Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng phong trào thi đua yêu nước

VĂN NHÂN 10:43, 09/06/2023

(LĐ online) - Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người đầu tiên khởi xướng phong trào thi đua yêu nước, mà Người còn thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào. Tư tưởng thi đua yêu nước của Hồ Chí Minh vừa sâu sắc, toàn diện và có hệ thống, vừa thiết thực, dễ hiểu, dễ đi sâu vào cuộc sống, do đó có sức quy tụ và hấp dẫn lớn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp tặng Bằng khen cho các tập thể có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2018 – 2023. Ảnh: Chính Thành
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp tặng Bằng khen cho các tập thể có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2018 – 2023. Ảnh: Chính Thành

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ THI ĐUA YÊU NƯỚC CÓ Ý NGHĨA TO LỚN
Cách đây 75 năm (ngày 11/6/1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, đặt nền móng cho Phong trào Thi đua yêu nước. Lời kêu gọi thi đua ái quốc đã chỉ rõ mục đích, cách làm, đối tượng thi đua là tất cả mọi người dân Việt Nam, “bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau”. Yêu cầu thi đua là phải “Làm cho mau, làm cho nhiều” và trong thi đua thì phải “Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Khẩu hiệu thi đua: “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”. Kết quả của thi đua là “Toàn dân đủ ăn đủ mặc, toàn dân biết đọc, biết viết, toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới, để diệt ngoại xâm; toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn”.  
Từ nội dung của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” và những bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, có thể rút ra một số điểm cơ bản, đó là:
Quan điểm của thi đua yêu nước là không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, mà quan trọng hơn là cải tạo bản thân con người; nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế; làm cho già, trẻ, gái, trai và các tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội đều hướng tới mục đích chung.
Mục đích của thi đua là để thực hiện tốt nhiệm vụ chủ yếu của mỗi thời kỳ cách mạng trong tình hình và điều kiện lịch sử cụ thể nhằm nhanh chóng giành được độc lập, tự do; xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh; đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Nội dung thi đua phải toàn diện, thiết thực; xuất phát từ nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng; gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, từng cấp và với công việc hàng ngày của mỗi người; hướng vào cải tạo, xây dựng con người mới và giải quyết những vấn đề cơ bản thiết thực của Nhân dân...
Cách thức tổ chức là “Phải dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân”; phong phú, đa dạng, khơi dậy được lòng yêu nước, tinh thần tự giác, sáng tạo và sức lực của các tầng lớp nhân dân trong từng giai đoạn cách mạng.
Phương châm thi đua là “thi đua chứ không phải ganh đua”, nên cần phải đoàn kết, thân ái giúp đỡ lẫn nhau để đạt thành tích cao; thi đua là nơi để mỗi người đều có thể tìm tòi, phát triển tài năng, sáng kiến của mình, học hỏi điều hay, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm và cùng tiến bộ. Thi đua phải gắn liền với công tác khen thưởng; khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để mỗi người nâng cao tinh thần yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, ý thức làm chủ tập thể, cần kiệm xây dựng đất nước; đồng thời, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, 75 năm qua, phong trào thi đua yêu nước đã trở thành mục tiêu và động lực quan trọng thúc đây cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển. Chính phong trào thi đua yêu nước đã kích thích, động viên mọi người cùng nhau đưa hết tài năng, sức lực nhằm đạt thành tích tốt nhất trong chiến đấu, sản xuất, công tác, học tập… Thành tựu to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn gắn liền và có sự đóng góp quan trọng của phong trào thi đua yêu nước. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thi đua khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới. Thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”.
Bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế nhằm mục tiêu xây dựng đất nước ta ngày càng cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc, tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa to lớn, sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, tiếp tục soi sáng phong trào thi đua.
TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC TRONG GIAI ĐOẠN MỚI
