cộng đồng quốc tế.
Chúng ta có thể tự hào khẳng định: Một Việt Nam “chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” là minh chứng khách quan sinh động nhất, bác bỏ mọi luận điệu cố tình xuyên tạc. Bởi vậy, dù nhân danh ai và tổ chức nào, thì khách quan cũng không thể xuyên tạc, bẻ cong được giá trị, sự lựa chọn con đường cứu nước duy nhất đúng, phù hợp xu thế thời đại cũng như điều kiện, vị thế địa chính trị Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kỷ niệm 112 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2023), toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn ghi nhớ đây là mốc son vàng của lịch sử dân tộc. Nhớ về Bác Hồ kính yêu, mỗi người trong chúng ta quyết tâm phấn đấu đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Đồng thời, ra sức đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trong công việc và đời sống hằng ngày; noi theo tác phong giản dị, tinh thần cầu tiến, hoài bão cống hiến của Người làm kim chỉ nam cho suy nghĩ và hành động, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin