(LĐ online) - Nhằm định hướng phát triển văn hóa, thể thao, du lịch trong giai đoạn mới, đồng chí Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL).
Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành liên quan, thành phố Đà Lạt, Ban Giám đốc, cán bộ chủ chốt, các đơn vị trực thuộc Sở VH-TT-DL.
Giám đốc Sở VH-TT-DL Nguyễn Trung Kiên báo cáo kết quả ngành đạt được trong 6 tháng đầu năm |
Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, ngành VH-TT-DL Lâm Đồng đã có nhiều hoạt động văn hóa phong phú sôi nổi, rộng khắp, tổ chức thành công nhiều sự kiện như: Hội Tết, Hội báo Xuân, Festival Hoa Đà Lạt, Ngày hội Văn hóa - thể thao vùng đồng bào DTTS, Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, Liên hoan các CLB văn nghệ dân gian… làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân. Sở đã tổ chức 10 lớp truyền dạy nhạc cụ dân tộc, phục dựng 4 lễ hội truyền thống, hỗ trợ 10 bộ nhạc cụ và 150 bộ trang phục biểu diễn cho các đội văn nghệ dân gian; trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho 6 nghệ nhân được nhà nước vinh danh. Công tác gia đình và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được đẩy mạnh đi vào chiều sâu, chất lượng. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, vận động nhân dân nhường đất, hiến đất, góp công góp của xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao, nhà sinh hoạt cộng đồng… Toàn tỉnh hiện có 139/142 xã, phường, thị trấn; 1.321/1.376 thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa. Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật thực hiện trên 10 ngàn m2 pano tuyên truyền trực quan các sự kiện chính trị, 120 buổi tuyên truyền lưu động, 109 buổi biểu diễn nghệ thuật. Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng thực hiện 13 đợt phim, 3 chương trình sự kiện, 3 phóng sự, 85 tài liệu tuyên truyền xe loa, khai thác 35 phim truyện, 40 phim tài liệu, 18 phim hoạt hình, 8 chuyên mục giữ gìn bản sắc dân tộc, phục vụ 948 buổi chiếu bóng thu hít 440,5 ngàn lượt người xem. Thư viện Lâm Đồng trưng bày 78 chuyên đề với 3.324 tài liệu nhân các ngày lễ lớn; cấp 11.864 thẻ bạn đọc; phục vụ 2,352 triệu lượt bạn đọc; bổ sung, xử lý 24.605 sách, báo, tạp chí; tổng số tài liệu thư viện hiện có là 311.019 bản; thành lập 20 tủ sách cơ sở; phục vụ lưu động tại 118 trường học; tổ chức 6 buổi giới thiệu tác giả, tác phẩm. Bảo tàng Lâm Đồng đón 94.130 lượt khách tham quan; sưu tầm 45 hiện vật về dân tộc và Đà Lạt xưa; hoàn thành hồ sơ lý lịch cho 100 hiện vật; thực hiện đánh số 230 hiện vật; phân loại 250 hiện vật; scan hồ sơ lưu trữ trên 1.200 hiện vật…
Phong trào thể dục - thể thao quần chúng được duy trì và phát triển, tỷ lệ người tập luyện thường xuyên đạt 36,8%, số gia đình thể thao đạt 29%; tổ chức 27 giải đấu quần chúng, 10 giải thể thao thành tích cao; cử đoàn vận động viên tham gia 77 giải quốc gia, quốc tế, đạt 83 huy chương (30 HCV, 20 HCB, 33 HCĐ); trong đó có 6 huy chương quốc tế.
Ý kiến phát biểu của các sở, ngành liên quan |
Trong 6 tháng đầu năm, tổng lượt khách đến tham quan nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng ước đạt 4,5 triệu lượt người (tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 53,1% kế hoạch năm 2023); trong đó 227 ngàn lượt khách quốc tế (tăng 773% so cùng kỳ, đạt 90,8% kế hoạch năm); khách qua lưu trú ước đạt 3,8 triệu lượt. Toàn tỉnh hiện có 3.021 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 38.251 phòng; trong đó có 446 khách sạn từ 1 – 5 sao với 13.032 phòng; có 77 đơn vị lữ hành; 3 sân golf; 1 khu du lịch quốc gia, 8 khu du lịch cấp tỉnh, 33 điểm du lịch canh nông và nhiều điểm tham quan có thu phí khác. Đã khôi phục và kết nới 9 tuyến bay nội địa, 4 tuyến bay quốc tế. Có khoảng 13,5 ngàn lao động phục vụ trong ngành du lịch, 80% lao động đã qua đào tạo. Bên cạnh việc khai thác các sản phẩm du lịch truyền thống của địa phương là du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng, sự kiện hội nghị, đã đa dạng các sản phẩm du lịch mới đảm bảo tính chuyên nghiệp, theo hướng chất lượng cao và bền vững. Nhiều sản phẩm du lịch mới độc đáo như các điểm dừng chân, tham quan, chụp ảnh, quán cà phê, điểm du lịch canh nông thu hút du khách…
Ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong thư viện, thực hiện đề án “Xây dựng Đà Lạt thành phố thông minh”, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý bảo tồn di sản văn hóa, hỗ trợ duy trì hoạt động các Liên đoàn, hội, CLB văn hóa, thể thao, du lịch.