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, Đảng, Nhà nước ta đã xây dựng, ban hành kịp thời đường lối, chủ trương và chính sách, pháp luật về thi đua yêu nước nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng.
Đặc biệt trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng, về tổ chức các phong trào thi đua yêu nước đã được ban hành và không ngừng bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đất nước trong tình hình mới, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.
Nhờ đó, phong trào trào thi đua đã bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đất nước, các ngành, địa phương và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến của tập thể, cá nhân trong lao động, sản xuất, chiến đấu, học tập đã xuất hiện qua các phong trào thi đua...
Tuy nhiên, soi vào tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy bên cạnh những thành tích và ưu điểm, phong trào thi đua có lúc, có nơi vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; chưa đi vào thực chất, hiệu quả thấp.
Nhận thức về thi đua, khen thưởng còn chưa thật đúng đắn, sâu sắc; hình thức và nội dung thi đua còn chậm đổi mới, thiếu sáng tạo, nhiều khi mang tính hình thức; việc đánh giá, bình xét thi đua chưa thật sự công bằng, chính xác; khen thưởng còn tràn lan, cào bằng, thậm chí còn có hiện tượng “chạy thi đua, khen thưởng”… Chính những yếu kém, bất cập đã làm giảm ý nghĩa, vai trò và động lực to lớn của công tác thi đua, khen thưởng, gây phản cảm, bức xúc trong dư luận xã hội...
Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ mới, thiết nghĩ chúng ta cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và tính tất yếu của công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới. Qua đó, tạo sự chuyển biến rõ nét trong hành động của mỗi tổ chức và cá nhân khi tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nhất là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị.
Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, đưa công tác thi đua gắn với công việc hàng ngày của mỗi người và được duy trì thường xuyên, liên tục như Bác Hồ đã dạy; gắn thi đua với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn thi đua với “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Công tác thi đua - khen thưởng cần có định hướng thiết thực, cụ thể, rõ ràng, càng thiết thực, cụ thể thì hiệu quả đạt được càng cao; kiên quyết chống bệnh hô hào, hình thức …
Ba là, phát hiện, bồi dưỡng các mô hình điểm, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, thiết thực; các gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong các phong trào thi đua yêu nước để tuyên truyền động viên, cổ vũ và nhân rộng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Lồng ghép, gắn các phong trào thi đua yêu nước với rèn luyện đạo đức cách mạng, phát huy sáng kiến, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí; chống chủ nghĩa hình thức, chạy theo số lượng, bỏ qua chất lượng; thi đua phải đi đôi với với khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng việc và xử phạt nghiêm minh những tập thể, cá nhân vi phạm.
Bốn là, tạo sự liên kết, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương trong công tác thi đua - khen thưởng; tăng cường kiểm tra, giám sát về thi đua - khen thưởng, đảm bảo tính chính xác, kịp thời, công bằng, không để tiêu cực xẩy ra. Coi trọng việc sơ kết, tổng kết để kịp thời biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, đồng thời đúc kết kinh nghiệm, phổ biến, nhân rộng trong Nhân dân.
Năm là, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp cần quan tâm xây dựng bộ máy, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng đảm bảo có đủ phẩm chất năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, có lòng nhiệt tình, trách nhiệm, có năng lực tổ chức phong trào. Theo đó, một mặt cân coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn - nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách về thi đua, khen thưởng; mặt khác phải có cơ chế, chính sách đầu tư thỏa đáng cho công tác này, đảm bảo thi đua, khen thưởng đạt chất lượng, hiệu quả, thiết thực.
Để thi đua, khen thưởng thật sự “là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới” như Bác Hồ từng căn dặn, công tác thi đua, khen thưởng cần phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng; trở thành phong trào cách mạng sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phấn đấu vì mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
75 năm qua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là ngọn đuốc soi đường phong trào thi đua yêu nước, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hiện nay và mãi về sau, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn và mang tính thời sự sâu sắc, tiếp tục khích lệ, soi sáng phong trào thi đua yêu nước nâng cao mãi mãi.