Lâm Đồng xác định chuyển đổi số là nội dung quan trọng phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình hội nhập quốc tế

PHẠM S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh 11:24, 15/06/2023

(LĐ online) - Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 14/6, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 với chủ đề: Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia - Hà Nội.

Quy mô của Diễn đàn bao gồm 4 hội thảo chuyên đề, 1 phiên toàn thể và hoạt động triển lãm về công nghệ số, nền tảng số, các kết quả chuyển đổi số của 30 doanh nghiệp tiêu biểu trong nước và quốc tế.

Tham dự và đồng chủ trì Diễn đàn gồm có các đồng chí: Phạm Minh Chính -  Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Hồng Diê - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương và bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; ông Pier Giorgio Aliberti - Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam.

Diễn đàn có sự tham gia khoảng 600 đại biểu bao gồm lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế; lãnh đạo các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn

Tham dự Hội thảo chuyên đề 1 về Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng Make in Việt Nam, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ những kết quả nổi bật về chuyển đổi số ở Lâm Đồng.

Xác định chuyển đổi số là nội dung quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, do đó, Tỉnh uỷ luôn quan tâm chỉ đạo, đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 25/5/2023 của Tỉnh ủy Lâm Đồng và Kế hoạch số 5731/KH-UBND ngày 03/8/2022 của UBND tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ tại hội thảo
Đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ tại hội thảo

Trong thời gian qua, chuyển đổi số Lâm Đồng đã đạt những kết quả quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, 100% cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở có hạ tầng đảm bảo công tác điều hành qua môi trường mạng; hình thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Hạ tầng xã hội phát triển nhanh, đảm bảo nhu cầu của Nhân dân. 100% xã, phường, thị trấn có điểm phục vụ bưu chính, phủ sóng mạng băng rộng cáp quang, mạng di động 3G, 4G, thí điểm phát sóng 5G tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh.

Quyết liệt triển khai mô hình tổ công nghệ số cộng đồng tại 100% cấp xã, góp phần tăng trưởng chỉ số xã hội số. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 11.000 thành viên tổ công nghệ số cộng đồng, lực lượng chủ yếu là học sinh và  đoàn viên thanh niên; tích hợp chuyển đổi số để thực hiện Đề án 06, hợp nhất hệ thống một cửa điện tử và cổng dịch vụ công thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Lâm Đồng và triển khai đồng bộ đến 100% các sở, ban ngành, UBND cấp huyện và cấp xã.

Thực hiện tốt bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến xếp thứ 5/63 tỉnh, thành cả nước. Đặc biệt, hiện nay đã có 4 huyện và thành phố (Đà Lạt, Lạc Dương, Đạ Tẻh, Bảo Lộc) và Sở Giáo dục và Đào tạo đã hình thành trung tâm điều hành thông minh (IOC).

Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh chỉ đạo lộ trình đến 30/9/2023 tất cả 12/12 huyện, thành phố và một số sở, ngành (Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng UBND tỉnh, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Y tế) hình thành trung tâm điều hành thông minh (IOC) góp phần điều hành thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước. Theo lộ trình này, Lâm Đồng sẽ trở thành một trong những địa phương tốp đầu trong cả nước có 100% UBND cấp huyện hình thành trung tâm điều hành thông minh (IOC).

Ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch góp phần tạo đột phá thực hiện chuyển đổi kép xanh và công nghệ số đối với 2 lĩnh vực kinh tế lợi thế của tỉnh Lâm Đồng.

Toàn tỉnh có 12 sàn giao dịch thương mại điện tử đã được Bộ Công thương xác nhận. Đây là một kênh thông tin để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thương hiệu tới mọi khách hàng trong và ngoài nước và thị trường tiềm năng.

Có thể nói chuyển đổi số ngày càng có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng xanh và đổi mới sáng tạo hiện tại và tương lai. Chuyển đổi số còn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho thế hệ trẻ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở xác định những điểm nghẽn và nguyên nhân làm hạn chế quá trình chuyển đổi số; đồng thời, phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, kỳ vọng trong thời gian tới chuyển đổi số Lâm Đồng ngày càng khẳng định, góp phần quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong quá trình hội nhập quốc tế.