Nhiều ý kiến của ngành liên quan đến các vấn đề: Xây dựng tour tuyến du lịch mới, phối hợp xúc tiến hoạt động du lịch thu hút khách quốc tế; đẩy mạnh đào tạo năng khiếu trẻ, đầu tư cho thể thao thành tích cao và cho đội bóng đá thăng hạng; các hoạt động văn hóa cần đi vào chiều sâu, cần đầu tư để có chương trình xứng tầm; thực hiện xã hội hóa các hoạt động, các chương trình nghệ thuật; phát triển Đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên theo hướng khai thác giá trị nghệ thuật truyền thống các dân tộc bản địa tạo nên sự khác biệt, độc đáo, vừa làm công tác bảo tồn, giảm bớt các hoạt động giải trí; những khó khăn là tìm đầu ra cho các diễn viên, nghệ sĩ lớn tuổi; đưa bảo tàng thành điểm tham quan hấp dẫn…
Đồng chí Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ kỳ vọng mong muốn vào sự phát triển của ngành VH-TT-DL |
Đồng chí Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận thành quả ngành VH-TT-DL đạt được và nhấn mạnh: Lâm Đồng không phải là tỉnh kinh tế trọng điểm của cả nước, nhưng là điểm đến văn hóa, đậm đà bản sắc. Sở VH-TT-DL quản lý đa ngành đa lĩnh vực; những năm qua khách du lịch chọn Đà Lạt – Lâm Đồng là điểm đến, làm thay đổi đời sống của đồng bào Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Thành công Festival Hoa, lễ hội âm nhạc và nhiều sự kiện lớn đã mang đến khí thế mới, đánh dấu sự khởi sắc. Trong thời gian tới, ngành cần có những chuyển biến, tránh sự đều đều. Công tác tham mưu cần chủ động, nhanh nhạy, mạnh dạn, đề xuất các hoạt động cụ thể, tạo bước đột phá. Đội ngũ cán bộ chuyên môn hoạt động chuyên nghiệp cần có sự kế thừa, đổi mới. Các hoạt động văn hóa phải quan tâm từ cơ sở, tổ chức từ cơ sở, tạo phong trào mạnh mẽ, sôi nổi từ cơ sở, làm cho đời sống tinh thần của Nhân dân lành mạnh, vui tươi, khí thế.
Còn thiếu các sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao, sản phẩm du lịch đặc biệt chưa có. Thị trường khách quốc tế phục hồi còn chậm, nhiều công trình trọng điểm phục vụ du lịch triển khai còn chậm. Cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Phát triển kinh tế du lịch đêm phải sắp xếp và sớm triển khai, đảm bảo lành mạnh, vui vẻ, không vi phạm thuần phong mỹ tục, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư thực hiện các loại hình giải trí lành mạnh cho du khách.
Cơ quan đoàn kết, đồng thuận, xây dựng Đảng bộ trong sạch, các đoàn thể vững mạnh; phòng chống tham nhũng, thực hiện tiết kiệm; nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình. Trong đó, gia đình là quan trọng, ngăn chặn bạo hành gia đình, đặc biệt là bảo vệ trẻ em.
Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động VH-TT-DL, chú trọng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; phối hợp với thành phố Đà Lạt hoàn thành thủ tục Thành phố sáng tạo. Quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần vùng đồng bào DTTS, xã có sân bóng đá, thôn có sân bóng chuyền. Tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh xây dựng cơ sở vật chất, hình thành các khu du lịch trọng điểm; rà soát lại quy hoạch quảng cáo, phát triển hệ thống pano tuyên truyền quảng bá. Nhanh chóng xây dựng đề án toàn diện về phát triển VH-TT-DL kèm theo đề xuất xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Thực hiện giải tỏa khu vực lấn chiếm và quy hoạch lại toàn bộ khu vực đồi lăng mộ Nguyễn Hữu Hào.
Văn hóa, Thể thao, Du lịch phải tiếp tục tạo nên sức mạnh nội sinh, làm nền tảng cho sự phát triển; Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ niềm kỳ vọng và mong muốn ngành tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng con người ngày càng tốt hơn, góp sức làm cho đất và người Đà Lạt – Lâm Đồng đẹp hơn mỗi ngày trong mắt du khách bạn bè trong nước và quốc tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin