Chuyển đổi số là xu thế công nghệ do Cuộc cách mạng 4.0 đem lại đã tác động sâu rộng lên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có báo chí. Chỉ hơn 10 năm trở lại đây, công nghệ số đã hỗ trợ đắc lực cho những người làm báo, tạo nên sự đổi thay lớn cho nền báo chí.
Các đại biểu tiến hành nghi thức bấm nút khai trương Phòng ghi hình của Báo Lâm Đồng điện tử. Ảnh: Chính Thành |
Đã không còn những tháng năm phóng viên phải về ăn ở vùng sâu, vùng xa cả tuần cho một chuyến đi và dành cả nửa buổi chỉ để ghi chép tỉ mỉ từng thông tin do cơ sở cung cấp trong điều kiện máy in, máy photocopy còn là những vật dụng xa xỉ. Đã quá xa rồi hình ảnh những người làm báo phải ngồi cặm cụi viết tin, bài trên giấy, có đoạn dư thừa, bỏ đi phải gạch xóa nhì nhằng, để bản thảo sạch đẹp phải chép lại một bản tin đôi ba lần đến thuộc làu cả bản tin. Cũng không còn bộ đồ nghề đơn sơ chỉ là cây bút, cuốn sổ, chiếc máy ảnh cơ và cuộn phim 36 tấm phải căn đúng khoảnh khắc bấm máy để tiết kiệm. Đi cơ sở gặp tin nóng phải viết nhanh, viết vội để kịp ra bưu điện gần nhất chuyển Fax (hình thức photo từ xa) về tòa soạn; trải qua các khâu, biên tập trên bản thảo viết tay, đánh máy sắp chữ... để rồi ngày hôm sau, hôm sau nữa bản tin đó mới đến được với công chúng.
Báo Lâm Đồng cùng các đơn vị: Công ty Cổ phần Hàng không VietJet, Ngân hàng Nam Á, Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng, Công ty Thủy điện Đồng Nai ký kết hợp tác truyền thông. Ảnh: Chính Thành |
Báo Lâm Đồng cùng các đơn vị: Cục Thuế Lâm Đồng, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Công thương ký kết hợp tác truyền thông. Ảnh: Chính Thành |
Báo in truyền thống đã bị thu hẹp phạm vi và đứng trước thách thức vô cùng lớn khi bạn đọc đã di chuyển hết lên mạng, xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Nội dung tốt phải đi đôi với công nghệ tốt mới đủ sức thu hút bạn đọc và có đủ khả năng cạnh tranh với các trang mạng đang phát triển chóng mặt. Trước xu thế đó, Báo Lâm Đồng đã không đứng ngoài cuộc mà chủ động tìm giải pháp cho những thách thức để không ngừng phát triển, thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình. Việc chuyển đổi số đã diễn ra nhanh chóng ở Tòa soạn Báo Lâm Đồng khi cách đây 12 năm, tờ báo cho ra đời trang điện tử như “cánh tay nối dài” của báo in, đưa thông tin kịp thời, rộng khắp đến bạn đọc. Báo Lâm Đồng điện tử dần hoàn thiện cùng với việc thay đổi mô hình quản lý, tác nghiệp, quy trình sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung cũng diễn ra khi năm 2017 phần mềm quản lý xuất bản đầu tiên được đưa vào ứng dụng. Tòa soạn điện tử đã cho phép sự kết nối các khâu biên tập, xuất bản thành hệ thống; phóng viên có thể theo dõi trạng thái tin, bài qua từng công đoạn. Việc điều hành, tương tác giữa đội ngũ phóng viên, biên tập viên, Ban Biên tập đã diễn ra trực tiếp trên phần mềm xuất bản, phóng viên không còn thường xuyên phải đến cơ quan, mà thay vào đó dành thời gian đi tìm kiếm thông tin, gắn bó với cơ sở để có tin, bài nhanh chóng, kịp thời, chất lượng.
Chuyển đổi số không đơn thuần là mua sắm thiết bị công nghệ, mà là song hành với chuyển từ tư duy làm báo kiểu cũ sang làm báo theo tư duy kiểu mới, đồng thời, thay đổi cả phương thức tác nghiệp. Nhà báo hôm nay viết tốt, chụp ảnh đẹp, quay phim hiệu quả chưa đủ, mà đòi phải biết tác nghiệp đa năng, biết nhanh chóng tiếp cận với công nghệ mới, sử dụng kỹ năng làm báo hiện đại, nhanh nhạy, năng động. Vốn quen làm báo giấy truyền thống, việc chuyển đổi số là một thách thức lớn với người làm Báo Lâm Đồng. Không dừng lại, những người làm báo đã không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng mới để thích nghi với thời kỳ chuyển đổi số. Với sự nỗ lực, đội ngũ những người làm báo Báo Lâm Đồng đã không ngừng tiếp cận công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng tác nghiệp. Chỉ một điện thoại thông minh có thể cho ra sản phẩm hoàn thiện ngay tại hiện trường, Ban Biên tập nhanh chóng duyệt và đưa ngay đến bạn đọc.
Để chuyển đổi số nhanh hơn, hiệu quả hơn, để thay đổi từ phong cách, thói quen làm báo cho đến tổ chức lại quy trình, bộ máy hoạt động trong vận hành và sản xuất các nội dung số sao cho hấp dẫn, thiết thực với công chúng; những người làm báo Lâm Đồng đã dần thích nghi nhanh với mạng xã hội. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên đã dần quen với việc dùng nền tảng mạng xã hội facebook, youtube, tiktok để chuyển tải nội dung của tờ báo đến bạn đọc, đưa thông tin chính thống đến gần hơn với công chúng, phủ sóng rộng khắp hơn, không giới hạn. Facebook “Báo Lâm Đồng” như một “sạp báo” trên mạng đã quảng bá rộng rãi nội dung tuyên truyền nhận được lượng tương tác lớn của bạn đọc, dẫn dắt độc giả đến với Báo Lâm Đồng điện tử thu hút lượng truy cập lớn mỗi ngày.
Cùng với việc đưa vào sử dụng các thiết bị hiện đại phục vụ xuất bản báo điện tử vào dịp 21/6 này, Báo Lâm Đồng tiếp tục tiến thêm một bước mới bằng việc cải tiến đưa vào vận hành phần mềm xuất bản mới, hiện đại hơn. Trên nền tảng này sẽ dần hình thành tòa soạn hội tụ, cho phép đội ngũ những người làm báo không chỉ đi cơ sở, viết báo mà còn tự lên ý tưởng trình bày maket cho sản phẩm của mình. Tòa soạn điện tử sẽ kết nối đồng bộ cho báo giấy và báo điện tử với nhau, đem lại hiệu quả, dần hoàn thiện tờ báo đa phương tiện.
Trí tuệ nhân tạo có thể thay thế người làm báo trong việc truyền tin, chỉ cần một thông tin, công nghệ AI có thể tổng hợp rất nhiều cách viết khác nhau, nhưng không thể thay thế cảm xúc, rung cảm, tình cảm của nhà báo bằng xương, bằng thịt trước thời cuộc. Cùng với đội ngũ người làm báo nhiệt huyết, trách nhiệm cùng công nghệ hiện đại sẽ giúp Báo Lâm Đồng thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, góp phần khẳng định tờ báo luôn là kênh thông tin chính thống có chất lượng, đảm bảo đúng giá trị nguyên bản của báo chí cách mạng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin